Những ngày qua, nhiều bạn hỏi anh về những điều nên – không nên & các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn. Hôm nay, anh sẽ bật mí luôn nhé.
1. Những điều Nên – Không Nên khi phỏng vấn
1.1. Những điều nên làm khi phỏng vấn
– Tập luyện trước ở nhà bằng cách liệt kê danh sách những câu hỏi có thể được hỏi để chuẩn bị câu trả lời phù hợp, câu trả lời cần cụ thể, có số liệu và đi thẳng vào vấn đề. Phần tự giới thiệu bản thân nên chuẩn bị kỹ, nói lưu loát, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tìm hiểu kỹ thông tin công ty và vị trí mình ứng tuyển vì 80% nhà tuyển dụng sẽ hỏi điều đó. Đồng thời, các em cần xem lại những kiến thức đã được học liên quan đến công việc luôn.
– Đến buổi phỏng vấn đúng giờ hoặc sớm hơn tối đa 10-15 phút. Nên dự trù trước những rủi ro ảnh hưởng tới thời gian như kẹt xe, hư xe, trời mưa, lạc đường (nên search đường trước hoặc đi ngang qua check trước địa điểm trước để lúc phỏng vấn đi thẳng tới luôn)…
– Trang phục lịch sự (tốt nhất là áo sơ mi, quần tây, giày tây), đầu tóc gọn gàng, không nhuộm màu quá nổi. Nữ có thể mặc váy tối màu.
– Trong buổi phỏng vấn, thể hiện sự tự tin, lắng nghe kỹ câu hỏi, trả lời đúng và đủ ý, đúng sự thật, có dẫn chứng.
– Kết hợp ngôn ngữ hình thể để, giao tiếp bằng ánh mắt để diễn đạt ý, nụ cười với tần suất vừa phải cũng là một điểm cộng thể hiện sự thân thiện.
– Mạnh dạn đề xuất mức lương phù hợp với năng lực bản thân, tính chất công việc và tình hình tài chính của công ty. Các em có thể tham khảo trước trên mạng hoặc bạn bè, anh chị đang làm công việc tương tự. Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo mức lương công ty đó đưa ra cho vị trí này (nếu không có thì các em xem các vị trí khác của công ty xem có để mức lương không, rồi tự suy ra mức lương tương ứng cho vị trí này) trong bài post tuyển dụng để có thể quyết định mức lương phù hợp.
– Cuối buổi phỏng vấn nhớ hỏi một số câu hỏi liên quan đến công việc, công ty để thể hiện cho người ta thấy mình thật sự quan tâm và tâm huyết với công việc này. Nhớ hỏi thời gian thông báo kết quả phỏng vấn và chia sẻ thời gian mình có thể bắt đầu công việc nếu được nhận.
1.2. Những điều không nên làm khi phỏng vấn
– Không đi trễ hoặc tới quá sớm vì cả 2 đều thể hiện rằng kỹ năng quản lý thời gian của mình chưa tốt.
– Không mặc áo thun, quần short, quần jean, quần rách, đeo dép, nhuộm tóc màu sáng. Nữ không ăn mặc quá hở hang. Tuy nhiên, một số công việc đòi hỏi tính sáng tạo hoặc thẩm mỹ, thiết kế này nọ thì có thể ăn mặc thoải mái một tí để thể hiện rõ cá tính.
– Trong buổi phỏng vấn không được rụt rè, tránh các từ “ừ”, “ờ” (nếu đang suy nghĩ thì cứ im lặng 1-2s để suy nghĩ), tránh nói lan man, mơ hồ, lạc đề.
– Không rung đùi, cười lớn tiếng, chống cằm, khoanh tay.
– Không quá tự ti hay tự cao trong cách trả lời phỏng vấn.
– Không nói dạ sao cũng được hoặc đề xuất mức lương quá thấp, quá cao khi được hỏi.
2. Cách trả lời 9 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
2.1. Giới thiệu về bản thân – Câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Tụi em nhớ chuẩn bị những câu trả lời về mình nhưng gắn với công việc thay vì những vấn đề cá nhân.
>> Cách giới thiệu bản thân để nhà tuyển dụng ấn tượng và đánh giá cao
2.2. Hãy cho tôi biết bạn mong muốn công việc như thế nào?
Đưa ra những câu trả lời liên quan tới công việc, ví dụ như mơ ước một môi trường làm việc năng động, được giao tiếp, được học hỏi để phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng,… (liệt kê một số kiến thức và kỹ năng muốn được học hỏi) và thêm phần muốn đóng góp thế nào cho công ty khi làm công việc đó.
>> Trả lời phỏng vấn: Bạn mong muốn công việc như thế nào?
2.3. Vì sao bạn nghỉ việc ở nơi làm cũ?
Đưa ra những câu trả lời mang tính tích cực, ví dụ như muốn theo đuổi đam mê mới hoặc một cơ hội mới. Đừng bao giờ nói xấu công ty cũ, sếp cũ hoặc chê bai về chế độ đãi ngộ vì trả lời như vậy là rớt.
>> Trả lời thế nào khi được hỏi lý do nghỉ việc ở công ty cũ?
2.4. Điểm yếu của bạn là gì? – Câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Tụi em cần chuẩn bị sẵn một vài điểm yếu, nhưng ẩn chứa điểm mạnh trong đó. Ví dụ như tôi hay quên nên nhiều khi phải tự sắp xếp một lịch công việc chi tiết và dán nó trước mặt bàn hoặc tôi cầu toàn quá. Nên tự đưa ra giải pháp để khắc phục điểm yếu luôn.
>> Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?
2.5. Điểm mạnh của bạn là gì?
Câu này chỉ cần trả lời 3 điểm mạnh sẽ đem lại kết quả tốt trong công việc đang ứng tuyển và dĩ nhiên là phải có ví dụ minh họa mà mình đã từng làm trong quá khứ.
>> Trả lời sao cho khéo câu hỏi phỏng vấn “Điểm mạnh của bạn là gì?”
2.6. Bạn có biết gì về công việc bạn ứng tuyển (hoặc công ty chúng tôi) không?
Như anh đã nói ở phần trên, tụi em nhớ dành thời gian nghiên cứu thông tin về công ty, website, bạn bè hoặc nếu có ai đó quen biết đang làm tại công ty thì nhớ hỏi kỹ càng, đồng thời, kèm theo những gì thể hiện mình phù hợp với vị trí đó.
>> Trả lời phỏng vấn: Bạn biết những gì về công ty chúng tôi?
2.7. Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn? – Câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Cứ trả lời những điểm thể hiện mình phù hợp với công việc và mình sẽ đóng góp được gì cho công ty.
>> 5 lưu ý để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?”
2.8. Vì sao bạn lại không có việc làm trong thời gian qua?
Nếu các em có lý do chính đáng như ốm đau, bận việc gia đình thì cứ thẳng thắn chia sẻ. Còn nếu không thì tốt nhất là do bận tham gia khóa học gì đó để bổ trợ cho công việc (Tiếng Anh chẳng hạn) nhưng đừng chém gió quá nha.
2.9. Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Tụi em cứ trả lời mức lương như anh đã chỉ ở phần trước, kèm theo doanh thu hàng tháng mà mình có thể mang lại cho công ty nếu làm ở vị trí đó và mức lương đó.
>> Xem thêm hơn 30 câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm gợi ý trả lời
—
Trên đây là những gì anh thấy cần thiết, nếu tụi em cần hỏi gì thêm thì bình luận bên dưới nha. Bé nào muốn tham khảo bí quyết tìm được công việc phù hợp hoặc cách viết email xin việc chuẩn thì xem tại đây nhé!
—
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.