Khi đi làm, ai cũng muốn mình sẽ hoàn thành những việc được giao một cách thuận lợi, được làm việc trong một môi trường tốt để mình vừa làm, vừa học hỏi, trau dồi thêm nhiều điều hữu ích cho bản thân. Tất nhiên, bên cạnh nỗ lực riêng của mỗi người, thì tính chất công việc và đồng nghiệp xung quanh cũng sẽ góp phần không nhỏ tác động tới hiệu quả công việc của bạn. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời điểm qua 5 tác hại khi đi làm không hoà đồng với đồng nghiệp, và đây chắc hẳn đều là những điều mà bạn không mong muốn:
>> Gặp đồng nghiệp soi mói, nhiều chuyện thì phải làm sao?
1. Không khí làm việc căng thẳng
Tác hại đầu tiên khi bạn đi làm mà không hoà đồng với đồng nghiệp, chính là không khí làm việc sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng, sắc mặt mọi người lúc nào cũng lạnh như băng, hiếm khi giao tiếp với nhau, nhiều khi ngồi gần kế bên nhau thì cũng chat, nhắn tin, chứ không có nhu cầu mở miệng ra nói chuyện. Đáng lẽ bạn muốn được làm việc trong môi trường thoải mái, hoà đồng, nhưng cuối cùng lại phải làm việc trong bầu không khí căng thẳng, không ai làm gì mà mình cũng tự dưng thấy áp lực, mệt mỏi. Có thể một số người muốn có không gian yên tĩnh, không nói chuyện ồn ào để tập trung làm việc, nhưng khi im lặng quá mức thì lại khác, sự bình yên này tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể sẽ sớm bùng nổ, đột ngột tới mức bạn không lường trước được, nhất là khi bạn thật sự không hoà đồng với đồng nghiệp.
2. Không biết làm, nhưng ngại hỏi đồng nghiệp
Đi làm là một quá trình vừa làm việc, vừa học hỏi, trau dồi bản thân. Nếu có những đầu việc mà bạn chưa từng làm bao giờ, chưa biết nên làm thế nào cho hiệu quả, thì bạn sẽ hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đồng nghiệp xung quanh. Khi mọi người vốn dĩ đã thân quen với nhau thì điều này quá đơn giản rồi, nhưng nếu lỡ đôi bên chưa đủ thân thiết, hoặc thậm chí bạn còn không hoà đồng với đồng nghiệp, thì thật sự rất khó để mở lời, có những việc bạn không biết cách làm, nhưng lại ngại hỏi đồng nghiệp. Điều này sẽ khiến bạn mắc kẹt trong tâm trạng rối bời, xoay quanh chuyện nên hỏi hay không, nếu không hỏi thì mình phải tự xoay sở thế nào, xử lý công việc như thế nào để mang về kết quả tốt, càng nghĩ càng thấy mệt mỏi, rối tung cả lên, và để giải quyết vấn đề này, thì bạn phải củng cố mối quan hệ của mình với đồng nghiệp xung quanh.
>> Có nên lấy lý do bận khi đồng nghiệp nhờ giúp đỡ?
3. Khi quá tải công việc cũng ngại nhờ đồng nghiệp giúp
Năng suất làm việc của mỗi người đều có giới hạn, nếu bạn được giao khối lượng công việc phù hợp với khả năng của mình, thì bạn có thể tự thu xếp để hoàn thành một cách ổn thoả, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sẽ có những lúc công việc tự dưng ập đến quá nhiều, cho dù bạn có tăng ca, làm thêm giờ, ba đầu sáu tay cũng chẳng thể nào xử lý hết, nếu làm qua loa thì cũng không được, còn làm kỹ thì lại không kịp. Thông thường, khi rơi vào trường hợp quá tải công việc như thế, chúng ta có thể hỏi thăm, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ đồng nghiệp xung quanh, nhưng khi bạn không hoà đồng với họ, không thân, hoặc thậm chí đang có xích mích, bất đồng với nhau, thì chắc chắn sẽ cực kỳ ngại, không thể nhờ đồng nghiệp giúp được, vậy là tự bạn phải đối mặt và xử lý mọi việc, khả năng cao sẽ bị quá tải, stress,…
4. Kết quả công việc không tốt, trễ deadline
Song song với chuyện bị quá tải, căng thẳng, stress khi có quá nhiều việc cần làm mà không nhờ được ai giúp đỡ, thì điều đó cũng kéo theo một loạt hậu quả khôn lường khác, đó là kết quả công việc của bạn sẽ không tốt, không đảm bảo được chất lượng, khi sếp review công việc sẽ phát hiện ra có nhiều việc bạn chưa hoàn thành, hoặc làm trễ deadline, hoặc đúng hạn nhưng chất lượng lại không đảm bảo, tồn tại những sai sót do quá cập rập nên bạn không làm kỹ lưỡng được. Đây chắc hẳn toàn là những điều mà bạn không hề mong muốn, tự dưng không hoà đồng với đồng nghiệp làm chi, bây giờ bản thân mình phải chịu khổ, chịu thiệt thòi như thế…
>> Đi làm gặp đồng nghiệp tào lao, không có chuyên môn thì phải làm sao?
5. Khó lòng làm việc nhóm với đồng nghiệp
Cuối cùng, khi không hoà đồng với đồng nghiệp, thì tất nhiên bạn cũng sẽ khó lòng làm việc nhóm với họ. Khi đi làm, bạn sẽ thường xuyên được yêu cầu phải teamwork cùng đồng nghiệp, nhất là trong các công việc phức tạp, các nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự hợp tác của nhiều nhân viên với nhau. Lúc đó, bạn không thể nói rằng tôi có thể hoàn thành công việc một mình, vì điều đó là vô lý, nhất là với các đầu việc phức tạp, cho dù bạn có giỏi, có tài năng tới đâu thì cũng không thể tự hoàn thành tốt được. Ngoài ra, khi từ chối làm việc nhóm với đồng nghiệp như thế, thì cấp trên sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn, cho rằng bạn có thái độ bất hợp tác, và điều này cũng khiến mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp xung quanh sẽ ngày càng tồi tệ, xa cách hơn, nhiều khi đi làm mà như bị cách ly, 1 mình 1 cõi, công việc thì cũng lủi thủi làm một mình, không nhờ vả được ai, cũng chẳng ai nói chuyện với mình.
Bài viết này đã điểm qua 5 tác hại thường gặp khi bạn đi làm mà không thân với đồng nghiệp. Nếu không muốn phải đối mặt với những điều tồi tệ ấy, thì bạn biết mình nên làm gì rồi chứ? Hãy sớm có những động thái để kết thân và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp xung quanh, tất nhiên, bạn cần bắt nguồn bởi sự chân thành, chứ đừng làm quen xã giao một cách giả trân, vì điều đó sẽ bị phản tác dụng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cãi nhau với đồng nghiệp vì bất đồng quan điểm thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.