Home Công việc 6 Kiểu Ma Cũ Khiến Sinh Viên Điêu Đứng Khi Lần Đầu Đi Làm

6 Kiểu Ma Cũ Khiến Sinh Viên Điêu Đứng Khi Lần Đầu Đi Làm

by Hoàng Khôi Phạm
6 Kiểu Ma Cũ Khiến Sinh Viên Điêu Đứng Khi Lần Đầu Đi Làm

Lần đầu đi làm, sinh viên mới tra trường ai cũng muốn có được một công việc hoàn hảo, một môi trường làm việc lý tưởng mà mọi người cùng giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau như lúc còn đi học. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường công sở, đâu đó vẫn còn tồn tại 6 kiểu “ma cũ” khiến sinh viên điêu đứng khi lần đầu đi làm.

Biết trước để đề phòng sẽ tốt hơn, cùng điểm mặt 6 kiểu người ấy nhé!

>> Mới ra trường, tôi đối mặt mới cảnh ma cũ bắt nạt ma mới như thế nào? | Chuyện công sở (kỳ 1)

1. Giao 1000 công việc cho người lần đầu đi làm

Tất nhiên đến công ty thì chúng ta phải làm việc, nhưng thông thường, người mới sẽ được training kỹ lưỡng và bắt đầu làm từ những việc đơn giản, từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Khi đã quen việc thì các em hoàn toàn có thể làm việc hết công suất để chứng tỏ năng lực bản thân và đóng góp nhiều giá trị cho công ty.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận với những người “đàn anh” luôn giao thêm cho các em rất nhiều đầu việc không chính thức, tức là việc của họ mà lại bắt nhân viên mới làm. Tất nhiên giúp đỡ lẫn nhau là điều cần thiết, nhưng chỉ trong phạm vi nhất định thôi, chứ nếu bị bắt làm giùm quá nhiều việc thì các em nên khéo léo từ chối.

2. Nghĩ rằng mình có kinh nghiệm nên lúc nào cũng đúng

Kinh nghiệm rất quan trọng trong công việc, nhưng đó không phải là thước đo đúng-sai. Những người đi làm 5-6 năm nhiều khi còn không thể tự tin 100% vào quyết định của mình. Thế nhưng trong một số công ty vẫn tồn tại những người nghĩ rằng kinh nghiệm là tất cả, người cũ nói gì thì người lần đầu đi làm không được phản đối.

Gặp những người như thế, các em cần sử dụng trí thông minh, sự logic của bản thân, đồng thời phải dựa vào số liệu thực tế để phân tích đúng-sai. Tránh việc chính mình cũng dựa vào một phán đoán chưa rõ ràng để cãi lại họ vì như vậy sẽ dễ dàng bị gạt bỏ.

3. Ngồi lê đôi mách, soi mói người lần đầu đi làm

Những người này cứ hễ công ty có nhân viên mới mà họ cảm thấy không vừa mắt thì sẽ bật chế độ soi mói mọi lúc, mọi nơi. Nếu nhẹ thì họ chỉ soi về trang phục, cách giao tiếp của nhân viên mới. Còn nặng hơn thì họ sẽ canh me xem nhân viên mới mà làm sai điều gì thì sẽ thông báo cho cả công ty biết và còn làm trầm trọng hoá vấn đề.

Những người như vậy thường kết quả công việc của họ cũng sẽ không tốt, vì lo soi mói, tám chuyện về người khác thì làm sao tập trung làm việc. Các em cứ phớt lờ họ, đừng làm điều gì sai sót trong công việc và đạt kết quả công việc tốt hơn họ thì sẽ chẳng có gì phải lo.

>> Ngày đầu đi làm, tôi như bước vào một thế giới khác, thật lạ lẫm | Chuyện công sở (kỳ 3)

4. Giấu nghề, không muốn người mới giỏi hơn mình

Lần đầu đi làm, chắc chắn các em sẽ rất nhiệt huyết và có nền tảng kiến thức khá ổn để áp dụng vào công việc. Sự chăm chỉ và năng lực của bản thân sẽ khiến các em trở nên nổi bật nhưng vô tình lại là cái gai trong mắt của một số người.

Họ sẽ muốn kiềm các em lại, có thể bằng cách giao cho những công việc phức tạp hoặc sẽ giấu nghề, không hướng dẫn kỹ lưỡng cho các em. Nhưng đừng lo, công ty có người này người kia, sẽ vẫn có những anh chị tốt bụng, hướng dẫn tận tình nên các em nhớ làm thân với các anh chị ấy nhé. Còn những người ích kỷ kia thì sớm muộn gì họ cũng bị đào thải thôi.

5. Giành hết công lao về mình dù người mới cũng có đóng góp

Những người này không kiềm hãm năng lực của sinh viên mới ra trường, họ sẽ để các em làm việc thoải mái. Nhưng khi cả team có được thành quả thì họ sẽ giành hết công lao về mình, còn các em chỉ được cho là người hỗ trợ thôi.

Tuy nhiên, không thành tựu lớn nào mà chỉ được hoàn thành với công sức của 1-2 người. Đừng vội nản chí khi thời gian đầu công sức của mình chưa được công nhận. Nếu các em thật sự có năng lực, các nhân viên khác sẽ nhận ra và sớm muộn gì người sếp, cấp trên cũng sẽ đánh giá đúng năng lực của các em thôi.

6. Khen thì tôi nhận, còn sai sót là do người mới

Khách hàng khen, đối tác khen thì anh nhận, còn hễ có ai phàn nàn gì hoặc một công việc nào đó xảy ra sai sót, không được hoàn thành đúng hạn thì đổ lỗi cho nhân viên mới. Khôn như anh thì quê em đầy!

Nếu rơi vào tình huống này thì các em không được cam chịu. Hãy thận trọng thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh sai sót không phải do mình, hoặc cũng có phần do mình nhưng không phải tất cả đều do người mới. Vì không ít những sai sót sẽ xuất phát do người cũ training không kỹ càng đấy. Còn nếu thật sự các em là người có lỗi trong việc đó thì nên thẳng thắn thừa nhận chứ không chối nhe.

Đọc xong bài này các em đừng choáng nhé. Tất nhiên khi bước chân vào môi trường công sở thì mọi người sẽ không còn hồn nhiên, vô tư như hồi còn đi làm đâu. Ai cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Quan trọng là mình cố gắng, nỗ lực hết mình thì sẽ chẳng ai có thể cản bước thành công của các em đâu!

>> Ngày đầu đi làm bị xa lánh vì đã phạm những điều tối kỵ | Chuyện công sở (kỳ 6)

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích