Khi đi làm, để được đồng nghiệp yêu quý và tạo thiện cảm trong mắt cấp trên, khách hàng, đối tác, thì bạn phải xây dựng hình tượng một người làm việc chuyên nghiệp và tác phong lịch sự. Ngược lại, nếu bạn đi làm mà lỡ vô tư vi phạm một số quy tắc ứng xử thì hình ảnh của bạn sẽ trở nên xấu đi trong mắt mọi người xung quanh. Không phải chỉ cần ăn mặc chỉnh tề, quần áo lịch sự là được, mà bạn còn phải lưu ý thêm về hành vi, lời nói, thái độ của mình tại nơi làm việc. Dưới đây là các quy luật ngầm về phép lịch sự tối thiểu khi đi làm mà bạn cần lưu ý:
1. Phép lịch sự khi đi làm: Kính trên nhường dưới
Quy luật ngầm đầu tiên mà bạn cần lưu ý để đảm bảo phép lịch sự tối thiểu khi đi làm chính là “kính trên nhường dưới”. Tức là bạn phải luôn lễ phép, tôn trọng những người lớn tuổi hơn, cho dù họ chỉ là nhân viên mới vào làm việc, hoặc đang có chức vụ thấp hơn mình, nhưng ít ra thì họ cũng có tuổi đời nhiều hơn, nên cần được tôn trọng. Song song đó, đối với những người nhỏ tuổi hơn, bạn cũng cần linh hoạt nhường nhịn họ khi cần thiết, tránh trường hợp lạm dụng việc mình lớn hơn rồi sai khiến, chèn ép người nhỏ. Tuy nhiên, “kính trên nhường dưới” không đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn nhún nhường khi đối phương có hành vi sai phạm, không hoàn thành tốt công việc, lười biếng hoặc có thái độ không hợp tác trong công việc. Thay vào đó, bạn cần công tư phân minh, bất kỳ ai không làm đúng nhiệm vụ/vai trò của mình khi đi làm, thì bạn hãy thẳng thắn trao đổi với họ (nếu bạn có quyền hạn đó), hoặc báo với người quản lý cấp trên của họ, với mục đích giúp họ nhận ra được sai lầm và thay đổi, làm việc tốt hơn, chứ không phải là để chèn ép hay nói xấu ai cả.
2. Lịch sự chào hỏi đồng nghiệp/cấp trên khi đi làm
Có một điều mà nhiều người mới đi làm thường không chú ý, hoặc cho rằng không quan trọng lắm, nên đã vô tình vi phạm quy luật ngầm về phép lịch sự tối thiểu khi đi làm, đó chính là “không chào hỏi đồng nghiệp/cấp trên”. Họ cho rằng đồng nghiệp, cấp trên đi làm gặp mặt nhau mỗi ngày, cũng khá thân thuộc và bình thường, có gì đâu mà phải chào hỏi. Tuy nhiên, vô tình điều này sẽ khiến những đồng nghiệp khác cho rằng bạn không thân thiện, thiếu lịch sự, nhất là khi đối phương lớn tuổi hơn mình. Hoặc thậm chí việc chào hỏi nó cũng có thể đã trở thành văn hoá ứng xử chung ở nhiều công ty, tức là đồng nghiệp khi gặp mặt nhau thì nhất định phải chào hỏi lịch sự, ai không làm theo thì xem như không tuân thủ văn hoá công ty, và có thể bị HR nhắc nhở. Chỉ cần một cú gật đầu, một nụ cười hoặc một lời chào hỏi ngắn gọn khi gặp nhau mỗi buổi sáng là được, đâu mất quá nhiều thời gian, mà cũng giúp mọi người có thiện cảm tốt hơn với mình.
3. Lịch sự khi giao tiếp, cả bằng lời nói và văn bản
Khi nhắc tới phép lịch sự khi đi làm, tất nhiên không thể thiếu việc lịch sự khi giao tiếp, cả bằng lời nói lẫn văn bản. Khi đi làm, bạn cần đảm bảo mình chuyên nghiệp, lịch sự trong cả lời nói, cử chỉ và thái độ, nhất là khi giao tiếp với cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác. Cho dù bạn và đối phương đã biết nhau rất lâu, có mối quan hệ thân thiết, nhưng vẫn cần phải giữ một chút ý tứ trong lời nói, tránh việc đùa giỡn quá lố hoặc lỡ nói ra những điều không mấy phù hợp ở nơi làm việc. Hoặc đơn giản hơn, nếu giao tiếp với người lớn hơn mình, thì bạn cần phải “dạ”, “ạ”, tránh việc nói trống không như người ngang hàng. Bên cạnh lời nói, thì tất nhiên khi giao tiếp bằng văn bản trong email hoặc chat, thì bạn cũng cần phải giữ được phép lịch sự tối thiểu, cố gắng dùng đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, tránh cách nói không đầu không đuôi cụt ngủn.
4. Không dùng từ ngữ thô tục/chửi thề khi đi làm
Ai cũng biết khi đi làm thì không được dùng từ ngữ thô tục, và càng không được chửi thề trước mặt mọi người, vì điều đó sẽ vi phạm phép lịch sự, khiến hình ảnh của mình trở nên xấu xí trong mắt đồng nghiệp xung quanh. Tuy nhiên, một số người vì đã quá quen với cách nói chuyện ấy, nên đã có lúc buột miệng lỡ dùng từ thô tục trong công ty, và thế là đồng nghiệp xung quanh đã thấy và đã đánh giá, bạn sẽ mất một thời gian khá dài để lấy lại hình tượng. Vậy nên khi đi làm, bạn hãy luôn tỉnh táo, cố gắng kiểm soát mọi lời nói, nhất là trong những lúc mình nóng giận, đang có điều gì bức xúc.
5. Không gây ồn ào, mất trật tự trong văn phòng
Nếu bạn là một người năng động, hoạt ngôn, thích sự náo nhiệt, thì sẽ dễ vi phạm quy tắc này, và sẽ bị đánh giá là người thiếu lịch sự khi đi làm, điều này thường xảy ra với các bạn sinh viên mới ra trường, gen Z. Hãy nhớ rằng đây là nơi làm việc, không phải khu vui chơi, nên không cần phải quá náo nhiệt, và bạn không được gây ồn ào, mất trật tự trong văn phòng. Bao gồm việc ồn ào trong lời nói như nói chuyện lớn tiếng, cười giỡn um sùm, và cả việc gây ồn ào bằng các hình thức khác như đập bàn đập ghế, mở nhạc ầm ĩ, lướt Tiktok, xem Youtube, chơi game mở loa ngoài điện thoại.
6. Hạn chế làm phiền khi đồng nghiệp tập trung làm việc
Khối lượng công việc khi đi làm thường sẽ rất nhiều, đồng nghiệp xung quanh chắc hẳn rằng đang bị ngập chìm trong mớ công việc khổng lồ, deadline gấp rút, họ cần sự tập trung cao độ và không muốn bị làm phiền để đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc. Chính vì thế, nếu bạn thường xuyên làm phiền đồng nghiệp vì những chuyện không đâu, không liên quan tới họ, khiến họ bị xao nhãng công việc, thì bạn đang là một người bất lịch sự, dần dần bạn sẽ bị đồng nghiệp xa lánh. Ngoài ra, chính bạn cũng cần phải tập trung làm việc để hoàn thành những nhiệm vụ của riêng mình, chứ nếu cứ mãi xao nhãng như thế thì bạn sẽ có kết quả làm việc không tốt và thường để xảy ra sai sót trong công việc.
7. Không đụng vào đồ cá nhân/giấy tờ công việc của người khác
Một số bạn sinh viên mới ra trường đi làm thường vô tư xem công ty như ở nhà, xem đồng nghiệp như bạn bè, nên đã lỡ có những hành vi thoải mái, vô tư quá trớn, chẳng hạn như lấy đồ cá nhân của người khác để dùng, táy máy đụng vào giấy tờ công việc của đồng nghiệp. Đừng bao giờ dại dột như thế, điều này sẽ khiến hình ảnh bạn trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp xung quanh, và dễ bị gán mác là bất lịch sự, hoặc tệ hơn, nếu bạn làm hư hỏng/làm thất lạc đồ dùng của người khác thì sẽ thế nào? Hoặc nếu giấy tờ công việc của họ mà xảy ra vấn đề gì, thì bạn sẽ là người bị quy trách nhiệm đầu tiên.
8. Không tự ý tắt đèn/chỉnh máy lạnh mà chưa hỏi ý mọi người
Khi đi làm, bạn đừng bao giờ tự ý tắt đèn, chỉnh máy lạnh theo ý của mình mà chưa hỏi ý mọi người xung quanh, vì văn phòng là không gian làm việc chung, không phải nhà riêng của mình. Nếu tự ý điều chỉnh như thế thì đồng nghiệp sẽ cho rằng bạn đang bất lịch sự, thiếu ý tứ, thiếu tôn trọng họ. Chẳng hạn như bạn thấy nóng, bạn muốn hạ nhiệt độ máy lạnh xuống cho mát, nhưng lỡ những đồng nghiệp xung quanh lại thấy để như hiện tại là ổn rồi, hoặc họ lại cảm thấy đang hơi lạnh lạnh thì sao? Nói chung là 9 người 10 ý, thật ra vấn đề này khi bạn hỏi đồng nghiệp thường cũng sẽ không thống nhất được quan điểm, nên tự mình lo cho mình là tốt nhất, tức là bạn thấy lạnh thì mặc thêm áo khoác, còn nếu thấy nóng thì tự trang bị thêm một chiếc quạt mini để ở bàn làm việc là được, chứ đừng tự ý chỉnh máy lạnh. Đây là một trong những quy luật ngầm về phép lịch sự tối thiểu khi đi làm mà ít ai nói ra, nhưng bạn vẫn phải tự lưu ý.
9. Giữ gìn vệ sinh chung, ăn uống xong dọn dẹp sạch sẽ
Trong công ty thường sẽ có khu vực chung để nhân viên ăn sáng, ăn trưa, thường gọi là khu pantry để ăn uống. Vì đó là không gian sinh hoạt chung, nên tất cả nhân viên phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, nếu ăn uống xong thì phải lau dọn sạch sẽ, không để vương vãi đồ ăn, nước uống trên bàn sau khi sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn mang đồ ăn tới tận bàn làm việc của mình, thì cũng cần phải dọn rác sạch sẽ sau khi ăn, tránh việc để đó từ sáng tới chiều, vì dù là bàn làm việc riêng, nhưng nó cũng ảnh hưởng gián tiếp tới mỹ quan chung và có thể bốc mùi khắp văn phòng. Điều này vừa thể hiện bạn là một người gọn gàng, sạch sẽ, vừa thể hiện rằng bạn là người hiểu chuyện, biết rõ phép lịch sự tối thiểu khi đi làm.
10. Không được lạm dụng đi trễ, về sớm, ra ngoài giữa giờ làm
Thông thường, nhân viên mới sẽ không vi phạm quy tắc này, nhưng với những ai đã đi làm lâu năm ở công ty, thì tự dưng sẽ dễ xảy ra trường hợp lạm dụng việc đi trễ/về sớm, ra ngoài liên tục giữa giờ làm việc. Họ cho rằng HR của công ty sẽ không để ý, đồng nghiệp xung quanh cũng sẽ bao che, nên đã dàng lúc càng lộng hành. Tuy nhiên, đây là một thói quen và hành vi xấu mà bạn cần tránh, vì nó vừa thể hiện rằng bạn không nghiêm túc làm việc, vừa khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp xung quanh, có thể họ vẫn bao che cho bạn, nhưng thực chất họ đang cho rằng bạn là người vô kỷ luật, bất lịch sự, vì bạn đang đi làm, đang được trả lương, chứ đâu phải đây là cái chợ, là khu vui chơi, muốn ra vào lúc nào cũng được. Nếu bạn đang lạm dụng điều này, thì hãy nhanh chóng khắc phục càng sớm càng tốt nhé!
Trên đây là 10 quy luật ngầm về phép lịch sự tối thiểu khi đi làm mà bạn cần lưu ý, nếu đang lỡ mắc phải bất kỳ điều nào, thì bạn cũng cần phải sớm thay đổi, đừng để hình ảnh mình trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp xung quanh, và đừng để cơ hội nghề nghiệp của mình bị cản trở vì những hành vi không tốt ấy!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.