Home Công việc Đừng Chê Bai Nhân Viên Mới, Hãy Giúp Đỡ Họ

Đừng Chê Bai Nhân Viên Mới, Hãy Giúp Đỡ Họ

by Hoàng Khôi Phạm
Đừng Chê Bai Nhân Viên Mới, Hãy Giúp Đỡ Họ

Khi đi làm, chúng ta sẽ thường xuyên chào đón nhân viên mới, những luồng gió mới được tuyển dụng vào công ty làm việc. Đương nhiên chẳng ai có hiềm khích gì với người mà mình mới quen biết, tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, khi thấy nhân viên mới có nhiều sai sót, chưa hoàn thành tốt công việc hoặc học hỏi chậm, thì một số đồng nghiệp cũ đã chê bai, nói này nói kia sau lưng. Đó là hành động không nên, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng phân tích xem vì sao đừng nên chê bai nhân viên mới, mà hãy giúp đỡ họ!

Ai cũng từng là nhân viên mới

Ai cũng từng là nhân viên mới, cứ mỗi khi bạn chuyển công việc, thì bạn sẽ là nhân viên mới ở công ty mới, đó là lúc bạn phải học hỏi thêm, phải làm quen từ đầu với công việc & quy trình làm việc. Đương nhiên bạn rất muốn mình được các anh chị đồng nghiệp cũ hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ đúng không? Vậy thì bây giờ, những người nhân viên mới vào công ty cũng đang cần bạn giúp đỡ, thay vì buông lời chê bai, trù ẻo rằng người ta sẽ sớm nghỉ việc, không qua được giai đoạn thử việc.

Khi là nhân viên mới vào công ty, sẽ có rất nhiều điều mới khiến bạn bỡ ngỡ, vừa phải học hỏi về sản phẩm, dịch vụ, training thêm về chuyên môn, vừa phải nhanh chóng học cách dùng các phần mềm, công cụ làm việc, và còn phải làm quen với chính sách, quy định mới ở công ty mới nữa. Cùng lúc phải tiếp thu rất nhiều điều nên nhân viên mới thường sẽ dễ bị quá tải, học trước quên sau, hoặc chưa ghi nhớ rõ được những gì đã được hướng dẫn, nên có khả năng sẽ mắc phải những sai sót trong công việc. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ mãi mãi mắc sai sót như thế, sau một thời gian thì ai cũng sẽ làm quen, thích nghi với công việc và đủ khả năng hoàn thành những việc được giao. Đừng hoài nghi về năng lực nhân viên mới, dù sao họ cũng đã trải qua các vòng tuyển dụng gắt gao của phòng nhân sự rồi, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn công ty yêu cầu thì mới được chọn. Thay vì chê bai, chúng ta nên giúp đỡ và động viên nhân viên mới.

>> 4 điều nhân viên mới phải cực kỳ lưu ý trong giai đoạn thử việc

Hãy nhớ lại lúc mình bằng tuổi các bạn nhân viên mới

Hãy nhớ lại lúc mình bằng tuổi các bạn nhân viên mới, nếu muốn so sánh hay đánh giá để chê bai, thì hãy nhớ lại xem khi mình bằng tuổi các bạn ấy, chẳng hạn như lúc mới ra trường, thì năng lực của mình thế nào, có những thiếu sót gì, có làm tốt được tất cả công việc được giao không? Mặc dù so sánh người này với người kia là điều không nên, nhưng trước khi chê bai nhân viên mới, thì bạn nên nhìn lại xem lúc mình bằng tuổi các bạn ấy thì mình đang là ai, năng lực chuyên môn đang ở mức nào.

Để ngày càng hoàn thiện bản thân và có năng lực ổn áp như hiện tại, thì bạn cần bao nhiêu thời gian để học hỏi, rèn giũa, đúc kết thêm kinh nghiệm từ công việc thực tế? Hãy cho họ thời gian để làm quen, học hỏi và hoàn thiện bản thân giống như mình. Bạn nên là người biết thông cảm, đồng hành và hỗ trợ nhân viên mới để họ nhanh chóng quen việc, tăng khả năng hoàn thành tốt công việc, giống như lúc trước những anh chị đồng nghiệp cũ đã từng hỗ trợ bạn.

Đừng chê bai nhân viên mới, hãy giúp đỡ họ

Như đã phân tích ở các phần trước, nhân viên mới vào công ty đương nhiên sẽ có nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với công việc, với môi trường đồng nghiệp và cũng đang lạ lẫm với đồng nghiệp xung quanh. Nhất là sinh viên mới ra trường khi lần đầu tiên đi làm thì những bỡ ngỡ sẽ còn nhân lên gấp bội. Ai cũng bắt đầu từ đâu đó, khi mới vào công ty làm việc thì sẽ có những lỗi sai, có những công việc chưa hoàn thành tốt, và càng không thể giỏi được như những đồng nghiệp đã làm việc lâu năm. Là một nhân viên cũ, bạn nên hiểu và đồng cảm với điều đó, đừng chê bai nhân viên mới, mà hãy giúp đỡ họ.

Nếu được phân nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp cho nhân viên mới, bạn hãy liệt kê đầy đủ những kiến thức mà nhân viên mới cần biết liên quan tới sản phẩm, dịch vụ, quy trình làm việc, công cụ làm việc, rồi hướng dẫn từng bước một và lắng nghe phản hồi xem họ đã tiếp thu được bao nhiêu, có những chỗ nào chưa hiểu thì sẽ giải thích lại. Hãy giao cho nhân viên mới những công việc cơ bản trước, rồi mới nâng dần độ khó lên sau. Ban đầu, bạn sẽ là người đồng hành, ngồi kế bên để quan sát xem nhân viên mới làm gì, có làm đúng chưa, rồi kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Sau một thời gian thì họ sẽ tiến bộ và chắc chắn sẽ không quên rằng bạn chính là người đã dìu dắt, tận tình hỗ trợ, hướng dẫn họ trong công việc mới này.

Còn nếu bạn chỉ là đồng nghiệp ở bộ phận khác, không liên quan nhiều tới công việc chuyên môn của người nhân viên mới kia, giả sử bạn thấy họ đang có sai sót gì, hay có tác phong làm việc không ổn ở chỗ nào, thì cũng có thể góp ý nhẹ nhàng để họ biết và dần khắc phục. Điều đó cho thấy bạn là một người quan tâm tới đồng nghiệp, tận tình góp ý cho nhân viên mới, sẽ giúp hình ảnh của bạn tốt hơn nhiều trong mắt mọi người xung quanh. Thay vì chọn cách chê bai nhân viên mới, thì hãy giúp đỡ, góp ý cho họ, vừa tốt cho họ mà cũng vừa tốt cho mình.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn quan điểm rằng đừng chê bai nhân viên mới, mà hãy giúp đỡ họ. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Thấy nhân viên mới giỏi hơn mình thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích