Home Học tậpChuyện sinh viên Xét Chuyên Ngành Ở Đại Học Là Gì, Dễ Hay Khó?

Xét Chuyên Ngành Ở Đại Học Là Gì, Dễ Hay Khó?

by Hoàng Khôi Phạm
Xét Chuyên Ngành Ở Đại Học Là Gì, Dễ Hay Khó?

Đa số tân sinh viên sẽ chọn ngành học thông qua hình thức lựa chọn đăng ký nguyện vọng trước khi thi đại học, sau khi có kết quả điểm thi và điểm chuẩn từng ngành của trường mà mình đăng ký, thì sinh viên sẽ tự xác định được là mình đậu hay trượt nguyện vọng, trúng tuyển hay rớt chuyên ngành mà mình đã lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường đại học quyết định sẽ tuyển sinh chung, năm 1 chưa chia ngành cụ thể, mà để sinh viên có thời gian 2-3 học kỳ để làm quen, định hướng nghề nghiệp kỹ lưỡng, rồi mới mở đợt xét chuyên ngành sau. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xét chuyên ngành ở đại học là gì, dễ hay khó, sinh viên cần lưu ý gì?

>> Sinh viên chọn nguyện vọng, chuyên ngành ở đại học sao cho đúng?

Xét chuyên ngành ở đại học là gì?

Xét chuyên ngành ở đại học là trường hợp sinh viên đăng ký danh sách các chuyên ngành mà mình muốn theo học, sau khi đã tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng. Thông thường, nhà trường sẽ công bố trước số lượng chỉ tiêu xét tuyển cho từng chuyên ngành, sinh viên cũng tự ước lượng được mức điểm xét chuyên ngành của mình đang là bao nhiêu, để tự lượng sức và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Khi tất cả sinh viên đã hoàn thành form đăng ký, hoặc khi kết thúc thời hạn đăng ký xét chuyên ngành, nhà trường sẽ tổng hợp dựa trên kết quả đăng ký của các em và chỉ tiêu từng ngành để xét từ trên xuống theo mức điểm giảm dần. Sau đó, sẽ thông báo kết quả xét chuyên ngành cho sinh viên trong vòng 2-3 tuần.

Xét chuyên ngành ở đại học dễ hay khó?

Sau khi tìm hiểu xét chuyên ngành ở đại học là gì, thì sinh viên sẽ thấy rằng nó cũng tương đồng với chuyện đăng ký nguyện vọng trước kỳ thi đại học, bạn nào đủ điểm thì sẽ đậu nguyện vọng 1, còn nếu lỡ trượt thì sẽ xét tiếp xuống nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nhưng liệu thực tế có đơn giản như các em đang nghĩ không, xét chuyên ngành ở đại học dễ hay khó? Thông thường, xét chuyên ngành ở đại học chính là một cuộc chiến giữa các bạn sinh viên có năng lực tốt, điểm số cao, nhất là ở các chuyên ngành hot, chỉ tiêu tuyển sinh có giới hạn, nhưng lại có quá nhiều sinh viên đăng ký.

Điều này đã dẫn tới một thực trạng trớ trêu, rằng những bạn sinh viên học giỏi, có điểm xét chuyên ngành cao, vẫn bị trượt nguyện vọng 1 rất nhiều, nhất là ở các ngành có tỷ lệ chọi cao. Điều này đã khiến không ít sinh viên cảm thấy hoang mang, lo lắng, vì không có điều gì là chắc chắn, cho dù điểm cao vẫn có thể bị trượt khi xét chuyên ngành. Mà chuyên ngành thì mình đã cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên mong muốn và định hướng nghề nghiệp, đâu thể chỉ vì sợ bị trượt, sợ không đủ điểm để chọi với những bạn khác, mà đành phải ngậm ngùi đăng ký các ngành ít cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng màu hồng như các em nghĩ, nếu ai muốn gì cũng được nấy, thì chẳng có gì để nói, chứ thực ra mình vẫn cần phải chuẩn bị trước những tình huống xấu, phải có thêm một số nguyện vọng dự phòng khác. Vậy sinh viên được lựa chọn bao nhiêu nguyện vọng khi đăng ký xét chuyên ngành?

>> Cách giúp sinh viên học tốt các môn chuyên ngành ở đại học

Được lựa chọn bao nhiêu nguyện vọng khi xét chuyên ngành?

Thông thường, mỗi trường đại học sẽ có những quy định khác nhau rằng sinh viên được lựa chọn bao nhiêu nguyện vọng khi xét chuyên ngành. Tuy nhiên, để ước lượng một con số chung mang tính tham khảo tương đối, thì thường sinh viên sẽ có khoảng 3 nguyện vọng, được sắp xếp theo mức độ ưu tiên giảm dần. Nếu chẳng may trượt nguyện vọng đầu tiên, thì sẽ xét dần xuống các nguyện vọng phía sau, cho đến khi có nguyện vọng đủ điểm trúng tuyển.

Trong trường hợp tệ nhất, sinh viên lỡ bị trượt toàn bộ nguyện vọng, không đủ điểm để xét vào các chuyên ngành mà mình đã lựa chọn, thì các em vẫn còn một cơ hội cuối cùng để đăng ký xét chuyên ngành bổ sung. Tuy nhiên, lúc đó thường chỉ còn rất ít chuyên ngành, và thường sẽ là những ngành mà ít ai đăng ký, chưa tuyển sinh đủ số lượng sinh viên như chỉ tiêu đã đặt ra. Khi đó, không còn sự lựa chọn nào khác, vì đã trượt hết toàn bộ nguyện vọng rồi, nên các em đành phải tìm hiểu, cân nhắc để chọn lựa ra chuyên ngành phù hợp nhất với mình để đăng ký trong số các chuyên ngành còn lại ấy. Thời gian đầu, có thể các em sẽ bị rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti, chán nản, vì mình vừa bị trượt hết nguyện vọng mong muốn, vừa phải theo học chuyên ngành mà mình không yêu thích lắm, nhưng biết đâu được, sau một thời gian theo học thì các em cũng sẽ khám phá ra được những điều thú vị của ngành học, và hoàn toàn có thể mang về kết quả học tập tốt trong tương lai.

Chọn chuyên ngành xong có được thay đổi không?

Sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chưa được cọ xát với công việc thực tế, nên tất nhiên sẽ có những trường hợp rằng ban đầu các em chưa tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng, hoặc cho rằng mình thích/mình phù hợp với ngành, nhưng sau một vài ngày suy nghĩ lại, hoặc sau vài học kỳ thì lại thấy có quá nhiều điều không như mình nghĩ, rồi phát hiện ra mình phù hợp với ngành học khác hơn, lúc này thật sự ngang trái. Vậy sinh viên chọn chuyên ngành xong có thay đổi được không?

Đây là băn khoăn của không ít sinh viên, và câu trả lời rằng các em có quyền thay đổi, nhưng phải bắt đầu lại từ đầu. Tức là các em phải đăng ký xét chuyên ngành lại vào năm sau, chung với các em khoá dưới. Hoặc nếu chỉ mới trải qua vài ngày sau khi đăng ký chuyên ngành, chưa thông báo kết quả, hoặc đã thông báo kết quả nhưng ngành các em muốn chuyển sang vẫn còn trống chỉ tiêu, thì sinh viên có thể liên hệ với nhà trường để xin phép được điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học khó hơn, yêu cầu các em phải học lại, tính điểm lại từ đầu, thậm chí có khi phải thi đại học lại từ đầu, nghe qua là thấy mệt mỏi rồi. Để biết được chính xác trường mình đang yêu cầu như thế nào, đang có quy định ra sao về việc đổi chuyên ngành, sinh viên cần liên hệ phòng đào tạo để có thông tin chi tiết nhất.

>> Điều kiện để sinh viên được chuyển ngành học trong cùng trường

Sinh viên cần lưu ý gì khi lựa chọn chuyên ngành?

Sinh viên vẫn có thể chuyển ngành nếu thấy không phù hợp, tuy nhiên, quy trình sẽ khá phức tạp, có nhiều quy định rắc rối, và hơn nữa, điều này sẽ khiến các em lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc, và công sức. Chẳng hạn như lỡ học ngành này được 1-2 năm rồi, mới lật đật chuyển ngành, thì tức là mình đã lãng phí 1-2 năm để học những điều không cần thiết với mình sau này. Tốt nhất là các em nên hiểu rõ xét chuyên ngành là gì, chọn đúng ngành học ngay từ đầu, cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh để có được sự lựa chọn đúng đắn nhất, hạn chế rủi ro học một thời gian lại thấy không phù hợp, thấy thích ngành khác hơn. Dưới đây là một số điều sinh viên cần lưu ý khi lựa chọn chuyên ngành:

  • Suy nghĩ kỹ lưỡng xem sau này mình thích làm công việc gì, trong ngành gì?
  • Tìm hiểu xem công việc đó sẽ có những khó khăn, thử thách nào, mình sẵn sàng đối mặt không?
  • Công việc sau này có tính chất thế nào, làm việc với con người hay sổ sách/máy tính/con số, di chuyển nhiều hay ngồi cố định ở văn phòng, và các em có thật sự thích công việc có tính chất như thế không?
  • Tham khảo review của một số anh chị đang làm việc trong ngành đó, để có thêm thông tin cho việc cân nhắc;
  • Ngành mình định theo học bao gồm các môn nào, có khó không, các em đủ khả năng tiếp thu và học tốt không?
  • Điểm chuẩn xét chuyên ngành đó ở những năm trước rơi vào khoảng bao nhiêu, tình hình điểm hiện tại của mình có khả thi không, có cơ hội trúng tuyển nhiều không?
  • Ngoài ngành mà mình đang thích nhất, thì các em có đang hứng thú với những ngành nào khác không, hãy liệt kê đầy đủ và cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng xem liệu đó có thật sự là ngành mình thích nhất không, liệu có ngành nào có khả năng vượt mặt ngành đó trong tương lai, khiến mình muốn đổi ngành không?

Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng xét chuyên ngành ở đại học là gì, có khó không, sau này có thể chuyển ngành không, và cần lưu ý gì khi lựa chọn chuyên ngành? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em! Hãy cân nhắc kỹ lưỡng để có sự lựa chọn đúng đắn nhất nhé!

>> Chưa vững kiến thức chuyên ngành có xin việc được không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích