Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 67, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về khả năng học hỏi, ra trường trễ, ban chuyên môn CLB và mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 65) – Thi cuối kỳ, tiêu chí xét học bổng
1. Cách giúp sinh viên nâng cao khả năng học hỏi
1. Sẵn sàng học hỏi bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất kể người dạy là ai, học một cách chủ động, tự giác, luôn tự mày mò & tìm hiểu kiến thức để nâng cao vốn hiểu biết, chứ không cần ai phải thúc ép.
2. Tư duy “tôi chưa giỏi”, hiểu rằng mình còn thiếu sót, phải trau dồi, học hỏi thêm nhiều điều, nhiều kiến thức, kỹ năng mềm, để ngày càng hoàn thiện bản thân và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.
3. Chủ động học hỏi, trước các buổi học, sinh viên cần chủ động đọc bài, xem trước bài học, chỗ nào chưa rõ thì đánh dấu để vào lớp nghe giảng kỹ phần đó, thấy kiến thức mới thì luôn chủ động cập nhật.
4. Ghi chép đầy đủ & thực hành sau mỗi buổi học, giúp sinh viên hiểu rõ bản chất kiến thức, vận dụng trong thực tiễn chứ không còn là lý thuyết suông, giúp các em ghi nhớ lâu và học hỏi tốt hơn.
2. Những lý do khiến sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ
- Rớt môn: Khi rớt môn, sinh viên phải học lại để trả nợ môn, xong hết thì mới được tốt nghiệp ra trường, nhưng khi bị rớt môn, nợ môn quá nhiều, học lại không kịp thì sẽ có rủi ro phải tốt nghiệp ra trường trễ.
- Chuyển ngành: Khi chuyển sang học ngành khác, sinh viên phải học lại các môn của ngành mới, khiến mình bị chậm hơn 1 nhịp với bạn bè đồng trang lứa, phải tốt nghiệp ra trường trễ hơn các bạn.
- Gap year: Một số sinh viên xin bảo lưu, tạm nghỉ 1 năm để gap year, dành thời gian cho những kế hoạch, dự định riêng, khi đó, các em chấp nhận rằng sẽ hoàn thành chương trình học chậm hơn 1 năm.
- Hoàn cảnh khó khăn: Một số trường hợp không đủ tài chính để đóng học phí, gia đình khó khăn, có biến cố nên sinh viên phải tạm dừng việc học, tới khi đủ tiền lo học phí thì cũng bị chậm tiến độ học.
- Lý do sức khoẻ: Nếu sức khoẻ không đảm bảo, hoặc bị tai nạn, phải nhập viện điều trị thời gian dài, sinh viên cũng phải tạm hoãn việc học, khiến các em học chậm & tốt nghiệp ra trường trễ hơn.
>> Sinh viên có thể học hỏi những gì từ anh chị khoá trên?
3. Ban chuyên môn trong CLB làm những nhiệm vụ nào?
Ban chuyên môn là bộ phận phụ trách kiến thức chuyên môn trong CLB, xây dựng nội dung và đảm bảo tính chuyên môn, tránh sai sót về kiến thức trong các hoạt động, cuộc thi, hội thảo do CLB tổ chức. Để phát triển bền vững, CLB phải hoạt động với nền tảng chuyên môn vững chắc, cung cấp kiến thức chuẩn xác cho sinh viên, tránh tuyên truyền, training kiến thức sai, không đúng chuyên môn.
Nhiệm vụ đầu tiên mà ban chuyên môn sẽ phụ trách là tổ chức training kiến thức định kỳ cho các thành viên trong CLB từ 1-2 lần/tháng, đảm bảo ai tham gia CLB cũng được học hỏi, mở mang kiến thức. Có thể các bạn không trực tiếp training, mà sẽ mời giảng viên để tăng tính chuyên môn, nhưng thành viên ban chuyên môn là người hỗ trợ chuẩn bị nội dung, đảm bảo logic, phù hợp và dễ hiểu. Với các cuộc thi học thuật, hội thảo định kỳ do CLB tổ chức, thành viên ban chuyên môn cũng sẽ phối hợp cùng cố vấn chuyên môn (giảng viên) để đảm bảo các kiến thức được truyền đạt chính xác nhất. Tóm lại, ban chuyên môn sẽ phụ trách kiến thức chuyên môn, từ đó, các em sẽ được trau dồi & đào sâu nhiều kiến thức hữu ích cho bản thân. Nếu hứng thú với ban chuyên môn thì hãy apply nhé!
4. Mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao?
Mâu thuẫn lần 1, lần 2 thì có thể xoa dịu và bỏ qua, nhưng mâu thuẫn cứ tiếp diễn nhiều lần thì nó sẽ bùng nổ, dẫn tới nhiều hậu quả không mong muốn. Mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao? Không nên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, động tay động chân không giải quyết được gì, nó chỉ khiến bạn kia kích động hơn, tạo cái nhìn tiêu cực về mình từ phía nhà trường và phụ huynh.
Đôi bên cần ngồi lại, lắng nghe quan điểm của đối phương, rồi cố gắng làm rõ mọi vấn đề, xác định các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tránh để mâu thuẫn phát sinh vì những hiểu lầm không đáng. Lưu ý khi trao đổi phải thật sự bình tĩnh, không lớn tiếng tranh cãi, không chửi tục, không ngắt lời, không nhảy vào miệng đối phương, cứ để bạn nói hết rồi mình sẽ nói lên quan điểm của mình sau. Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng cách này khi áp dụng sẽ vẫn hiệu quả, và tất nhiên sẽ tốt hơn nhiều so với chuyện im lặng chịu trận, hoặc động tay động chân khi mâu thuẫn với bạn cùng trường.
Cẩm nang sinh viên tập 67 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện khả năng học hỏi, ra trường trễ, ban chuyên môn CLB và mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 66) – Yếu kém, tự ti, mặc cảm về năng lực
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.