Phát điên mất, stress mất, sao việc gì mình cũng phải làm, cũng phải kiêm nhiệm? Ngày nghỉ mà còn bị réo gọi liên tục, sếp duyệt cho off mà còn giao việc nữa? Phòng ban khác nhờ vả mà nói giọng điệu cứ như việc đó là bổn phận của mình? Ủa?
Đi làm kinh khủng như vậy sao? Tôi cứ tưởng vào một công ty mà mỗi tuần chỉ đi làm 5 ngày, chẳng cần phải đi làm thứ 7 như những nơi khác thì sẽ sướng lắm. Ai ngờ ngày nào cũng một núi việc vẫy gọi.
Mà việc của mình, của phòng ban mình thì còn chấp nhận được. Chứ việc của các phòng ban khác cũng phải qua tay mình? Sửa máy tính, kiểm tra máy in, check kết nối mạng mình cũng phải làm dù không phải IT?
>> Mới ra trường, tôi đối mặt mới cảnh ma cũ bắt nạt ma mới như thế nào? | Chuyện công sở (kỳ 1)
Đi làm mà bị bắt kiêm nhiệm quá nhiều việc, tôi nên tập làm quen hay từ chối thẳng?
Tôi đã tự đi tìm câu trả lời cho chính mình, đây là giải pháp của tôi:
1. Làm rõ lý do vì sao tôi phải làm việc đó, nếu nó giúp ích cho công ty, mang lại doanh số hay nhận diện thương hiệu,… và không còn giải pháp nào tốt hơn thì tôi sẽ không từ chối.
Còn nếu lợi ích mang lại khá ít, không rõ ràng mà lại tốn quá nhiều nguồn lực thì tôi từ chối ngay. Hoặc nếu tôi suy nghĩ được phương án tốt hơn, đỡ mất thời gian, công sức hơn thì tôi sẽ thảo luận lại. Chứ tôi không thụ động, ai kêu làm gì thì làm y như vậy, kể cả đó là việc mà sếp giao xuống.
2. Tôi không phải ba đầu sáu tay, không thể làm 5-10 việc cùng lúc. Để đạt kết quả tốt và không bỏ sót các việc cần làm thì tôi luôn liệt kê ra các công việc cần làm và sắp xếp mức độ ưu tiên cho chúng:
- Ưu tiên 1: Việc quan trọng, cần gấp
- Ưu tiên 2: Việc quan trọng, không cần gấp, nhưng mất nhiều thời gian để làm (tôi sẽ trải dài ra làm trong nhiều ngày, song song với các công việc khác, mỗi ngày đều kiểm tra tiến độ xem đã làm tới đâu).
- Ưu tiên 3: Việc ít quan trọng, cần gấp và có thể làm nhanh chóng
- Ưu tiên 4: Việc quan trọng, không cần gấp, nhưng có thể làm nhanh chóng
- Ưu tiên 5: Việc ít quan trọng, không cần gấp và có thể làm nhanh chóng
Nếu bạn thắc mắc tại sao tôi không liệt kê ra việc ít quan trọng nhưng mất nhiều thời gian để làm thì tôi xin trả lời rằng tôi sẽ không bao giờ làm việc đó. Vì nó đã bị loại ngay từ phần 1 rồi.
3. Tôi không để mình trở thành người “làm được việc nên việc gì cũng phải làm”. Đây là điều vô cùng thiệt thòi cho những nhân viên giỏi trong công ty. Đồng thời, cũng là lý do khá phổ biến cho trường hợp bị bắt kiêm nhiệm quá nhiều việc. “Tôi giỏi nên tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc ư? Tôi không đồng ý”.
Đó không phải là do tôi lười nhác, không chịu đóng góp cho công ty. Tôi vẫn làm tốt công việc của mình, của phòng ban, vẫn mang về nhiều kết quả tốt mỗi tháng cho công ty. Nhưng tôi biết đâu là giới hạn. Nếu việc gì mọi người cũng trông cậy vào tôi thì làm sao mọi người tiến bộ? Sau này lỡ tôi thuyên chuyển công việc thì công ty sẽ ra sao? Một đống việc đó nếu không ai biết làm thì sẽ thế nào?
Chính vì thế, sau khi tôi tiên phong một công việc nào đó, tôi thường hướng dẫn lại cho các nhân viên khác, để chính bản thân họ cũng quen việc và tiến bộ lên mỗi ngày, để mọi người trong công ty đều “làm được việc”, nếu không thì sớm muộn gì tôi cũng quá tải mất.
Tóm lại, câu trả lời của tôi là nếu những việc đó cần thiết cho công ty, mang lại kết quả đủ lớn, đáng để làm và ngoài tôi không có ai làm được thì tôi sẽ không từ chối, dù đó không phải việc của phòng ban tôi và cũng không nằm trong mô tả công việc. Khi nhận quá nhiều việc cùng lúc, tôi sẽ sắp xếp mức độ ưu tiên để đảm bảo tiến độ và kết quả các công việc của mình. Đồng thời, tôi biết đâu là giới hạn, không để mình trở thành người “làm được việc nên việc gì cũng phải làm”.
>> Ngày đầu đi làm bị xa lánh vì đã phạm những điều tối kỵ | Chuyện công sở (kỳ 6)
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.