TOEIC là bằng cấp Tiếng Anh vô cùng phổ biến tại Việt Nam, nó được nhiều trường Đại học lựa chọn để làm tiêu chuẩn đầu ra và để được miễn không cần học môn Anh Văn trong trường. Bên cạnh đó, khi đi làm, nhiều công ty cũng dựa vào điểm TOEIC để đánh giá trình độ ngoại ngữ khi sàng lọc hồ sơ. Chính vì thế nên rất nhiều sinh viên mong muốn mình sẽ đạt được mức điểm TOEIC càng cao càng tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều đó nếu như còn mắc phải 6 sai lầm thường gặp khi tự học TOEIC này.
1. Không biết trình độ TOEIC hiện tại của bản thân
Mỗi người đều có trình độ Tiếng Anh khác nhau, khi phản ánh lên đề thi TOEIC cũng sẽ ra những điểm số khác nhau. Mỗi xuất phát điểm sẽ có phương pháp học khác nhau.
Chẳng hạn như nếu các em thi thử TOEIC đạt dưới 200 điểm, tức là mình đang bị mất căn bản, các em cần phải học một lớp Tiếng Anh nền tảng tầm 3-4 tháng, để ít ra điểm TOEIC của mình cũng được cải thiện lên mức tối thiểu là 350. Sau đó, các em có thể lựa chọn là mình tự học TOEIC hoặc tham gia các lớp luyện thi TOEIC nếu như có điều kiện về tài chính. Còn nếu trình độ hiện tại của các em đã trên 350 điểm TOEIC rồi thì đâu cần phải học khoá Tiếng Anh nền tảng nữa. Đó chính là sự khác biệt, mỗi người sẽ có xuất phát điểm khác nhau, nên sẽ có phương pháp và lộ trình học khác nhau, các em không thể nào thấy cách bạn mình học TOEIC có vẻ hiệu quả rồi học theo nếu như trình độ 2 người không giống nhau.
>> Đề thi TOEIC – Thi thử TOEIC online có kết quả ngay để biết trình độ hiện tại của bản thân
2. Nóng lòng đạt kết quả trong thời gian ngắn
Học ngoại ngữ là một quá trình, không thể chỉ trong vỏn vẹn 1-2 tháng mà mình tiến bộ vượt bậc được. Nếu chăm chỉ ôn luyện TOEIC, chắc chắn các em sẽ tiến bộ, nhưng đó là tiến bộ từ từ chứ không phải sẽ tăng vọt về điểm số. Thông thường, các em có thể tăng tầm 100 điểm sau mỗi tháng ôn luyện chăm chỉ ở giai đoạn 300 – 600 điểm TOEIC. Còn nếu các em đặt mục tiêu TOEIC trên 600, thậm chí là trên 900, thì các em cần phải ôn luyện vất vả hơn rất nhiều, có khi tự học TOEIC cả tháng cũng chỉ tăng thêm 50 điểm hoặc ít hơn, vì để đạt tới các mức điểm đó thì sẽ phải thuộc rất nhiều từ vựng, phải vững ngữ pháp, phải luyện giải đề nhiều và thành thạo cả kỹ năng Listening lẫn Reading.
>> Kinh nghiệm và lưu ý để làm bài TOEIC Listening hiệu quả nhất
3. Chỉ tập trung học ngữ pháp
Ngữ pháp cực kỳ quan trọng trong đề thi TOEIC, tuy nhiên, ngữ pháp không phải là tất cả. Nếu các em chỉ tập trung học ngữ pháp mà bỏ quên việc học từ vựng, luyện nghe, luyện đọc, giải đề,… thì sẽ không thể đạt được mức điểm mà mình mong muốn. Bên cạnh đó, nếu chỉ lo học ngữ pháp thì sẽ cực kỳ nhàm chán, các em sẽ dễ bị nản và muốn từ bỏ việc ôn luyện TOEIC.
4. Lười học từ mới khi tự học TOEIC
Từ vựng trong đề thi TOEIC cực kỳ nhiều, trong đó chắc chắn có nhiều từ mới mà các em chưa biết. Nếu như lười học từ mới thì các em sẽ bị bối rối vì nhìn vô đề mà chẳng hiểu gì, chỉ thấy toàn là từ mới, rồi lại đoán nghĩa lung tung, nhưng hầu hết sẽ đoán sai và cực kỳ mất thời gian, khó lòng mà làm kịp giờ, chứ chưa nói đến việc làm đúng hay không.
Vì thế, để chắc chắn rằng mình có thể đạt được mục tiêu điểm TOEIC mà mình mong muốn thì các em cần phải chăm chỉ học từ vựng. Cách dễ nhất là trong khi giải đề, nếu thấy từ mới nào xuất hiện nhiều lần thì mình ưu tiên học trước, học thuộc thật kỹ. Rồi nếu còn thời gian thì các em có thể học luôn các từ mới mà chúng ít xuất hiện hơn, để vừa tăng vốn từ vựng của bản thân, vừa giúp mình thuận lợi hơn khi thi TOEIC sau này.
5. Học mẹo, học tủ
Học mẹo, học tủ chỉ là cách ứng phó tạm thời, có thể chúng sẽ phát huy tác dụng đấy. Nhưng như thế thì điểm thi TOEIC của các em sẽ không phản ánh được đúng trình độ của các em. Còn gì tệ hơn việc thi được TOEIC 500 nhưng lại chưa vững ngữ pháp và vốn từ vựng vẫn còn hạn chế? Nếu như mục tiêu của các em là có tấm bằng TOEIC 500 thì các em đã đạt được rồi đấy. Nhưng nếu mục tiêu của các em là giỏi ngoại ngữ, để mình có thể áp dụng trong công việc và giao tiếp được ổn thì chắc chắn là sẽ không thể đạt mục tiêu nếu như mình lại học mẹo, học tủ.
6. Giải đề TOEIC sai phương pháp
Không phải cứ giải càng nhiều đề thì sẽ càng tiến bộ. Việc các em tiến bộ hay không, nó nằm ở chỗ là sau mỗi lần giải đề thì các em học được gì từ những câu mà mình đã làm sai. Bên cạnh đó, đề thi TOEIC có 7 phần, khi tự học TOEIC, các em có thể chia nhỏ ra theo từng phần đó để xem mình cần phải cải thiện phần nào để giúp mình tiến bộ, giúp mình tăng điểm lên. Ngoài ra, các em cũng cần phải canh thời gian khi giải đề để chắc chắn rằng khi đi thi mình sẽ cân đối được thời gian, làm bài kịp giờ, tránh việc đến gần hết giờ lại phải đánh lụi thì sẽ rất uổng. Có một bí quyết nhỏ, đó chính là nếu gặp câu khó quá hoặc không biết làm hoặc còn phân vân thì các em nên bỏ qua, mình sẽ quay lại làm các câu đó sau để tiết kiệm thời gian.
Nếu như các em lỡ đang phạm phải một trong những sai lầm này rồi thì nên sớm khắc phục nha. Chúc các em đạt được mục tiêu của mình khi thi TOEIC nhé!
>> Làm thế nào để cùng lúc luyện TOEIC và giao tiếp?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.