Bắt đầu một công việc mới là điều khá thú vị nhưng cũng đi kèm với nhiều điều khiến bạn phải bối rối. Nó cho bạn cơ hội để có một khởi đầu mới, học những điều mới, tiếp xúc với những đồng nghiệp mới và cũng đi kèm với những thử thách mới mà bạn chưa từng trải qua. Bên cạnh đó, bắt đầu một công việc mới cũng khiến bạn phải lo nghĩ nhiều, rằng liệu đây có phải sự lựa chọn đúng đắn không, liệu mình có phù hợp với công việc này hay không, liệu đồng nghiệp và sếp ở công ty mới có thích cách làm việc của mình hay không…
Bỏ qua những lo lắng đó đi, vì bạn đã lựa chọn rồi mà, thay vì lo lắng thì hãy quan tâm đến việc làm thế nào để mình có thể nhanh chóng thích nghi và không phạm phải những điều khiến người khác có ấn tượng xấu về mình. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời điểm qua 7 điều không nên làm khi bắt đầu một công việc mới nhé.
>> 8 điều cần lưu ý để ngày đầu đi làm được suôn sẻ
1. Không nên bỏ qua những điều mình chưa rõ
Có những thứ tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng chúng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tâm trạng làm việc của bạn. Chẳng hạn như các quy định về đồng phục, về giờ giấc làm việc. Nếu bạn chưa biết rõ thì cần chủ động hỏi phòng nhân sự để chắc chắn rằng mình không vi phạm các quy định về đồng phục và đã biết rõ các hình thức kỷ luật khi bạn đi làm trễ. Ngoài ra, chính sách khen thưởng, cách tính hoa hồng, quy trình làm việc,… càng cần phải được làm rõ trước khi bắt đầu công việc để tránh xảy ra những sai sót hoặc tranh cãi trong tương lai khi bạn và công ty không hiểu ý nhau.
2. Không nên từ chối giúp đỡ đồng nghiệp
Khi bắt đầu một công việc mới, có một điều tối kỵ mà bạn không nên làm, đó chính là từ chối giúp đỡ đồng nghiệp. Vì nếu làm thế thì họ sẽ nghĩ là bạn chảnh, họ sẽ đi bàn tán điều này và nói xấu bạn với các đồng nghiệp khác. Chưa kể đến việc trong tương lai nếu chính bạn là người cần giúp đỡ thì họ sẽ từ chối bạn như cách mà bạn đã từ chối họ. Mà bạn là nhân viên mới nên khả năng người phải nhờ người khác giúp đỡ nhiều hơn là bạn đấy.
3. Không nên từ chối lời mời ăn trưa
Nếu các đồng nghiệp có ý định mời bạn đi ăn trưa cùng, thì bạn không nên từ chối. Vì đó sẽ là cơ hội để bạn trò chuyện nhiều hơn với những đồng nghiệp đó, để hiểu rõ hơn về công việc, về môi trường làm việc và văn hoá công ty. Ngoài ra, đó cũng là cơ hội để bạn thân thiết hơn với những đồng nghiệp mới, giúp xoá bỏ khoảng cách ngại ngùng và cô đơn khi bắt đầu một công việc mới.
4. Không nên quá hứng thú với việc tám chuyện trong công sở
Bạn nên tham gia các nhóm tám chuyện để tránh việc mọi người nghĩ là bạn lạnh lùng, xa lánh đồng nghiệp. Tuy nhiên, bạn không nên quá hứng thú và nói quá nhiều trong các nhóm này, vì biết đâu bạn sẽ lỡ miệng nói ra những điều không hay và bị chụp màn hình lại thì sao? Chẳng hạn như có một người khơi lên chủ đề những điều không thích ở sếp, nếu bạn quá hào hứng bàn tán, rồi những điều đó đến tai sếp thì sao? Tốt nhất là bạn nên giữ im lặng và nghe ngóng thông tin từ các nhóm này, để hiểu hơn về công ty, về công việc và tính cách của các đồng nghiệp, chứ đừng quá hứng thú và tham gia sôi nổi khi bạn là người mới.
>> 10 cách giúp bạn trở thành người làm việc chuyên nghiệp
5. Không nên ngại làm quen với phương pháp làm việc mới
Mỗi công ty đều có các phương pháp làm việc khác nhau. Cho dù phương pháp làm việc ở công ty cũ đang rất phù hợp với bạn và bạn đã quen với điều đó, thì khi sang công ty mới bạn phải thay đổi nếu công ty yêu cầu. Sẽ rất tệ nếu bạn khăng khăng rằng mình đã quen với cách làm việc cũ rồi, cách làm việc cũ tốt hơn. Nhập gia tuỳ tục, vào công ty mới thì phải làm việc theo phương pháp của công ty mới, bạn chưa thử làm quen thì sao biết được phương pháp mới không tốt bằng?
6. Không nên nói xấu sếp cũ và công ty cũ
Nếu bạn quá hồn nhiên nói xấu về công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ,… thì những nhân viên ở công ty mới sẽ cho rằng bạn là người tiêu cực, sau này nhiều khi bạn sẽ nói xấu chính họ, nên họ sẽ hạn chế tiếp xúc và dính líu tới bạn. Chưa kể đến việc một người hay nói xấu về công ty cũ thì sếp chắc chắn sẽ không thích, nếu có lúc cần cắt giảm nhân sự thì họ sẽ nghĩ đến bạn đầu tiên.
7. Không nên chia sẻ quá nhiều về đời tư
Khi bắt đầu một công việc mới, bạn sẽ chưa thể đánh giá được đâu là đồng nghiệp tốt, là người mà bạn có thể tin tưởng chia sẻ nhiều về chuyện đời tư, và đâu là đồng nghiệp xấu, là người dùng những gì bạn đã chia sẻ để đi nói xấu bạn, để dìm bạn xuống. Chính vì thế, khi chưa có nhiều thời gian tìm hiểu để thân thiết với các đồng nghiệp mới, thì bạn không nên chia sẻ quá nhiều về đời tư của mình với bất kỳ ai.
>> 6 kiểu ma cũ khiến sinh viên điêu đứng khi lần đầu đi làm
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.