Hồi trước, lúc còn là sinh viên anh cũng có nhiều mục tiêu lắm, cũng đặt ra rất nhiều mục tiêu, rằng mình sẽ làm được thế này, thế kia và tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ cố gắng để đạt được những điều đó. Nhưng rồi sau một thời gian, nhìn lại thì thấy có một số mục tiêu mình chỉ đặt ra cho oách chứ chưa hề nỗ lực thực hiện tới nơi tới chốn, hoặc thậm chí là đã lãng quên nó từ bao giờ luôn. Hãy cùng anh điểm qua 5 dạng nỗ lực ảo thường gặp ở sinh viên, nếu mình đang gặp phải trường hợp tương tự thì các em nên khắc phục ngay nhé!
1. Đặt ra mục tiêu nhưng chưa nỗ lực thực hiện
Đây chính là điều mà anh đã nói khi nãy, tức là sinh viên thường đặt ra rất nhiều mục tiêu, chẳng hạn như học kỳ này sẽ đạt loại giỏi, sẽ được học bổng, sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống… nhưng lại chưa nỗ lực thực hiện. Nhiều khi đầu năm hoặc đầu học kỳ chỉ tiện tay liệt kê ra rất nhiều mục tiêu và tự nhủ rằng mình sẽ tốt hơn rất nhiều, sẽ tự hào rất nhiều khi thực hiện được các mục tiêu đó… nhưng rồi lại chưa nỗ lực thực hiện. Đến cuối năm nhìn lại thì mới phát hiện ra là mình chỉ nỗ lực ảo.
Chính vì thế, các em nên chọn lọc mục tiêu, chỉ nên đặt ra các mục tiêu nào thật sự quan trọng nhất với mình ở thời điểm hiện tại và dồn hết nỗ lực để thực hiện chúng. Có thể là ít mục tiêu, tầm 2-3 mục tiêu thôi cũng được, không cần quá nhiều, quan trọng là mình có thực hiện được hay không thôi.
>> Sinh viên nên đặt mục tiêu năm mới như thế nào?
2. Quyết tâm điểm cao nhưng chưa tập trung khi học
Quyết tâm điểm cao, mỗi ngày dành hẳn 3-4 tiếng để tự học, để ôn lại bài cũ, giải bài tập,… nhưng lại chưa tập trung khi học cũng là một dạng nỗ lực ảo thường gặp ở sinh viên. Cái này nhiều khi các em cũng không để ý đâu, cụ thể là vừa học vừa bấm điện thoại, lướt facebook, chat,… cứ học 10 phút rồi lướt điện thoại 20 phút thì học được gì? Các em tưởng rằng mình rất chăm chỉ, mỗi ngày học 3-4 tiếng nhưng thực tế chắc chỉ học được 1-2 tiếng vì chưa tập trung khi học. Ngoài ra, việc chưa tập trung khi học cũng khiến cho 1-2 tiếng học tập đó của các em chưa chắc là đạt hiệu quả.
>> 5 cách giúp sinh viên tập trung học tập
3. Nỗ lực ảo khi làm nhóm trưởng
Làm nhóm trưởng đa phần sẽ được điểm cộng, ngoài ra nó cũng sẽ giúp các em có lợi thế hơn khi xin việc sau này. Chính vì thế, một số sinh viên luôn tranh làm nhóm trưởng trong những lần làm việc nhóm. Tất nhiên có nhiều bạn làm tốt vai trò của mình, nhưng cũng có một số bạn tranh làm nhóm trưởng nhưng chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa dành đủ thời gian để quan tâm đến công việc của nhóm, khiến kết quả làm việc nhóm không được tốt. Đây cũng là một dạng nỗ lực ảo, được mang tiếng làm nhóm trưởng nhưng thật ra chưa làm tròn nhiệm vụ.
À, tất nhiên nếu là lần đầu làm nhóm trưởng thì các em cũng sẽ khó lòng làm tốt vai trò của mình, nhưng anh không nói đến trường hợp đó ở đây. Mà điều anh muốn nói trong phần này là một số trường hợp tranh làm nhóm trưởng nhưng chưa nỗ lực làm tròn nhiệm vụ thôi. Còn nếu các em đã nỗ lực rồi, nhưng vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm làm nhóm trưởng thì không sao, mình cứ tiếp tục cố gắng và dần dần cải thiện nhé.
>> Trải nghiệm lần đầu làm nhóm trưởng ở đại học
4. Muốn tiết kiệm tiền nhưng không quản lý chi tiêu
Muốn tiết kiệm tiền nhưng không quản lý chi tiêu cũng là một dạng nỗ lực ảo thường gặp ở sinh viên. Là sinh viên, với khoản chi tiêu eo hẹp thì chắc chắn đa số các em sẽ muốn mình chi tiêu sao cho tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng quản lý tốt chi tiêu của mình, dẫn đến việc cuối tháng nhìn lại thấy mình tiêu xài vẫn y như cũ, hoặc cũng có tiết kiệm được một tí, nhưng không đáng là bao.
Chính vì thế, nếu muốn tiết kiệm tiền thì các em thử học cách quản lý chi tiêu của mình xem. Chẳng hạn như là định ra ngay từ đầu tháng rằng mình đang có bao nhiêu tiền, sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền vào những khoản nào, sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền vào cuối tháng. Rồi từ các khoản chi tiêu đó, hãy chia nhỏ ra từng ngày để biết được giới hạn chi tiêu mỗi ngày của mình là bao nhiêu (trừ những khoản không chia theo ngày được như là tiền phòng trọ thì mình để riêng ra). Khi đã có được giới hạn chi tiêu mỗi ngày, các em hãy bám sát nó để có thể quản lý chi tiêu tốt hơn.
>> Bí quyết tiết kiệm 2.700.000đ chi tiêu mỗi tháng cho sinh viên
5. Nỗ lực ảo khi học từ vựng Tiếng Anh
Một dạng nỗ lực ảo thường gặp ở sinh viên nữa chính là học từ vựng Tiếng Anh cho đủ số lượng nhưng lại nhanh quên, mới sau vài ngày hay sau 1 tuần là quên mất luôn. Chẳng hạn như là các em đặt ra quyết tâm học 40-50 từ vựng mỗi ngày, và tự nhẩm rằng sau 1 tháng mình sẽ biết được hơn 1000 từ vựng Tiếng Anh. Tuy nhiên, chính vì đặt ra số lượng khá lớn như vậy và lại học trong thời gian ngắn nên các em rất dễ rơi vào tình trạng học trước quên sau, mình nỗ lực học nhiều từ vựng nhưng lại học ngắn hạn, rồi cuối cùng không nhớ được gì, thành ra lại là nỗ lực ảo.
Sẽ rất khó lòng học từ vựng nếu như các em không ứng dụng, không để não bộ có thời gian luyện tập thường xuyên để ghi nhớ lâu các từ vựng đó. Thay vì đặt ra mục tiêu học quá nhiều từ vựng, thì các em nên học tầm 10-20 từ vựng mỗi ngày thôi, nhưng mình sẽ học theo kiểu ứng dụng, tức là đưa từ vựng đó vào các câu, các đoạn hội thoại để mình có thể nhớ lâu hơn. Ngoài ra, các em cũng nên dành thời gian để ôn đi ôn lại để chắc chắn rằng mình sẽ nhớ từ vựng lâu.
>> Cách học từ vựng hiệu quả – Tặng Ebook 3000 từ vựng thông dụng
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.