10 Cách Giúp Bạn Trở Thành Người Chuyên Nghiệp

Chuyên nghiệp là một tác phong tốt mà bất cứ ai cũng muốn mình đạt được. Là sinh viên, các em nên sớm rèn luyện cho mình tác phong chuyên nghiệp để sau này sẽ thuận lợi hơn khi đi làm, đặc biệt là khi làm ở các vị trí phải tiếp xúc nhiều với khách hàng, đối tác, hoặc làm ở các công ty lớn, các doanh nghiệp nước ngoài.

Khi đi làm, không ít người sẽ luôn lo sợ sếp, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác phát hiện ra những lúc mình hành xử thiếu chuyên nghiệp. Vì điều đó sẽ cản trở quá trình thăng tiến của các em. Nhưng nếu như các em đã thành thạo tác phong chuyên nghiệp ngay từ sớm, thì khi đi làm sẽ chẳng phải lo lắng như vậy nữa. Vậy làm thế nào để rèn luyện cho mình tác phong chuyên nghiệp? Hãy cùng xem qua 10 cách sau nhé!

>> 4 yếu tố cực kỳ quan trọng giúp nhân viên được sếp trọng dụng

1. Luôn đúng giờ – Tác phong của người chuyên nghiệp

Nếu sau này các em đi làm mà đến trễ trong một cuộc họp, thì mọi người sẽ cho rằng em thiếu chuyên nghiệp và làm lãng phí thời gian chờ đợi của tất cả mọi người. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các em hãy chú ý hơn về giờ giấc. Khi đi học trên trường, khi hẹn bạn bè đi chơi, đi học nhóm,… thì hãy luôn đúng giờ nhé.

2. Đừng để cảm xúc cá nhân vào công việc

Khi đi làm, một người luôn nóng giận, để cảm xúc cá nhân vào trong công việc, thì sẽ được đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Cho dù ngày hôm đó tâm trạng của mình cực kỳ tồi tệ thì mình cũng không nên nóng giận với những người xung quanh, đặc biệt là với sếp, khách hàng, đối tác. Còn nếu như công việc đang làm khiến các em cảm thấy chán nản, lúc nào cũng bị “tuột mood”, thì các em nên cân nhắc đến chuyện nghỉ việc.

3. Ăn mặc chỉnh tề, chuyên nghiệp

Cho dù công ty không yêu cầu mặc đồng phục, thì các em vẫn nên xuất hiện với diện mạo chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ. Các em không cần ăn diện quá lộng lẫy, nhưng ít nhất thì quần áo cũng không nên có nếp nhăn. Còn hiện tại, khi đang là sinh viên, các em cũng nên rèn luyện cho mình thói quen ăn mặc chỉnh tề, dù biết rằng mang dép sẽ rất thoải mái, nhưng hãy tập cho mình thói quen mang giày để sau này đi làm đỡ bỡ ngỡ.

4. Chuyên nghiệp trong lời nói

Chửi thề, nói tục là điều không hay một chút nào. Nếu các em lỡ miệng chửi thề trong công ty, cho dù các em nghĩ nó là bình thường, mình quen miệng nói vậy chứ không có ý chửi ai, thì chắc chắn mọi người vẫn sẽ đánh giá là các em thiếu chuyên nghiệp. Chính vì thế, ngay từ lúc này, các em hãy chú ý hơn đến lời nói của mình, đừng để việc chửi thề, nói tục trở thành thói quen nhé.

>> Phải làm gì khi khách hàng nóng tính, làm ầm lên và xúc phạm mình?

5. Sẵn sàng giúp đỡ người khác

Trong công việc, sẽ có những lúc các em cần người khác giúp đỡ và cũng sẽ có những lúc người khác cần các em giúp đỡ. Nếu điều đó nằm trong khả năng của mình, các em hãy sẵn sàng giúp đỡ họ, có thể đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt, nhưng sẽ là tiêu chí để đánh giá các em là một người chuyên nghiệp. Ngoài ra, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc cho người khác cũng sẽ thể hiện mình có tác phong chuyên nghiệp. Vậy thì bây giờ, khi còn đi học, các em hãy thử tập cho mình thói quen giúp đỡ bạn bè, sẵn sàng giảng bài cho bạn khi bạn chưa hiểu bài nhé.

6. Đừng nhiều chuyện

Tụm năm tụm bảy bàn tán, thậm chí nói xấu người khác là thực trạng khá phổ biến trong công sở. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một người chuyên nghiệp thì các em không nên tham gia các cuộc trò chuyện đó và cũng đừng quá soi mói, quan tâm đến đời tư của người khác. Còn khi đi học, các em cũng có thể tập cho mình tác phong chuyên nghiệp bằng cách không bàn tán về đời tư và không nói xấu những người bạn xung quanh.

7. Người chuyên nghiệp sẽ không phàn nàn

Nếu các em không ngừng phàn nàn về công ty với đồng nghiệp, điều đó sẽ khiến mọi người mất tinh thần làm việc. Người chuyên nghiệp sẽ không bao giờ làm như thế, nếu có gì cảm thấy không hài lòng về công ty, người chuyên nghiệp sẽ trao đổi thẳng thắn với sếp để cùng đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Khi đi học cũng thế, thay vì phàn nàn về giảng viên giao bài tập nhiều, chấm điểm khó, thì các em hãy nhìn xung quanh xem bạn bè mình đang giải quyết điều đó như thế nào, nhất là những bạn học giỏi trong lớp.

8. Luôn công bằng

Dù đối phương là người quen hay người thân thiết với mình, các em cũng không nên vì quan hệ cá nhân mà đưa ra những quan điểm, những quyết định mang tính thiên vị, thiếu công bằng. Khi học tập cũng thế, nếu thấy bạn thân làm gì đó không đúng, thay vì bênh vực, thiên vị bạn một cách mù quáng, thì các em nên công bằng nói ra rằng họ sai ở đâu, để họ biết và kịp thời sửa chữa.

9. Không nói dối

Lời nói dối dễ nói ra, nhưng không thể nào rút lại. Một lần nói dối thì các em sẽ phải tiếp tục nói dối thêm 10 lần để lấp liếm điều đó. Nhưng những điều dối trá thì sớm muộn cũng sẽ lộ ra. Các sếp sẽ không bao giờ đánh giá cao những nhân viên thiếu trung thực, vì như thế là cực kỳ thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, các em nên tập cho mình thói quen trung thực ngay từ bây giờ nhé.

10. Chịu trách nhiệm với lỗi sai của mình

Người chuyên nghiệp khi sai thì sẽ nhận, sẽ không che dấu, không đổ lỗi. Họ sẽ luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm với lỗi sai của mình. Đặc biệt, chính vì biết nhận ra và sửa chữa nên họ sẽ không bao giờ phạm phải những sai lầm cũ, đó là đặc điểm nhận diện của một người chuyên nghiệp. Điều này không khó để rèn luyện đâu, từ hôm nay, nếu mắc phải lỗi sai thì các em nhớ thẳng thắn chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm để không phạm lại lỗi sai đó lần thứ hai nhé.

>> Hãy nhìn lại bản thân mình trước khi đổ lỗi cho người khác

Sau khi điểm qua 10 điều này, chắc các em đang thấy hơi khó đúng không? Việc rèn luyện tính chuyên nghiệp là một quá trình, không thể chỉ trong 1 tuần mà các em thay đổi được. Nên các em cứ rèn luyện từ từ, mỗi ngày tiến bộ một tí, sớm muộn gì thì các em cũng sẽ thành công!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Khi Có Mục Tiêu Rõ Ràng, Bạn Sẽ Làm Được Rất Nhiều Điều

Mỗi Ngày Chỉ Cần Tốt Hơn 1%, Bạn Sẽ Tiến Bộ Rất Nhiều

Học Tập & Làm Việc Ở Nước Ngoài Có Phải Ước Mơ Xa Vời?