3 Điều Quan Trọng Mà Tân Sinh Viên Cần Ưu Tiên

Biết chọn đúng điều cần ưu tiên trong năm đầu đại học, tân sinh viên sẽ đi nhanh hơn gấp nhiều lần. Đừng bước vào đại học với tâm thế thoải mái, để mọi chuyện tới đâu thì tới, không có kế hoạch học tập, rèn luyện bản thân một cách cụ thể. Chính tâm lý rong chơi, chủ quan đó đã khiến nhiều bạn bị bỏ lại phía sau, từ học lực giỏi hồi cấp 3 tuột thẳng xuống loại trung bình vào học kỳ 1 đại học. Hãy lưu lại ngay 3 điều quan trọng mà tân sinh viên cần ưu tiên, để đặt nền móng vững chắc cho cả hành trình đại học.

>> Lộ trình học Tiếng Anh tối ưu cho tân sinh viên

1. Ưu tiên xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân

Để có kế hoạch học tập hiệu quả, đảm bảo nắm vững kiến thức và đạt được nhiều thành tựu, thành tích trong 4 năm đại học, tân sinh viên cần ưu tiên xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân. Đây là điều cực kỳ quan trọng, nhưng lại có ít bạn thật sự làm một cách nghiêm túc, bài bản từ năm 1, các em chỉ nghĩ đơn giản rằng mục tiêu của mình là phải học giỏi, mà chưa định nghĩa cụ thể rằng như thế nào là giỏi, điểm trung bình bao nhiêu, vững các kiến thức nào? Mà nếu chỉ có mục tiêu học giỏi, thì cũng còn thiếu sót, vì hành trang mà sinh viên cần tích luỹ sau 4 năm đại học không chỉ có kiến thức, mà còn thêm nhiều tiêu chí khác để tăng khả năng cạnh tranh trong cuộc đua tuyển dụng khi ra trường. Để xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân, tân sinh viên có thể tham khảo các gợi ý sau:

  • Mục tiêu học tập: Hãy cụ thể rằng mình muốn tốt nghiệp đại học loại gì, điểm trung bình tích luỹ GPA rơi vào mức bao nhiêu? Rồi cụ thể hoá rằng mỗi học kỳ mình cần đạt điểm bao nhiêu để tăng khả năng chạm tới mức điểm mục tiêu sau 4 năm đại học. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên đặt ra mức điểm tối thiểu của các môn học, để cho dù đó là một môn học khó, phức tạp, thì mình cũng phải cố gắng đạt được mức điểm tối thiểu, không được thấp hơn, kẻo sẽ kéo điểm GPA của mình xuống quá nhiều.
  • Mục tiêu kỹ năng mềm: Sau 4 năm đại học, sinh viên cần thành thạo bao nhiêu kỹ năng mềm quan trọng, ưu tiên các kỹ năng nào, chẳng hạn như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, sắp xếp công việc,… Sinh viên có thể dần rèn luyện chúng trong quá trình làm tiểu luận, thuyết trình nhóm, tham gia CLB hoặc đi làm thêm.
  • Mục tiêu ngoại ngữ: Để tăng cơ hội việc làm ở các công ty lớn, các tập đoàn quốc tế, bắt buộc tân sinh viên phải quan tâm và ưu tiên mục tiêu ngoại ngữ ngay từ năm 1. Bên cạnh các môn chuyên ngành, hãy dành thời gian để trau dồi, ôn luyện thêm về ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh, để bản thân khi tốt nghiệp có thể tự tin giao tiếp, sử dụng trong công việc. Các em nên cụ thể hoá bằng việc quy đổi sang điểm các chứng chỉ như TOEIC, IELTS, chẳng hạn như sẽ đạt TOEIC 800 hay IELTS 7.0.

2. Ưu tiên thực hành và nắm vững kiến thức

Khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng không chỉ nhìn vào điểm số, bằng cấp, chứng chỉ, giấy chứng nhận, mà họ sẽ quan tâm nhiều tới việc năng lực của ứng viên đang ở đâu? Xét về năng lực, thì điều quan trọng nhất chính là liệu sinh viên mới ra trường đang nắm vững kiến thức chuyên ngành ở mức độ nào, có biết thực hành, ứng dụng lý thuyết đã học vào công việc thực tiễn không, thông qua việc đặt các câu hỏi phỏng vấn về kiến thức, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng xác định được mức độ nắm vững kiến thức của mỗi bạn, xem liệu có tương xứng với điểm số, với xếp loại tốt nghiệp không, hay các em chỉ đang chạy theo thành tích, cố gắng lấy điểm cao nhưng kiến thức chuyên ngành lại đang chưa vững?

Đừng để viễn cảnh không mong muốn ấy xả ra với mình trong tương lai, đừng để bị đánh giá là “mọt sách”, trong đầu toàn lý thuyết, không biết thực hành, ứng dụng. Ngay từ năm 1, tân sinh viên hãy ưu tiên “học đi đôi với hành”, bất kỳ kiến thức lý thuyết của môn học nào, ở buổi học nào, cũng cần phải tìm ra cách ứng dụng vào thực tiễn. Nếu trong giáo trình không có ví dụ cụ thể, sinh viên hãy lên mạng tìm thêm tài liệu, hỏi ChatGPT, hoặc nhờ giảng viên gợi ý, để bản thân vừa vững lý thuyết, vừa hiểu rõ, hiểu sâu và biết cách thực hành, ứng dụng kiến thức. Đồng thời, với cách học đi đôi với hành này, sinh viên cũng sẽ luôn ghi nhớ rõ, nhớ đúng kiến thức, đảm bảo sẽ là một ứng viên “vững kiến thức chuyên ngành” theo đúng tiêu chí của nhà tuyển dụng.

>> 5 nỗi sợ thường gặp của tân sinh viên năm 1

3. Kỷ luật – Điều quan trọng tân sinh viên cần ưu tiên

Để ngày càng hoàn thiện bản thân và tăng khả năng đạt được nhiều thành công, thành tựu trong tương lai, thì kỷ luật là tiêu chí cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như muốn cơ thể khoẻ mạnh, body săn chắc, sinh viên cần kỷ luật trong việc tập luyện, nghiêm túc trong việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng. Hoặc muốn da đẹp, chúng ta cần kỷ luật trong việc đi ngủ sớm, không thức khuya, chăm sóc da, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế đồ ngọt, đồ cay nóng, trong suốt một thời gian dài. Tương tự như thế, ở môi trường đại học, những bạn sinh viên nào càng có nhiều mục tiêu, nhiều tham vọng, thì càng cần ưu tiên hơn, chú trong hơn tới tinh thần kỷ luật. Phải kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân, rằng cụ thể mỗi ngày cần dành bao nhiêu thời gian để tự học, ôn lại kiến thức, làm bài tập, chuẩn bị bài mới? Rồi trong giờ học phải tập trung, không được lo ra, xao nhãng, làm này làm kia, kể cả giờ tự học lẫn học trên lớp. 

Hoặc trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ, sinh viên cũng cần phải cực kỳ kỷ luật, ôn tập một cách đầy đủ, bài bản, mặc dù sẽ nhiều kiến thức, sẽ cực kỳ mệt, nhưng cũng phải học hết các nội dung, không được lười nhác học tủ, học một nửa, rồi hy vọng rằng đề thi sẽ ra ngay đúng phần mình đã học? Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, không có thành công nào sẽ đến với những ai thiếu tinh thần kỷ luật, thiếu sự nỗ lực, cố gắng, kiên trì. Vì thế, tân sinh viên cần ưu tiên tinh thần kỷ luật ngay từ năm 1, để nó trở thành một phản xạ tự nhiên, chứ nếu quá dễ dãi với bản thân, lười biếng khi mới lên đại học, thì nó sẽ trở thành thói quen xấu khó bỏ, ảnh hưởng xấu tới tương lai.

Bài viết này đã điểm qua 3 điều quan trọng mà tân sinh viên cần ưu tiên. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cách săn học bổng đại học cho tân sinh viên


 Page Tự Tin Vào Đời: Các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc để sinh viên tự tin bước vào đời.
Tiktok Tự Tin Vào Đời: Các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Youtube Hoàng Khôi Phạm: Các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích

Related posts

Tân Sinh Viên Học Làm Sao Để Không Bị “Dồn 1 Đống”?

5 Việc Làm Thêm Part Time Phù Hợp Với Sinh Viên Gen Z

Làm Sao Để Bắt Chuyện Với Bạn Bè Mới Trong Lớp?