Khi đi xin việc, bên cạnh trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn, thì sự chỉn chu, chuyên nghiệp mà bạn thể hiện với nhà tuyển dụng cũng sẽ góp phần quyết định đến kết quả ứng tuyển. Để xây dựng hình tượng chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng là một điều không quá khó, bất kỳ ai dù chưa từng có kinh nghiệm ứng tuyển vẫn có thể làm được. Dưới đây là 3 tiêu chí đảm bảo sự chuyên nghiệp khi ứng tuyển việc làm mà bạn có thể tham khảo:
>> Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp trước đám đông
1. Chuyên nghiệp khi gửi CV ứng tuyển
Email xin việc và CV ứng tuyển chính là điểm chạm tạo ấn tượng đầu tiên về ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn viết CV ứng tuyển chỉ chu, đầy đủ thông tin, không sai lỗi chính tả, thì đó chính là điểm cộng đầu tiên rằng bạn là một ứng viên chuyên nghiệp. Tiếp theo, khi gửi email xin việc, bạn cũng cần phải đảm bảo rằng mình viết tiêu đề email rõ ràng, có nội dung email đàng hoàng, chứ đừng để nội dung trống trơn rồi đính kèm có mỗi 1 cái CV, vì như thế sẽ khiến nhà tuyển dụng bị hụt hẫng, cho rằng bạn đang thiếu chuyên nghiệp và chưa thật sự nghiêm túc khi ứng tuyển.
2. Tác phong chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn
Sau khi đảm bảo sự chỉn chu trong email xin việc và CV ứng tuyển, thì điều tiếp theo mà bạn cần lưu ý chính là đảm bảo tác phong chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn. Tác phong sẽ bao gồm trang phục, hành vi và thái độ của bạn xuyên suốt buổi phỏng vấn. Bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình là một người lịch sự, chỉn chu và nghiêm túc ứng tuyển, từ việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp, đi phỏng vấn đúng giờ, cho tới việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về công ty, về vị trí ứng tuyển, đảm bảo rằng mình đã có sự chuẩn bị đầy đủ và thật sự muốn vào công ty làm việc, chứ không phải là mình chỉ rải CV hàng loạt rồi chỗ nào gọi thì đi phỏng vấn chỗ đó. Nếu làm được những điều trên, thì sự chuyên nghiệp của bạn trong mắt nhà tuyển dụng sẽ được nâng lên, còn nếu thiếu sót ở bất kỳ điểm nào, thì chính bạn đang tự đánh mất cơ hội việc làm của mình, nhất là khi bạn ứng tuyển các vị trí phải thường xuyên làm việc với khách hàng, đối tác.
>> Kỹ năng viết email chuyên nghiệp trong công sở
3. Trả lời phỏng vấn tự tin và chuyên nghiệp
Nhiều người lầm tưởng rằng chuyên nghiệp nó sẽ thiên về tác phong và cách làm việc, nhưng thật ra nó còn thể hiện trong sự tự tin nữa. Một người tự tin giao tiếp, tự tin trong tư duy, lời nói, hành động, thì tự dưng phong thái của người ấy cũng toát ra sự chuyên nghiệp, vì họ biết rõ mình nên nói gì, nên làm gì, biết cách kiểm soát cảm xúc để đảm bảo luôn làm việc với tinh thần chuyên nghiệp cao. Chính vì thế, khi trả lời phỏng vấn, nếu bạn trả lời tự tin và lưu loát các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra, đồng thời, trong câu trả lời thể hiện được sự thông minh, nhạy bén, tư duy logic và phong thái xử lý chuyên nghiệp (với các câu hỏi xử lý tình huống), thì đó cũng là cách để giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng rằng mình là một ứng viên tự tin và chuyên nghiệp, sẽ có tiềm năng phát triển khi vào công ty làm việc.
Trên đây là 3 tiêu chí giúp bạn đảm bảo sự chuyên nghiệp khi ứng tuyển việc làm, điểm lướt qua thì thấy không quá khó, nhưng thật ra chúng đòi hỏi bạn phải tỉ mỉ và dành thời gian rèn luyện để biến sự chuyên nghiệp trở thành thói quen, chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc đọc qua một cách lý thuyết. Đừng quên rằng bất kỳ sai sót nhỏ của bạn cũng sẽ gây chú ý, tức là chỉ cần 1 điểm thiếu chuyên nghiệp thôi, thì nhà tuyển dụng cũng sẽ lưu tâm. Hãy đảm bảo rằng mình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thể hiện được sự chuyên nghiệp xuyên suốt quá trình ứng tuyển việc làm nhé!
>> Deal lương có khó không, làm sao để đàm phán lương thành công?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.