Học cải thiện để nâng cao điểm trung bình tích luỹ là sự lựa chọn của không ít sinh viên, đặc biệt là những bạn đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc. Tức là nếu hiện tại điểm trung bình tích luỹ của các em chưa đủ để đạt loại giỏi, thì sinh viên có thể lựa chọn học lại một số môn mà mình nghĩ rằng có thể đạt điểm số tốt hơn, bứt phá hơn, để giúp nâng học lực của mình lên mức cao hơn. Tuy nhiên, sinh viên cần đảm bảo rằng mình đã hiểu rõ tất tần tật về việc học cải thiện. Dưới đây là 4 điều cần lưu ý khi sinh viên học cải thiện.
>> 5 cách giúp sinh viên cải thiện điểm số
1. Sinh viên nên học cải thiện bao nhiêu môn?
Ai cũng biết rằng học cải thiện sẽ mang lại cho sinh viên cơ hội nâng cao điểm số. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các em sẽ thoải mái học cải thiện, muốn học cải thiện bao nhiêu môn cũng được. Trên thực tế, khi quyết định học cải thiện, các em bắt buộc phải học lại từ đầu, tham gia đầy đủ toàn bộ tiết học, hoàn thành đầy đủ bài thuyết trình, bài tiểu luận, bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi cuối kỳ của môn học đó.
Khối lượng kiến thức mỗi học kỳ ở đại học vốn dĩ đã quá nhiều và quỹ thời gian của sinh viên cũng có giới hạn, nếu học cải thiện vô tội vạ, các em sẽ dễ bị quá tải, dẫn đến việc kết quả học tập sa sút, bị đè nặng áp lực học tập, nhất là khi gần đến ngày thi. Chính vì thế, để tối ưu kết quả học tập, sinh viên chỉ nên học cải thiện 1 môn cho mỗi học kỳ. Chẳng hạn như nếu các em muốn học cải thiện 3 môn, thì đừng bao giờ ôm đồm tất cả trong cùng 1 học kỳ, hãy bình tĩnh chia đều chúng ra cho 3 học kỳ, hoặc có thể tranh thủ học cải thiện 1 môn trong số đó vào học kỳ hè cũng được.
2. Sinh viên nên học cải thiện những môn nào?
Chính vì mỗi học kỳ chỉ nên học cải thiện 1 môn để đảm bảo kết quả học tập tốt, nên các em cần phải chọn lựa kỹ lưỡng xem mình nên học cải thiện những môn nào. Mỗi người sẽ có một quan điểm và cách lựa chọn khác nhau, và đó là quyền cá nhân của các em. Anh sẽ tôn trọng sự lựa chọn của các em. Còn với quan điểm cá nhân anh, thì sinh viên nên ưu tiên học cải thiện những môn mà mình nghĩ rằng mình có thể bứt phá điểm số, cho dù đó là môn học phức tạp, đề thi khó, nội dung ôn tập rộng… nhưng chỉ cần các em tin rằng mình có thể bứt phá điểm số, có thể đạt kết quả tốt hơn nhiều so với lần trước, thì hãy lựa chọn môn đó để học cải thiện.
Ví dụ môn học A mình đang được 8.0, đây là môn học dễ, mình học cải thiện có thể đạt 9.0, tức là tăng thêm 1.0 cho môn học đó. Và môn học B mình chỉ mới có 6.0, do sơ suất khi làm bài thi cuối kỳ nên điểm trung bình bị tuột xuống, nếu học cải thiện và tập trung hơn khi thi cuối kỳ, thì có thể đạt 8.0, hoặc nếu bứt phá hơn thì có thể đạt 8.5, tức là tăng thêm 2.0-2.5 cho môn học đó. Với quan điểm của anh, thì anh sẽ học cải thiện môn B, cho dù môn đó phức tạp hơn môn A nhiều, nhưng anh tin rằng mình có thể bứt phá điểm số.
>> Điểm C có cần học cải thiện không?
3. Những rủi ro khi sinh viên học cải thiện
Học cải thiện không phải là một bức tranh màu hồng, tức là không phải cứ học cải thiện thì sẽ gia tăng điểm số. Trên thực tế, khi quyết định học cải thiện, sinh viên sẽ chấp nhận rằng mình phải học lại từ đầu toàn bộ chương trình học, làm lại toàn bộ bài tập, bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc điểm trung bình môn học của các em có thể sẽ cao hơn, nhưng cũng có thể thấp hơn so với trước khi học cải thiện và dù cao hay thấp thì các em vẫn phải chấp nhận điểm trung bình mới đó, chứ không được lấy lại điểm cũ.
Bên cạnh rủi ro điểm số thấp hơn lúc đầu, thì sinh viên còn phải đối mặt với rủi ro rớt môn khi học cải thiện. Nghe có vẻ khó tin nhưng vẫn có trường hợp sinh viên ban đầu đã qua môn, nhưng vì muốn nâng cao điểm số nên quyết định học cải thiện, rồi vì thiếu tập trung và sai sót trong bài thi cuối kỳ nên đã bị rớt môn, rồi lại phải mất công, mất tiền, mất thời gian đi học lại môn đó. Tóm lại, học cải thiện mang lại cho sinh viên cơ hội gia tăng điểm số, nhưng đi kèm với nó vẫn tồn tại một số rủi ro mà sinh viên cần lường trước để tập trung và cố gắng hơn khi học cải thiện.
>> 5 lý do khiến sinh viên rớt môn ở đại học
4. Hạ bằng tốt nghiệp khi lạm dụng học cải thiện
Nếu môn nào thấp thì sinh viên cứ học cải thiện để nâng cao điểm số, thì chắc chắn sẽ thiếu công bằng với những bạn đạt điểm cao ngay từ đầu mà không cần học cải thiện. Chính vì thế, nếu lạm dụng việc học cải thiện thì sinh viên sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống một bậc, áp dụng với những sinh viên đạt kết quả tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc. Cụ thể hơn, nếu sinh viên đạt điểm tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc nhưng học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học thì sinh viên sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp. Còn nếu các em đặt mục tiêu chỉ tốt nghiệp loại khá thôi, thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Chẳng hạn như các em đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi, chương trình học có 125 tín chỉ, thì các em chỉ nên học lại tối đa 6 tín chỉ để không bị hạ bằng tốt nghiệp (bao gồm việc học lại vì rớt môn và học cải thiện để nâng cao điểm số). Mà 6 tín chỉ thì sẽ tương đương với khoảng 2 môn 3 tín chỉ hoặc 3 môn 2 tín chỉ thôi. Cụ thể hơn về những điều liên quan đến khái niệm tín chỉ, thì các em có thể theo dõi tại đây. Chúc các em học tốt và lưu ý rằng đừng để bị hạ bằng tốt nghiệp một cách đáng tiếc chỉ vì quá lạm dụng việc học cải thiện nhé.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
👍🏻 Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
👥 Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
👤 Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.