Khi lên đại học, sinh viên sẽ có nhiều dịp để làm việc nhóm, teamwork với bạn bè để cùng hoàn thành các bài thuyết trình, bài tiểu luận nhóm để lấy điểm theo yêu cầu của giảng viên. Khi đã làm việc nhóm nhiều lần, thì sinh viên sẽ khá thành thạo, biết mình nên làm gì, phối hợp với các bạn thế nào để có kết quả tốt. Tuy nhiên, khi lần đầu làm việc nhóm, hoặc khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyện teamwork, thì các em sẽ bị loay hoay, dễ mắc phải một số lỗi sai khiến kết quả teamwork khá tệ. Dưới đây là 4 lầm tưởng của sinh viên khi làm việc nhóm ở đại học, các em hãy lưu ý tránh để bản thân mình mắc phải trong các lần teamwork tiếp theo nhé:
>> Cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?
1. Lầm tưởng rằng ai làm nhóm trưởng cũng được
Khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyện làm việc nhóm, sinh viên đại học sẽ dễ mắc phải lầm tưởng rằng ai làm nhóm trưởng cũng được, bạn nào xung phong thì cứ để bạn ấy làm, nếu không ai xung phong thì sẽ bốc thăm ngẫu nhiên. Đây là một sai lầm khá phổ biến khi làm việc nhóm, kéo theo nhiều hệ luỵ xấu tới kết quả teamwork, khiến cho các bài tiểu luận, thuyết trình nhóm không đảm bảo chất lượng, bị trễ deadline, dẫn tới việc bị điểm kém.
Nhóm trưởng giữ vai trò rất quan trọng, tác động lớn tới quá trình và kết quả khi teamwork, cho dù chỉ là những bài tập, bài thuyết trình đơn giản ở trường đại học, chứ chưa phải làm việc nhóm gì quá lớn lao như khi đã đi làm, nhưng dù sao thì các em vẫn nên cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn nhóm trưởng đủ năng lực và phù hợp trong từng môn học. Hoặc nếu tất cả đều là người mới, đều chưa từng làm nhóm trưởng, chưa có nhiều kinh nghiệm teamwork, thì người được chọn làm nhóm trưởng phải cực kỳ tập trung, quyết tâm và nỗ lực hết mình để vừa học hỏi vai trò mới, vừa theo sát từng thành viên để đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho cả nhóm, chứ không nên chọn đại, lỡ chọn trúng một bạn không có nhu cầu làm nhóm trưởng, không muốn làm leader thì sẽ càng tồi tệ hơn.
2. Lầm tưởng rằng bạn nào giỏi phải làm nhiều việc hơn
Gánh team khi làm việc nhóm là một sai lầm cũng khá phổ biến, kéo kết quả teamwork đi xuống, mà còn khiến những bạn còn lại trong nhóm chưa hiểu bài, chưa nắm rõ kiến thức môn học. Đừng lầm tưởng rằng bạn nào giỏi phải làm nhiều việc hơn, nếu làm việc nhóm theo cách đó thì hầu như kết quả sẽ luôn chỉ ở mức tạm được, khó lòng đạt được kết quả ở mức tốt, và tất nhiên giảng viên cũng có cách để kiểm tra xem các em có thật sự teamwork không, các thành viên có cùng nhau làm bài không, nếu phát hiện trường hợp có 1-2 bạn gánh team, các bạn còn lại chỉ hưởng ké, không đóng góp gì nhiều, thì giảng viên hoàn toàn có thể cho điểm kém, thậm chí không chấm điểm, không tính điểm cho những bạn không đóng góp gì cho bài làm.
Teamwork là cả team cùng work, cả nhóm phải cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng thảo luận ý kiến, chốt phương án, cùng tổng hợp kiến thức và trau chuốt, hoàn thành bài làm, thì mới đạt kết quả tốt, mới đảm bảo mọi người cùng hiểu bài, cùng nắm kiến thức, mới giúp chuyện làm việc nhóm phát huy được hiệu quả tối ưu.
>> 4 bước giúp đảm bảo hiệu quả cao khi làm việc nhóm
3. Làm việc nhóm nhưng thiếu sự tương tác, mạnh ai nấy làm
Thông thường, khi làm việc nhóm ở đại học, sinh viên thường sẽ phân chia nhiệm vụ cho từng thành viên, kèm theo thời hạn, deadline cần nộp bài, xong các bại tự làm, tự tìm kiếm thông tin, phân tích rồi hoàn thành những đầu việc riêng của mình, tới đúng hạn thì sẽ tổng hợp lại bài làm, xong xuôi nhóm trưởng kiểm tra lại lần cuối rồi nộp bài cho giảng viên.
Nghe có vẻ bài bản, logic, nhưng thật ra đây là một lầm tưởng khá phổ biến khi sinh viên làm việc nhóm, đó là thiếu sự tương tác, mạnh ai nấy làm, không dành nhiều thời gian để họp team, thảo luận nhóm, phối hợp giữa các thành viên trong nhóm, không hỗ trợ nhau khi cần thiết, rồi kết quả bài làm cuối cùng có thể sẽ bị rời rạc, thiếu sự liên kết, thậm chí có những nội dung xung khắc với nhau vì trong quá trình làm bài các em khá độc lập, không có thảo luận gì nhiều với các bạn khác trong nhóm, và thế là kết quả điểm số cũng sẽ không tốt, không phát huy được hiệu quả của teamwork.
4. Làm việc nhóm nhưng ưu tiên lợi ích cá nhân hơn
Một lầm tưởng cuối cùng và cũng khá phổ biến khi sinh viên làm việc nhóm, đó chính là mỗi người đều đang ưu tiên lợi ích cá nhân hơn. Các em cho rằng đây chỉ đơn thuần là 1 môn phải teamwork trong rất nhiều môn học khác, mình cũng phải ưu tiên học các môn khác, dành thời gian cho các lịch trình cá nhân khác, chẳng hạn như bận đi làm thêm, bận họp mặt gia đình, đi chơi, đi ăn tiệc này kia, nên delay lịch họp nhóm, hoặc thậm chí nhiều bạn còn vắng mặt trong các buổi thảo luận nhóm.
Cho dù sau đó các em có hỏi thăm thông tin, nhờ bạn khác tóm tắt lại nội dung buổi họp nhóm, thì cũng chưa chắc sẽ giúp ích được gì, bản chất mình vẫn chưa xem trọng chuyện làm việc nhóm, vẫn đang ưu tiên những lịch trình, lợi ích cá nhân nhiều hơn là kết quả làm việc nhóm, vẫn có tư tưởng chủ quan rằng mình không cố gắng, không đầu tư cho bài làm, thì trong nhóm cũng sẽ có bạn khác gánh thay, hoặc chí ít cũng có nhóm trưởng chịu trách nhiệm chính rồi. Nếu đang có tư tưởng này thì sinh viên hãy sớm thay đổi, đừng để sau này kết quả teamwork bị kém thì mới vỡ lẽ, mới hối hận thì đã muộn.
Bài viết này đã điểm qua 4 lầm tưởng của sinh viên khi làm việc nhóm ở đại học. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em, giúp những lầm teamwork sau này đạt kết quả tốt hơn!
>> Làm thế nào để gắn kết thành viên khi làm việc nhóm?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.