4 Năm Đại Học Cần Tích Luỹ Tổng Cộng Bao Nhiêu Tín Chỉ?

Nếu như hồi cấp 3, các bạn học sinh thường chỉ cần quan tâm tới môn học, rằng mình sẽ học bao nhiêu môn, cần hoàn thành những môn nào, thì khi lên đại học lại khác, sinh viên sẽ cần chú ý hơn tới khái niệm tín chỉ. Tín chỉ là một khái niệm hoàn toàn mới, khiến tân sinh viên cảm thấy lạ lẫm và có nhiều thắc mắc xoay quanh chủ đề này. Nhiều bạn sinh viên lăn tăn rằng 4 năm đại học cần tích luỹ tổng cộng bao nhiêu tín chỉ, chương trình học của mình có bao nhiêu tín chỉ? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!

>> Số tín chỉ tối thiểu và tối đa trong 1 học kỳ là bao nhiêu?

Vì sao sinh viên muốn biết tổng tín chỉ cần học?

Trước khi giải đáp rằng 4 năm đại học cần tích luỹ tổng cộng bao nhiêu tín chỉ, chúng ta sẽ tìm hiểu xem vì sao sinh viên muốn biết thông tin này? Thật ra, sẽ có nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn như các em cần biết để ước lượng xem mỗi học kỳ mình sẽ học bao nhiêu tín chỉ, ví dụ chương trình học 4 năm với tổng cộng 132 tín chỉ, thì có thể suy ra mỗi học kỳ cần học khoảng 16-17 tín chỉ. Hoặc một số bạn sinh viên đã nghe về vấn đề nếu học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, từ xuất sắc xuống giỏi, từ giỏi xuống khá, nên cần biết tổng cộng có bao nhiêu tín chỉ, để mình còn biết đường tính toán. Chẳng hạn như có 125 tín chỉ, thì sinh viên không được học lại quá 6 tín chỉ.

Ngoài ra, tích luỹ đủ số lượng tín chỉ của chương trình học cũng là điều kiện tiên quyết để sinh viên được xét tốt nghiệp, nên các em cần biết trước cũng là điều dễ hiểu, để tới năm học cuối mình còn tính toán sao cho kịp tiến độ, tăng khả năng ra trường đúng hạn. Hoặc một số sinh viên muốn học vượt để rút ngắn chương trình học cũng cần nắm được thông tin này để lên kế hoạch học vượt sao cho phù hợp.

4 năm đại học cần tích luỹ tổng cộng bao nhiêu tín chỉ?

Mỗi trường đại học, mỗi ngành học sẽ có chương trình đào tạo khác nhau, với số lượng tín chỉ khác nhau. Thậm chí cùng 1 ngành học, nhưng ở 2 trường đại học khác nhau hoàn toàn có thể khác biệt về tổng số tín chỉ mà sinh viên cần hoàn thành. Chính vì thế, sẽ khó lòng đưa ra một con số chính xác rằng 4 năm đại học cần tích luỹ tổng cộng bao nhiêu tín chỉ. Nếu sinh viên muốn ước lượng một con số mang tính tương đối để tham khảo, thì thông thường mỗi năm học sinh viên cần tích luỹ trong khoảng 31 – 35 tín chỉ, một số trường có thể nhiều hơn hoặc ít hơn một chút, nhưng phổ biến nhất sẽ nằm trong khoảng nêu trên. Từ đó, các em chỉ cần nhân với số lượng năm học trong chương trình đào tạo của mình, thì sẽ ước lượng được tổng số tín chỉ mà mình cần tích luỹ. Chẳng hạn như chương trình đại học 4 năm thường sẽ cần tích luỹ khoảng 124 – 140 tín chỉ, chương trình đào tạo 6 năm thường có tổng cộng khoảng 186 – 210 tín chỉ.

Song song đó, các trường đại học cũng cần cân đối chương trình đào tạo, sao cho đảm bảo số lượng tín chỉ tối thiểu của chương trình học không dưới 120 tín chỉ đối với đại học 4 năm, không dưới 135 tín chỉ với chương trình 4.5 năm, không dưới 150 tín chỉ đối với đào tạo 5 năm và không dưới 180 tín chỉ với chương trình học 6 năm. Ngoài ra, trong chương trình học, nếu có 20 tín chỉ tự chọn, và nhà trường quy định sinh viên chỉ cần tích luỹ 10 tín chỉ trong số đó, thì chỉ có 10 tín chỉ sẽ được tính vào tổng số tín chỉ của chương trình học.

>> Cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ

Hết thời hạn đào tạo tối đa mà chưa tích luỹ đủ tín chỉ thì sao?

Theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, sinh viên cần hoàn thành chương trình học, tích luỹ đủ số tín chỉ và vẫn còn trong thời hạn đào tạo tối đa, thì mới được xét và công nhận tốt nghiệp đại học. Chính vì thế, nếu hết thời hạn đào tạo tối đa, mà sinh viên vẫn chưa học xong, chưa tích luỹ đủ tín chỉ, vẫn còn nợ một vài tín chỉ, thì các em sẽ bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả học tập. Đây là quy định nhằm giúp việc học của sinh viên được liên tục, đảm bảo các em học hành nghiêm túc để có thể nắm vững kiến thức, tránh trường hợp sinh viên chủ quan, vừa học vừa chơi, để bị điểm kém, rớt môn, phải mất thời gian học lại, kéo dài chương trình học quá mức, hoặc lạm dụng việc bảo lưu kết quả học tập vì các lý do cá nhân.

Để tránh rơi vào viễn cảnh không mong muốn ấy, thì tốt nhất là sinh viên cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc học, hiểu rằng nhiệm vụ chính của mình là học tập, phải dành nhiều thời gian, công sức và nỗ lực học tập sao cho thật tốt, để vừa đạt điểm cao, vừa nắm vững kiến thức chuyên ngành.

Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng 4 năm đại học cần tích luỹ tổng cộng bao nhiêu tín chỉ? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Sinh viên được học lại tối đa bao nhiêu tín chỉ?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?