Khi nghỉ việc, sẽ có những người cảm thấy bình thường, vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp với công ty và đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đã xảy ra mâu thuẫn, xung đột nghiêm trọng, và nghỉ việc trong trạng thái cực kỳ tồi tệ, tiêu cực, dứt áo ra đi, cắt đứt mọi mối quan hệ với công ty cũ. Chưa dừng lại ở đó, một vài người có hành vi thái quá, nghỉ việc xong lên mạng nói xấu, review chê bai, trù ẻo công ty cũ, đó là điều không nên!
>> Tìm được việc mới nhưng chưa bàn giao xong công ty cũ thì phải làm sao?
Những mâu thuẫn thường gặp với công ty cũ
Không có nước thì làm sao có lửa, tất nhiên phải có những mâu thuẫn, bất đồng, chiến tranh lạnh giữa bạn và đồng nghiệp, hoặc không hài lòng với công ty cũ, thì mới khiến bạn quyết định nghỉ việc, tìm một bến đỗ mới. Mỗi người sẽ có những tình huống riêng, những mâu thuẫn khác nhau, nhưng thường sẽ xoay quanh những điều sau:
- Mâu thuẫn về tiền bạc, công ty trả lương trễ, nợ lương, hoặc thường đưa ra những lý do để phạt tiền, trừ lương nhân viên, cho rằng nhân viên làm việc chưa tốt, chưa đạt KPI nên không được nhận lương KPI, nhưng lại không có quy định cụ thể, rõ ràng, mà chỉ đánh giá theo cảm tính;
- Công ty phát sinh nhiều đầu việc mà ban đầu không thoả thuận trước, không liên quan tới mô tả công việc, bắt bạn kiêm nhiệm quá nhiều việc vô lý, mà không trả lương gì thêm;
- Công ty giao việc quá nhiều, khối lượng công việc lớn nhưng không chịu tuyển thêm nhân viên, bắt người cũ phải ráng làm quần quật cả ngày, phải thường xuyên đi sớm về trễ, nhiều khi cuối tuần cũng phải xử lý công việc, giống kiểu đang bóc lột sức lao động;
- Đồng nghiệp chia bè kết phái, gây khó dễ, cố tình kiếm chuyện, ma cũ bắt nạt ma mới;
- Cấp trên đối xử không công bằng, thiên vị, bạn cảm thấy mình đang bị chèn ép, dù đã lên tiếng nhưng tình hình vẫn không thay đổi, và bạn cực kỳ ghét người sếp ấy;
- Cấp trên không có năng lực, chưa đủ chuyên môn, đang ngồi ở vị trí cao vì có mối quan hệ, chứ thực chất cũng không tài giỏi gì, đụng chuyện gì cũng giao cho nhân viên làm, rồi đi khoe với sếp như đó là điều mà họ tự làm.
Vì sao có người lên mạng review chê bai công ty cũ?
Bên cạnh các mâu thuẫn thường gặp nêu trên, thì trong thực tễ vẫn còn rất nhiều tình huống éo le khác, bạn có thể dễ dàng đọc được những thông tin review chê bai công ty cũ trên mạng, chỉ cần search trên Google thì sẽ thấy rất nhiều, thậm chí đó là những bài đăng ẩn danh, dùng từ ngữ thô tục, chửi bới nặng nề, có người còn mạnh miệng trù ẻo công ty cũ sớm phá sản, để đừng ai vào làm việc trong môi trường tệ như thế.
Thật ra, chuyện bức xúc do mâu thuẫn với công ty cũ là một cảm xúc thường tình, ai mà chẳng có cảm xúc, khi đó, có người sẽ chọn sự im lặng, thôi kệ, xem như mình xui, giờ mình đi tìm công ty mới tốt hơn, cũng có người sẽ nói hết với người thân, bạn bè xung quanh để cho khuây khoả, và khuyến cáo mọi người đừng apply vào các công ty như thế, và cũng có những người chủ động lên mạng review chê bai công ty cũ, như một cách để trút giận, cho bõ ghét, cho đừng ai apply vào công ty ấy nữa, đó là quan điểm và hành vi riêng của từng người, khi đụng chuyện, gặp điều gì bất bình thì mỗi người sẽ có những cách xử lý khác nhau, nhất là khi mâu thuẫn, bất bình càng trầm trọng, thì người ta càng có xu hướng mất bình tĩnh, chọn cách xử lý tiêu cực, nghiêm trọng nhất, đó là lên mạng review chê bai công ty cũ. Tuy nhiên, đó lại là một hành vi không mấy khéo léo, nghỉ việc xong đừng review chê bai, trù ẻo công ty cũ, vì sao?
>> 5 dấu hiệu cho thấy công ty bóc lột sức lao động của nhân viên
Nghỉ việc xong đừng review chê bai, trù ẻo công ty cũ
Đồng ý rằng chúng ta có quyền tự do ngôn luận, chủ động nói lên những điều mình nghĩ, mình đã trải qua, miễn sao đó là thông tin chính xác, có bằng chứng rõ ràng, chứ không phải những điều bịa đặt. Tuy nhiên, chuyện bạn cảm nhận về công ty cũ, thì nó lại thiên về cảm xúc, cảm nhận cá nhân nhiều hơn, tức là khi đứng trước những sự việc tồi tệ, không như mong đợi ở công ty cũ, mỗi người sẽ có góc nhìn, cách đánh giá và cảm nhận khác nhau, chứ không thể đảm bảo rằng ai cũng giống bạn.
Chính vì thế, khi nghỉ việc xong mà lên mạng review chê bai, thậm chí dùng những lời lẽ tục tiễu, xúc phạm, trù ẻo công ty cũ sớm phá sản, thì điều đó đã đẩy mọi việc đi quá xa, bạn vừa không có bằng chứng xác thực cho những cảm xúc của mình, mà bạn lại còn trù ẻo người ta thua lỗ, phá sản, thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị kiện ngược lại, tự nhiên bạn trở thành người kiếm chuyện, có hành vi sai trái, tổn hại đến uy tín của công ty, rồi phải đối mặt với các biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật. Chưa kể tới việc nếu sau này bạn đi tìm việc, phỏng vấn ở công ty mới, và nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn là người từng lên mạng review chê bai, trù ẻo công ty cũ, là thành viên tích cực trong các group review, nói xấu công ty cũ, thì chắc chắn họ sẽ né vội, không muốn tuyển vào một nhân viên như thế, để tránh rủi ro sau này công ty mình lại bị chê bai, nói xấu.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu được rằng vì sao nghỉ việc xong không nên review chê bai, trù ẻo công ty cũ? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Có nên từ chối trả lời khi nhà tuyển dụng hỏi về công ty cũ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.