4 năm đại học là một thử thách khó khăn mà tất cả sinh viên đều phải trải qua, cho dù môn học có khó, phức tạp, hay kiến thức có nặng tới đâu thì các em cũng cần cố gắng, nghiêm túc & tập trung để học tốt, tất cả là vì tương lai của mình. Càng học hành chăm chỉ thì sau này ra trường đi làm càng thuận lợi hơn, chứ không nên lơ là, để kết quả học tập sa sút. Dưới đây là 5 dấu hiệu báo động về kết quả học của sinh viên mà các em cần lưu ý:
>> Năm 2 có phải thời điểm nhàn nhất ở đại học không?
1. Cố gắng nghe giảng nhưng không hiểu bài
Cố gắng nghe giảng nhưng không hiểu bài là một trong những dấu hiệu báo động về kết quả học tập của sinh viên, nếu các em không sớm nhận ra và tìm cách khắc phục, thì khả năng cao rằng sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả khôn lường, kéo kết quả học tập đi xuống, mất nhiều thời gian, công sức để ráng học nhưng cuối cùng lại không hiểu gì, không nắm vững kiến thức, tới khi làm bài thi, bài kiểm tra lại loay hoay làm không được, lạc đề, sẽ khiến kết quả học ngày càng sa sút.
Cố gắng nghe giảng nhưng không hiểu bài thường bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Thứ 1 là do các em chưa tập trung trong các buổi học trước, khiến cho các kiến thức cơ bản trước đó mình chưa nắm, bây giờ có cố gắng nghe giảng cũng thấy khó hiểu, vì đang chưa vững kiến thức nền, càng nghe càng thấy rối, lùng bùng đầu óc. Thứ 2 là do các em chỉ mới cố gắng sương sương, chứ chưa thật sự tập trung và nghiêm túc trong buổi học, nên kết quả vẫn không hiểu bài. Khi đã rõ nguyên nhân rồi thì sinh viên cần khắc phục ngay, cố gắng nghiêm túc hơn trong tất cả buổi học, nhất là các buổi kiến thức nền tảng đầu tiên.
2. Học trước quên sau, tới khi thi phải ôn lại từ đầu
Học xong rồi, tự nhẩm lại hoặc nhờ bạn bè khảo bài thấy mình đã thuộc rồi, thậm chí còn trả bài cực kỳ lưu loát, nhưng chỉ sau đó 1-2 tuần thì sinh viên lại quên béng, hoặc chỉ nhớ loáng thoáng, và nhiều khi còn nhớ sai, nhầm lẫn các kiến thức đã học với nhau, tới gần ngày thi lại càng tệ hơn, như 1 tờ giấy trắng, phải ôn tập lại từ đầu, vừa mất công, mất thời gian, vừa khiến các em tự hoài nghi về năng lực bản thân. Nếu thấy mình đang học trước quên sau, thì đây chính là dấu hiệu báo động về kết quả học của sinh viên, các em cần thay đổi trước khi quá muộn. Hãy đảm bảo rằng mình hiểu bài sau mỗi buổi học, nếu có chỗ nào chưa rõ thì hỏi lại ngay để nắm vững kiến thức, tìm sự liên kết giữa các kiến thức với nhau, học theo cách mình hiểu, chứ đừng học vẹt, học thuộc lòng, vì như thế sẽ dễ bị quên kiến thức, kéo kết quả học tập đi xuống.
>> Sinh viên phải làm sao khi học trước quên sau?
3. Không biết cách ứng dụng kiến thức vào thực tiễn
Kết thúc các buổi học, bên cạnh việc nắm vững kiến thức lý thuyết, thì sinh viên cần đảm bảo rằng mình phải biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nếu sinh viên còn loay hoay không biết cách ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, thì đây là một dấu hiệu báo động về kết quả học tập của các em. Đi học không phải để thuộc bài, để thuộc lòng lý thuyết, mà phải học làm sao để có thể thực hành, biết cách ứng dụng, thì mới có thể vận dụng khi đi làm sau này. Hãy nhớ rằng lúc ra trường tìm việc làm, nhà tuyển dụng quan trọng chuyện ai làm được việc hơn chuyện ai điểm cao hơn, ai thuộc bài hơn. Sinh viên hãy cố gắng học đi đôi với hành nhé!
4. Kết quả học tập trồi sụt thất thường, không ổn định
Mặc dù điểm trung bình tích luỹ của các em cũng đang ổn áp, ở tầm mức điểm khá, nhưng khi xem kỹ kết quả từng môn học thì lại thấy trồi sụt thất thường, môn thì cao, môn khác lại thấp quá, lúc lên lúc xuống chứ không ổn định, thì đây cũng là một dấu hiệu báo động về kết quả học của sinh viên, nếu tình hình này kéo dài thì tới khi ra trường đi làm phong độ làm việc của các em cũng sẽ lên xuống thất thường, không ổn định, mà cấp trên thường sẽ không thích điều này. Để cải thiện kết quả học tập và tránh mắc phải những hệ luỵ khác trong tương lai, sinh viên hãy cố gắng tập trung, học đều tất cả các môn để điểm số của mình ổn định, đừng theo kiểu học môn này bỏ môn kia nhé.
>> Quản lý thời gian thế nào khi tự học ở nhà?
5. Quá quen với chuyện bị rớt môn, nợ môn
Rớt môn là điều mà chẳng sinh viên nào mong muốn, nó vừa kéo điểm trung bình tích luỹ xuống mức nguy hiểm, vừa khiến các em phải mất công, mất thời gian, tốn tiền học lại, và còn nhiều hệ luỵ khôn lường khác. Bình thường sinh viên rớt môn 2-3 lần thôi là đã thấy sảng hồn rồi, hoang mang, cố gắng tìm cách để khắc phục. Vậy mà các em lại quá quen với chuyện bị rớt môn, nợ môn, xem đó là điều diễn ra như cơm bữa, thì đây thật sự là một dấu hiệu báo động về kết quả học của sinh viên, kiểu như các em đang buông xuôi, thả trôi cho nó tới đâu thì tới, nếu không sớm kiểm soát thì kết quả học lực sẽ ngày càng sa sút, phải ra trường với tấm bằng đại học loại trung bình. Hoặc tệ hơn, sinh viên có thể sẽ không đủ điểm chuẩn GPA để được tốt nghiệp, phải mất công học cải thiện rồi tốt nghiệp ra trường trễ hạn, chậm hơn bạn bè đồng trang lứa.
Bài viết này đã điểm qua 5 dấu hiệu báo động về kết quả học tập của sinh viên để các em lưu ý sớm khắc phục. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên rớt môn được thi lại bao nhiêu lần?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.