Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 93, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về khả năng học hỏi, lạm dụng học tủ, năm 2 học Tiếng Anh và chưa đạt chuẩn TOEIC có tốt nghiệp ra trường được không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 91) – Điểm tích luỹ cao, bị bạn bè chơi xấu
1. Làm sao để sinh viên có khả năng học hỏi tốt?
Là sinh viên, học tập đương nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất, ai cũng muốn mình được điểm cao, nắm vững kiến thức. Để làm được điều đó thì sinh viên phải có khả năng học hỏi tốt. Nếu thấy mình đang học trước quên sau, không ghi nhớ được lâu, hoặc nghe giảng xong cũng chưa hiểu bài, đọc thêm tài liệu cũng thấy lùng bùng, khó hiểu, sinh viên phải làm sao để học hỏi tốt hơn?
Đầu tiên, hãy dành thời gian đọc bài học trước khi đến lớp, chỗ nào chưa rõ thì note lại để nghe kỹ phần đó, trong lớp phải tập trung nghe giảng, không lo ra, không làm việc riêng thì mới dễ hiểu bài hơn. Sau mỗi buổi học, sinh viên nên tự ôn lại kiến thức ngay để mình nắm vững luôn, có thể hệ thống hoá bằng sơ đồ tư duy mind map, liên kết các kiến thức với nhau cũng là cách để ghi nhớ & học hỏi tốt hơn. Với môn cần thực hành, có bài tập về nhà, sinh viên cần chăm chỉ làm đầy đủ, đó là cách để vận dụng và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, học đi đôi với hành mới tiếp thu tốt và vững kiến thức.
2. Vì sao sinh viên không nên lạm dụng việc học tủ?
Học tủ là trường hợp sinh viên học ngẫu nhiên, hên xui, học một số phần chứ không học hết nội dung ôn thi, rồi hy vọng rằng đề thi sẽ ra đúng phần các em đã học, còn lỡ bị lệch tủ thì xem như xui. Sinh viên không nên lạm dụng việc học tủ, vì nó sẽ kéo theo rủi ro bị điểm kém, tỷ lệ bị lệch tủ thường cao hơn trúng tủ rất nhiều, nếu các em học tủ thì cứ chuẩn bị trước tinh thần về chuyện điểm kém.
Điểm kém ở mức C, D thì không sao, chứ kém tới điểm F thì sinh viên sẽ bị rớt môn, phải mất công & mất thời gian học lại từ đầu môn đó, đây là rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra khi lạm dụng học tủ. Tác hại lớn nhất khi học tủ chính là sẽ không nắm vững kiến thức, chỗ được chỗ mất, gây bất lợi khi ra trường tìm việc làm, không trả lời được các câu hỏi phỏng vấn về kiến thức chuyên ngành.
>> Vì sao sinh viên phải nộp bằng TOEIC trước khi ra trường?
3. Vì sao sinh viên thường học thêm Tiếng Anh vào năm 2?
Giỏi Tiếng Anh sẽ có lợi khi ra trường xin việc, tăng cơ hội apply vào các công ty lớn, lương cao, nhiều đãi ngộ hấp dẫn. Vì thế, nhiều bạn sinh viên cũng nỗ lực trau dồi, học thêm Tiếng Anh. Nhiều bạn sinh viên lăn tăng rằng đâu là lúc phù hợp để tập trung học Tiếng Anh? Vì sao có khá nhiều sinh viên quyết định học thêm Tiếng Anh vào năm 2 mà không phải thời điểm khác?
Đối với tân sinh viên năm 1, các em có nhiều điều bỡ ngỡ, chưa quen với cách giảng dạy, học, thi ở đại học, nên ưu tiên dành thời gian để làm quen & thích nghi, tập trung học tốt trên trường trước đã. Sinh viên năm 3 thì lu bu đi làm thêm, chuẩn bị cho kỳ thực tập, đối mặt nhiều môn chuyên ngành phức tạp, mà bắt đầu học Tiếng Anh lúc này cũng khá trễ, gấp gáp, khó lòng học hiệu quả được. Sinh viên năm cuối thì khỏi nói, siêu đau đầu với xếp loại học lực, GPA & khoá luận tốt nghiệp, mà lúc này mới lật đật học Tiếng Anh thì còn gấp gáp hơn cả năm 3, thế thì chỉ còn mỗi năm 2 là phù hợp.
4. Chưa đạt chuẩn TOEIC có tốt nghiệp ra trường được không?
Nghe đồn rằng bên cạnh việc phải học tốt đạt GPA từ 2.0/4.0 trở lên, thì sinh viên còn phải đạt chuẩn đầu ra TOEIC thì mới được ra trường, ai chưa đạt thì sẽ không được tốt nghiệp, liệu có đúng vậy không? Nghe có vẻ cấn cấn, nhiều bạn sinh viên cho rằng mục tiêu quan trọng nhất là học để nắm vững kiến thức chuyên ngành, còn ngoại ngữ chỉ là yếu tố bổ sung, sao lại đưa vào điều kiện để xét tốt nghiệp?
Trong thực tế, đa số trường đại học sẽ có áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra, để sinh viên chú tâm hơn tới việc trau dồi ngoại ngữ, dù sao điều đó cũng sẽ giúp ích cho các em khi ra trường tìm việc. Khi ra trường tìm việc, ai giỏi ngoại ngữ sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn, tự tin apply vào công ty lớn, doanh nghiệp nước ngoài, đương nhiên mức lương khởi điểm cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Chuẩn ngoại ngữ đầu ra của các trường cũng không khó lắm, thường chỉ khoảng TOEIC 500, đây là mức trung bình so với mức điểm tối đa 990, ai cũng có thể đạt được chứ không tới nỗi quá khó. Bằng TOEIC chỉ có giá trị trong 2 năm, sinh viên nên ôn luyện và thi vào khoảng năm 3, đầu năm 4, không nên thi sớm quá kẻo lúc xét tốt nghiệp bị hết hạn, lại phải mất công ôn luyện và thi lại từ đầu.
Cẩm nang sinh viên tập 93 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện khả năng học hỏi, lạm dụng học tủ, năm 2 học Tiếng Anh và chưa đạt chuẩn TOEIC có tốt nghiệp ra trường được không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 92) – Học trước quên sau, bất tài, vô dụng
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.