5 Điều Sinh Viên Mới Ra Trường Cần Cân Nhắc Khi Lựa Chọn Công Việc

Một thói quen của không ít sinh viên mới ra trường khi tìm việc chính là không cân nhắc khi lựa chọn công việc, các em chỉ đọc qua mô tả công việc, nếu thấy phù hợp thì ứng tuyển. Các em dễ có suy nghĩ rằng mình cứ vào làm thử một thời gian, nếu thấy không ổn thì đổi công ty vì mình còn trẻ, còn nhiều thời gian, còn nhiều cơ hội.

Công việc đầu tiên khi mới ra trường sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và sự thành công trong tương lai của mỗi người. Nếu chọn được công việc mà mình ngày càng học hỏi được nhiều điều, phát triển được bản thân, cảm thấy mỗi ngày đến công ty là một niềm hạnh phúc và không phải mong mau đến giờ về thì đó mới thật sự là công việc phù hợp. Đó mới là bước đệm vững chắc cho thành công sau này của các em.

Ngược lại, nếu các em không cân nhắc kỹ, lỡ vào làm ngay những công việc không phù hợp, rồi đổi từ công ty này tới công ty khác thì sẽ tạo tâm lý không tốt. Các em sẽ dễ rơi vào suy nghĩ rằng đi làm chẳng có gì vui, tại sao mình phải đi làm? Thôi ráng làm đủ 8 tiếng rồi về, cuối tháng có tiền lương là sướng rồi,… Điều này vô tình ngăn cản sự thành công trong tương lai của các em. Đồng thời, một người mới ra trường mà chuyển liên tục từ công ty này sang công ty khác chắc chắn sẽ khó tìm được việc mới trong tương lai, vì nhà tuyển dụng không thích các ứng viên hay nhảy việc, ai cũng muốn tìm một người có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty.

>> 6 website tìm việc nào phù hợp nhất với sinh viên mới ra trường?

Vậy làm thế nào để lựa chọn được công việc phù hợp? Sinh viên mới ra trường hãy cân nhắc 5 tiêu chí sau trước khi ứng tuyển bất kỳ công việc nào:

1. Cân nhắc quy mô công ty khi lựa chọn công việc

Để học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có được kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, sinh viên mới ra trường cần lựa chọn một công ty đã có quy trình làm việc hoàn thiện, phân chia phòng ban rõ ràng và có sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên với nhau.

Đó thường là những công ty đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm và quy mô trên 30 nhân viên. Nếu công ty đó có nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành khác nhau thì càng tốt, sau này các em sẽ có thể được đi công tác, đó sẽ là cơ hội để các em tiếp xúc và học hỏi thêm nhiều điều hay, vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đấy!

Thế còn các công ty nhỏ, các start up thì sao? Đó là một môi trường đầy thử thách. Nếu chưa đủ tự tin vào kiến thức, khả năng tư duy và xử lý tình huống của bản thân thì các em không nên thử sức vì chỉ có hai khả năng: Một là các em phải kiêm nhiệm rất nhiều việc khác nhau, được học hỏi nhiều điều nhưng mà mình phải giỏi thật giỏi, còn nếu chưa giỏi thì sẽ bị đuối và nản. Hai là nếu các em chỉ được giao làm các công việc đơn giản và hầu như không phát triển được bản thân.

2. Mô tả công việc có phù hợp với sinh viên mới ra trường không?

Hãy đọc thật kỹ mô tả công việc xem đó có phải là những đầu việc mà mình muốn làm và muốn học hỏi hay không. Tiếp theo, các em sẽ cân nhắc đến tính chất công việc. Công việc đó tiếp xúc nhiều với con người hay là chỉ làm việc với máy móc, sổ sách? Công việc đó sẽ ngồi ở văn phòng hay phải thường xuyên di chuyển ngoài đường? Mình có thích tính chất công việc như thế không?

Cuối cùng, chúng ta mới tiếp tục cân nhắc xem năng lực bản thân mình có thể hoàn thành công việc đó ở mức độ từ khá trở lên hay không. Nếu thấy ổn thì các em có thể chuyển sang tiêu chí tiếp theo.

>> Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?

3. Cân nhắc mức lương phù hợp với sinh viên mới ra trường

Đừng nghĩ rằng mức lương không quan trọng, sinh viên mới ra trường không cần cân nhắc khi lựa chọn công việc. Vì nếu sau này bắt đầu đi làm, bắt đầu quen với khối lượng công việc mà các em mới cảm nhận rằng mình đang nhận được mức lương không xứng đáng thì thật tệ. Các em sẽ bị mất lửa và cảm thấy công ty không công bằng. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả công việc của bản thân, dễ dẫn đến con đường nhảy việc.

Ngay từ đầu, hãy tự review năng lực bản thân thông qua kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm (nếu có) để tự đưa ra một mức lương phù hợp nhất cho chính mình. Mức lương này sẽ phản ánh chính xác giá trị của mỗi người, đừng đặt giá của mình thấp quá. Tất nhiên các em cũng không nên đặt ra mức lương cao hơn so với giá trị bản thân, vì nếu lỡ trúng tuyển thì chắc chắn công việc đó sẽ quá sức và các em dễ bị đuối.

Ngoài ra, các em cũng cần cân nhắc xem mình thích được trả lương cứng hay lương linh hoạt (lương cứng + hoa hồng hoặc KPI) nhé!

>> Đừng bao giờ chọn công việc lương thấp

4. Địa điểm và thời gian làm việc

Đừng để mỗi ngày đi làm như đi phượt, nếu chọn một công ty quá xa nơi ở sẽ khiến mình rất mệt. Mỗi sáng phải dậy thật sớm, trải qua biết bao nhiêu đoạn kẹt xe, đến công ty là mệt lừ, chưa kể chặng đường xa thì xác suất xảy ra sự cố trên đường đi làm (xe hư, hết xăng,…) sẽ cao hơn, dễ dẫn đến việc đi làm muộn và bị trừ lương. Rồi sau một ngày làm việc mệt mỏi lại phải trải qua một chặng đường dài mới về tới nhà. Người ta 6h về tới nhà, còn mình thì 6h30 hoặc 7h, lúc đó tắm rửa, ăn tối rồi loay hoay tí là mất tiêu một ngày, rất uổng phí thời gian.

Thời gian làm việc là yếu tố phụ, nhưng nếu các em thích được nghỉ trọn vẹn thứ 7, chủ nhật thì có thể cân nhắc thêm điều này khi lựa chọn công việc, vì có không ít công ty yêu cầu nhân viên phải đi làm sáng hoặc cả ngày thứ 7 đấy.

5. Chính sách đãi ngộ và phúc lợi

Điều này sẽ giúp các em đánh giá xem công ty đó có thật sự quan tâm đến nhân viên và muốn tạo một môi trường làm việc tốt cho nhân viên hay không. Đồng thời, điều này cũng đánh giá một phần về tiềm lực tài chính và khả năng phát triển vững mạnh trong tương lai của công ty nữa. Đây là điều cực kỳ cần thiết, đáng cân nhắc khi lựa chọn công việc.

Dù là sinh viên mới ra trường, các em nên chú ý đến các chính sách đãi ngộ và phúc lợi phổ biến như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, du lịch hàng năm, lương tháng 13, thưởng cuối năm, thưởng khi có sáng kiến, hỗ trợ thiết bị làm việc, mừng sinh nhật, cưới hỏi, thăm hỏi nhân viên khi ốm đau,…

>> 5 sai lầm sinh viên mới ra trường thường mắc phải khi xin việc


Hy vọng chia sẻ trên sẽ giúp các em lựa chọn được công việc phù hợp trong tương lai. Công ty có quyền lựa chọn ứng viên, thì mình cũng có quyền cân nhắc công ty, các em hãy tự tin lên nhé! Nếu còn điều gì chưa rõ về chủ đề này thì các em cứ comment hỏi anh bên dưới nhe.

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý