Khi xin việc, không ít ứng viên vô tư mắc phải những lỗi sai khiến nhà tuyển dụng cực kỳ khó chịu, thậm chí là phát quạo khi gặp phải những trường hợp này quá thường xuyên. Nhiều khi chính bản thân các bạn cũng không hình dung được hành động của mình sai ở chỗ nào, khiến nhà tuyển dụng bất bình ra sao, khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp như thế nào. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua 5 kiểu ứng viên khiến nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán để mình cùng biết và tránh mắc phải trong tương lai nhé.
>> Ứng viên sáng giá bị loại ngay vì những lỗi này khi phỏng vấn
1. Ứng viên thiếu chuyên nghiệp khi gửi email ứng tuyển
Gửi email ứng tuyển là bước đầu tiên để ứng viên tiếp cận với công ty, giới thiệu về nguyện vọng ứng tuyển của mình với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có thể do chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển nên không ít ứng viên đã mắc rất nhiều lỗi sai không đáng có, khiến nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán và gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng ngay khi cả đôi bên còn chưa gặp mặt nhau. Các lỗi sai thiếu chuyên nghiệp khi gửi email ứng tuyển thường gặp nhất là:
- Ghi sai tên công ty, sai vị trí ứng tuyển: Đây là lỗi sai cực lớn, thường mắc phải khi chúng ta rải CV rất nhiều công việc bằng cách copy paste nội dung email ứng tuyển nhưng quên sửa lại tên công ty và vị trí ứng tuyển.
- Quên đính kèm CV hoặc đính kèm nhầm file khác trong email ứng tuyển.
- Email ứng tuyển trắng trơn, không có nội dung, chỉ đính kèm mỗi CV.
Đừng để nhà tuyển dụng đánh giá mình thiếu chuyên nghiệp chỉ vì những lỗi không đáng có này nhé. Một chiếc email ứng tuyển chỉn chu sẽ tạo được ấn tượng tốt, ngược lại, một chiếc email ứng tuyển có quá nhiều lỗi sẽ gây ấn tượng xấu về bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
>> Mẫu email xin việc ấn tượng cho sinh viên mới ra trường
2. Ứng viên không đến phỏng vấn mà không báo trước
Nếu như lỗi 1 chỉ là lỗi do sơ suất, cẩu thả, thì lỗi 2 này cực kỳ nghiêm trọng và khiến nhà tuyển dụng cực kỳ bất bình. Đó chính là kiểu ứng viên không đến phỏng vấn mà không báo trước. Bạn hãy hình dung thử xem, công ty đã chuẩn bị phòng phỏng vấn, các sếp cũng đã sắp xếp thời gian để dành thời gian phỏng vấn, và rồi cuối cùng ứng viên không có mặt, không một cuộc gọi hay tin nhắn báo trước, khi được bên HR gọi điện thì cũng không bắt máy, im lặng và biến mất luôn.
Ủa như thế là sao? Cực kỳ thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng. Thật sự là lúc đó nhà tuyển dụng cũng buồn vui lẫn lộn, buồn vì mất công chuẩn bị mà ứng viên không đến, nhưng cũng vui vì đỡ phải tuyển nhầm một nhân viên thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, không đến phỏng vấn mà không báo trước.
>> Hãy chuyên nghiệp mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh
3. Ứng viên đi phỏng vấn thử cho vui
Các công ty thật sự muốn tìm kiếm một nhân viên phù hợp với vị trí công việc mà họ đang tuyển dụng, chứ nhà tuyển dụng không muốn mất thời gian phỏng vấn cho vui. Chính vì thể, kiểu ứng viên đi phỏng vấn cho vui vừa khiến nhà tuyển dụng mất thời gian, vừa khiến họ cực kỳ bực mình. Tức là ứng viên đi phỏng vấn nhưng với tâm thế bình thản, hên xui xem mình có đậu hay không, nếu rớt thì không sao, còn nếu đậu thì có khi cũng không nhận việc. Tất nhiên các ứng viên này không hề có sự chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn, không tìm hiểu kỹ về công ty, về vị trí ứng tuyển, hoặc tệ hơn là họ còn không nhớ tên công ty, không biết là mình đang đi phỏng vấn cho vị trí nào.
Đồng thời, kiểu ứng viên đi phỏng vấn thử cho vui còn khiến nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán bởi tác phong và hành vi của họ trong buổi phỏng vấn. Họ mặc trang phục không phù hợp khi đi phỏng vấn, họ tỏ thái độ thiếu nghiêm túc khi phỏng vấn, vừa phỏng vấn vừa bấm điện thoại, nhìn ngang ngó dọc chứ không tập trung trả lời phỏng vấn,…
4. Deal lương cao nhưng chưa chứng minh được năng lực
Kiểu ứng viên tiếp theo chính là những người muốn deal lương cao, ảo tưởng về năng lực bản thân, chứ trong buổi phỏng vấn không hề chứng minh được năng lực của mình. Thậm chí khi được hỏi rằng ứng viên dựa trên cơ sở nào để đề xuất mức lương thì họ cũng ấp úng, không nói rõ ràng, chỉ nói chung chung là mình thấy mức lương đó phù hợp với mong muốn của bản thân. Ơ, mình muốn là một chuyên, nhưng mình có đủ năng lực để nhận mức lương ấy không thì lại là chuyện khác.
Chẳng hạn như khi bạn đi mua một món đồ nào đó, nếu người bán hét giá quá cao, bạn không thấy giá trị món đồ đó tương xứng với mức giá thì bạn có mua không? Quá trình tuyển dụng cũng vậy, đồng ý là ứng viên có quyền deal lương, nhưng chỉ nên đưa ra mức lương phù hợp nhất sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và cân bằng được mong muốn và năng lực của bản thân, chứ không phải là buột miệng đưa ra mức lương cao trong khi chưa chứng minh được năng lực.
>> Cơ hội và thách thức khi theo đuổi công việc lương cao
5. Đồng ý làm việc xong không đến nhận việc
U là trời, đây chính là kiểu ứng viên mà nhà tuyển dụng không bao giờ muốn gặp lại, đồng ý làm việc xong không đến nhận việc. Họ không báo lại với công ty mà âm thầm không đến nhận việc luôn, hoặc có báo lại nhưng quá sát nút, khiến công ty trở tay không kịp, tức là công ty đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, lên lịch training bài bản, đến sát ngày thì ứng viên báo là không đi nhận việc được, mà như vậy thì công ty cũng không kịp tuyển người khác thay thế cho vị trí đó, khiến mọi kế hoạch đã đặt ra đều bị trì hoãn lại.
Đồng ý là ứng viên có quyền đi phỏng vấn nhiều công ty và cân nhắc, lựa chọn nơi làm việc nào phù hợp nhất với mình. Nhưng mà mình đang cân nhắc thì cứ cân nhắc kỹ lưỡng rồi đưa ra quyết định cuối cùng rằng sẽ làm việc ở đâu, chứ đừng trả lời đồng ý làm việc để giữ chỗ, rồi cuối cùng quay ngoắt 180 độ, nói là mình không đến nhận việc nữa. Như vậy là cực kỳ thiếu chuyên nghiệp. Một tháng mà gặp tầm 2-3 ứng viên như này thì chắc nhà tuyển dụng bị tiền đình mất thôi.
Trên đây là 5 kiểu ứng viên khiến nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán, chính vì thế, bạn nên tránh đừng để mình trở thành một trong những kiểu ứng viên này nhé. Nó sẽ khiến bạn trở nên cực kỳ thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là bất lịch sự cực kỳ luôn đấy. Chúc bạn thành công trong lần ứng tuyển sắp tới!
>> Sinh viên thường mắc những lỗi nào khi lần đầu phỏng vấn xin việc?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.