6 Điều Sinh Viên Cần Biết Về Học Vượt Ở Đại Học

Thông thường, sinh viên sẽ cần trải qua 4 năm đại học trước khi ra trường đi làm, giúp các em nắm vững kiến thức và có hành trang vững chắc để tự tin vào đời. Có một bộ phận sinh viên lo lắng rằng mình sẽ ra trường trễ hạn vì bị rớt môn học lại khá nhiều, nhưng cũng có không ít sinh viên chẳng bận tâm về điều đó, mà lại quan tâm hơn tới việc làm thế nào để có thể tốt nghiệp sớm hơn. Trên thực tế, không bắt buộc sinh viên sẽ phải mất tới 4 năm để học đại học, các em hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian bằng cách đăng ký học vượt một số môn. Nhưng trước khi sinh viên quyết định học vượt ở đại học thì các em cần đảm bảo rằng mình đã nắm rõ 6 điều sau:

1. Học vượt là gì?

Học vượt là trường hợp sinh viên đăng ký học trước một số môn học, với mục tiêu là rút ngắn thời gian học đại học và có thể ra trường sớm hơn. Chẳng hạn như cần mất 4 năm để hoàn thành chương trình đại học, thì khi học vượt, các em có thể rút ngắn xuống còn 3.5 năm, hoặc thậm chí là 3 năm, bằng cách là thay vì học kỳ đó mình chỉ học 5 môn, thì các em đăng ký thành 6 môn, để đẩy nhanh tiến độ học và có khả năng tốt nghiệp sớm hơn.

Tất nhiên, học vượt ở đại học không phải là một bức tranh màu hồng, các em sẽ khó lòng học vượt thành công và tốt nghiệp ra trường sớm nếu chưa nắm rõ tất tần tật về chủ đề học vượt. Hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu rõ hơn về nó trong những phần tiếp theo của bài viết nhé!

2. Sinh viên được học vượt tối đa bao nhiêu môn?

Khi sinh viên quyết định học vượt ở đại học, một trong những điều khiến sinh viên băn khoăn chính là sinh viên được học vượt tối đa bao nhiêu môn, câu trả lời là không giới hạn. Tức là trong suốt chương trình đại học, các em có thể học vượt 5 môn, 10 môn, hoặc thậm chí là nhiều hơn, tuỳ theo quyết định của mình, nhưng tất nhiên sinh viên vẫn cần cân đối số lượng môn họ sao cho hợp lý, vì khối lượng kiến thức ở đại học khá lớn, nếu quá lạm dụng việc học vượt, các em sẽ dễ bị quá tải và ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập của mình.

>> 6 lưu ý để sinh viên làm tiểu luận nhóm được điểm cao

3. Mỗi học kỳ nên học vượt bao nhiêu môn?

Để đảm bảo kết quả học tập tốt, sinh viên không nên học vượt quá nhiều môn trong mỗi học kỳ. Các em chỉ nên học vượt 1-2 môn trong mỗi học kỳ, tốt nhất là chỉ 1 môn thôi, chứ đừng để mình bị ngập chìm trong khối lượng kiến thức khổng lồ và bị đuối sức khi học vượt nhé. Còn nếu các em muốn rút ngắn thời gian học đại học hơn nữa, thì có thể tranh thủ học vượt thêm 1-2 môn trong học kỳ hè, thường được diễn ra trong 3 tháng hè, ở giữa 2 năm học.

4. Sinh viên nên học vượt môn nào?

Sau khi tìm hiểu về số lượng môn nên học vượt ở đại học, thì tiếp theo chắc chắn sinh viên sẽ quan tâm đến việc nên lựa chọn học vượt môn nào. Tất nhiên rồi, vì mỗi học kỳ chỉ nên học vượt 1-2 môn, nên mình cần phải chọn lựa kỹ lưỡng để tối ưu kết quả học tập. Sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, vì mỗi ngành có chương trình học khác nhau, môn học khác nhau. Tuy nhiên, có một quy tắc chung rằng vì các môn học có sự liên quan với nhau, tức là học xong môn A mới đủ kiến thức nền để học môn B (các môn học như này sẽ được nhà trường làm rõ với sinh viên ngay từ đầu, để các em đăng ký học đúng thứ tự), chính vì thế, trước khi quyết định học vượt môn B thì các em cần chắc chắn rằng mình đã hoàn thành môn A rồi nhé.

>> Bí quyết giúp sinh viên chống rớt môn ở đại học

5. Rủi ro điểm thấp khi học vượt ở đại học

Học vượt ở đại học mang lại cơ hội để sinh viên rút ngắn thời gian học đại học và có thể ra trường sớm, nhưng nó cũng kèm theo nhiều rủi ro mà sinh viên phải đối mặt, nổi trội trong số đó chính là rủi ro điểm thấp. Vì khối lượng kiến thức ở đại học khá lớn, đa số là những môn mà các em chưa từng học trước đây, chính vì thế, các em sẽ dễ bị quá tải kiến thức, tẩu hoả nhập ma nếu như đăng ký học vượt khi năng lực học tập của mình chưa vững.

Điều này dẫn đến việc các em vẫn hoàn thành môn học, nhưng lại đạt điểm số không mấy khả quan, kéo điểm trung bình tích luỹ của mình xuống và có thể sẽ phải ra trường với xếp loại tốt nghiệp không như mình mong muốn. Tất nhiên, đây chỉ là rủi ro mà các em cần phải biết trước để có giải pháp phòng tránh, chứ không phải để các em sợ và không dám học vượt.

6. Rủi ro rớt môn khi sinh viên học vượt

Bên cạnh rủi ro điểm thấp, sinh viên còn phải đối mặt với nguy cơ rớt môn khi học vượt ở đại học. Nếu như trường hợp điểm thấp là các em vẫn qua môn, chỉ là điểm hơi thấp hơn so với mong đợi, thì trường hợp rớt môn này lại cực kỳ đáng buồn. Vốn dĩ khi đăng ký học vượt thì ai cũng mong mình sẽ qua môn, để có thể ra trường sớm, nhưng cuối cùng lại bị rớt môn, mất thời gian học lại thì cũng như không, lại còn bị mang tiếng là rớt môn nữa.

Chính vì thế, để không rơi vào rủi ro không mong muốn này, thì sinh viên cần phải cực kỳ chăm chỉ, tập trung và cố gắng học thật tốt khi quyết định học vượt. Tất nhiên, sinh viên cũng cần lưu ý rằng không nên học vượt quá nhiều môn trong cùng một học kỳ, hãy cân đối số môn học sao cho hợp lý, để đảm bảo mình không bị đuối sức khi học vượt ở đại học nhé. Đừng để những rủi ro làm mình chùn bước, hãy nghĩ tới tương lai và thành công ở phía trước. Chúc các em học tốt!

>> 5 lý do khiến sinh viên rớt môn ở đại học

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?