Sinh viên mới ra trường khi lần đầu đi phỏng vấn chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, các em chưa mường tượng được một buổi phỏng vấn tuyển dụng sẽ như thế nào, thời lượng ra sao, rồi phải trả lời thế nào cho khéo… Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng thường cũng sẽ đặt ra một số câu hỏi tình huống lắt léo để kiểm tra sự nhạy bén trong kỹ năng xử lý tình huống của ứng viên. Để đảm bảo buổi phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, sinh viên mới ra trường cần lưu ý những điều này:
1. Gây ấn tượng khi giới thiệu bản thân
Giới thiệu bản thân là phần chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng yêu cầu vào đầu buổi phỏng vấn. Một số sinh viên mới ra trường nghĩ rằng mình đã gửi CV rồi, trong đó đã có khá đầy đủ thông tin về mình rồi, nên chỉ giới thiệu bản thân sơ sài, lướt qua, thiếu điểm nhấn, chưa nêu bật được những điểm mạnh của bản thân liên quan đến vị trí ứng tuyển và chưa thể hiện được khao khát muốn phát triển trong ngành, muốn gắn bó lâu dài với công ty.
Đồng ý là nhà tuyển dụng chắc chắn đã đọc qua CV của các em, nhưng họ vẫn cần nghe các em giới thiệu lại một lần nữa, đặc biệt là giới thiệu lưu loát về bản thân mình và toát ra sự tự tin trong lúc giới thiệu bản thân. Tất nhiên, một khi nhà tuyển dụng đã yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân thì chắc chắn sẽ có chấm điểm phần đó, nên sinh viên mới ra trường hãy nhớ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng khi giới thiệu bản thân nhé.
>> Cách giới thiệu bản thân để nhà tuyển dụng ấn tượng và đánh giá cao
2. Nắm rõ thông tin công ty, công việc khi phỏng vấn
Một lỗi sai thường gặp của sinh viên mới ra trường khi lần đầu phỏng vấn chính là chưa tìm hiểu kỹ về công ty, chưa nắm rõ các thông tin về công việc. Với tâm lý mới ra trường, các em thường sẽ rải CV ở rất nhiều công ty, nơi nào gọi đi phỏng vấn thì lật đật đi, chứ chưa dành thời gian để tìm hiểu kỹ về công ty đó.
Điều này vô tình sẽ khiến các em bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, vì họ sẽ đánh giá rằng các em là một ứng viên hời hợt, chưa đủ đam mê với công việc, cũng chưa có đủ khao khát muốn làm việc ở công ty nên mới chưa chịu tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, về nơi mà mình sẽ gắn bó làm việc suốt một thời gian dài nếu trúng tuyển. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường cần lưu ý hãy nhớ tìm hiểu kỹ các thông tin về công ty, về công việc trước khi ứng tuyển nhé.
3. Nêu bật kiến thức và khả năng học hỏi khi phỏng vấn
Sinh viên mới ra trường chắc chắn sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chính vì thế, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều hơn tới lượng kiến thức chuyên ngành và khả năng học hỏi của các em, để đánh giá xem các em có phải là một ứng viên có khả năng học hỏi tốt hay không, có thể nhanh chóng tiếp thu những gì được công ty training, hướng dẫn khi đi làm hay không. Chính vì thế, sinh viên mới ra trường cần lưu ý nhớ ôn lại các kiến thức chuyên ngành trước khi đi phỏng vấn. Đồng thời, xuyên suốt buổi phỏng vấn hãy khéo léo cho nhà tuyển dụng thấy mình là
>> Chưa vững kiến thức chuyên ngành có xin việc được không?
4. Lồng ghép những ví dụ, dẫn chứng trong câu trả lời
Vì là lần đầu phỏng vấn nên sinh viên mới ra trường thường sẽ mắc phải lỗi sai là chưa đi sâu vào câu trả lời, mà chỉ trả lời phỏng vấn một cách chung chung, theo kiểu lý thuyết. Thay vào đó, để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn xin việc, thì các em cần khéo léo lồng ghép những ví dụ, dẫn chứng trong các câu trả lời của mình.
Chẳng hạn như nếu được hỏi các em có khả năng làm việc nhóm tốt không, thì các em đừng trả lời lý thuyết rằng mình luôn sẵn sàng phối hợp với các thành viên, cùng đóng góp ý kiến khi thảo luận nhóm, rồi đảm bảo hoàn thành tốt công việc của mình trong nhóm… Thay vào đó, hãy lồng ghép một tình huống làm việc nhóm trong quá khứ mà mình đã từng làm tốt vai trò của mình và giúp nhóm đạt được kết quả tốt. Như thế sẽ giúp câu trả lời của mình ấn tượng và thuyết phục hơn đó.
5. Luôn trung thực khi trả lời phỏng vấn
Bản thân ai cũng có những điểm yếu, điểm chưa hoàn hảo, nhất là sinh viên mới ra trường, các em còn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên chắc chắn cũng sẽ tồn tại không ít điểm yếu. Điều này vô tình dẫn tới việc một số sinh viên mới ra trường khi lần đầu phỏng vấn đã nói quá về bản thân, hoàn hảo hoá bản thân và thiếu trung thực khi trả lời phỏng vấn.
Đây là điều cực kỳ tối kỵ trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Nhà tuyển dụng không phải trẻ con, họ hoàn toàn có thể hỏi xoáy, hỏi sâu để phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong các câu trả lời của ứng viên. Nếu phát hiện bất kỳ câu trả lời thiếu trung thực nào, họ sẽ thẳng tay loại luôn ứng viên đó. Chính vì thế, các em hãy lưu ý rằng mình cần luôn đảm bảo tính trung thực khi trả lời phỏng vấn nhé.
>> Bị run khi phỏng vấn xin việc thì phải làm sao?
6. Tự tin deal lương khi lần đầu phỏng vấn
Mức lương phản ánh năng lực làm việc của mỗi người. Đồng ý rằng các em là sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhưng năng lực của các em vẫn rất khác nhau, giống như hồi xưa đi học mình cũng có phân loại kết quả tốt nghiệp mà. Chính vì thế, đừng phó thác mức lương cho nhà tuyển dụng.
Thay vào đó, các em hãy tự tin đề xuất mức lương mà mình thấy phù hợp với năng lực của mình, phù hợp với vị trí ứng tuyển và đủ để mình có thể vui vẻ làm việc, cống hiến hết mình cho công ty. Lưu ý rằng hãy đề xuất một mức lương hợp lý, đồng thời, chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy mình có thể đóng góp những gì cho công ty để xứng đáng với mức lương đó, chứ đừng chỉ nói suông mức lương mà chưa chứng minh được năng lực bản thân cho nhà tuyển dụng nhé.
Trên đây là 6 lưu ý cho sinh viên mới ra trường khi lần đầu phỏng vấn xin việc, hy vọng sẽ giúp các em tự tin hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng. Chúc các em sớm tìm được việc làm phù hợp với mong muốn của mình nhé!
>> Làm sao để sinh viên mới ra trường tự tin deal lương?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.