Anh từng phỏng vấn rất nhiều sinh viên mới ra trường cho nhiều vị trí khác nhau trong công ty như nhân viên tổng đài, kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng, admin,… Không ít trường hợp buổi phỏng vấn chỉ kéo dài vỏn vẹn 10-15 phút vì ứng viên khá mờ nhạt và chẳng tạo được nhiều ấn tượng, không biết cách giới thiệu bản thân dù đã được cho hẳn 2-3 phút ngay đầu buổi phỏng vấn.
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, và giới thiệu bản thân là điều không thể thiếu trong các buổi phỏng vấn. Vì thế, để có một buổi phỏng vấn tốt và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thì điều đầu tiên các em cần chuẩn bị đó là bài giới thiệu bản thân.
Dưới đây là một số ví dụ cho việc chưa chuẩn bị kỹ cho phần giới thiệu bản thân:
Nếu rơi vào các trường hợp trên thì nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng không tốt về các em. Thứ nhất, họ chẳng hình dung được điểm mạnh của các em và vì sao các em phù hợp với vị trí mình đang ứng tuyển. Thứ hai, họ sẽ đánh giá các em là người cẩu thả, không có sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Với ấn tượng ban đầu xấu như thế thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của họ, và đó là quyết định mà các em không hề mong muốn đâu.
>> Những đều nên – không nên và cách trả lời 9 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn
Vậy để giới thiệu bản thân ấn tượng và được nhà tuyển dụng đánh giá cao, các em có thể tham khảo 3 cách sau:
1. Làm nổi bật học lực và khả năng học hỏi khi giới thiệu bản thân
Ngoài họ tên và vị trí ứng tuyển, nếu có học lực tốt, các em hãy nêu rõ mình tốt nghiệp ngành nào, xếp loại gì, điểm trung bình bao nhiêu, đứng thứ mấy trong lớp. Hoặc nếu kết quả chung chưa tốt nhưng các môn chuyên ngành hoặc khoá luận tốt nghiệp được điểm cao thì các em cũng có thể nêu ra. Sau đó nói rằng thế mạnh của các em là khả năng học hỏi, khi được tuyển vào vị trí này, các em sẽ có thể ứng dụng các kiến thức đã học vào công việc thực tế và sẽ nhanh chóng tiếp thu những lời chỉ dạy, hướng dẫn của các anh/chị để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
2. Dùng kỹ năng và sự tự tin để làm điểm nhấn
Không phải ai cũng có học lực tốt hoặc học đúng chuyên ngành của vị trí mà mình đang ứng tuyển. Nên có một cách khác để giới thiệu bản thân ấn tượng, đó là dựa vào sự tự tin và các kỹ năng liên quan đến công việc mà các em đang có.
Ví dụ nếu các em ứng tuyển vào vị trí marketing thì sau khi giới thiệu họ tên và vị trí ứng tuyển, mình sẽ nói rằng em từng tham gia bộ phận truyền thông của một câu lạc bộ sinh viên, đã từng truyền thông cho các chương trình A, B, C,… và thu hút được đông đảo sinh viên tham gia. Ngoài ra, em cũng có kỹ năng viết bài marketing, quản lý fanpage. Em rất thích marketing nên đã ứng tuyển vào vị trí này, hy vọng sẽ được anh/chị trao cơ hội để học hỏi và đóng góp cho công ty.
>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống phổ biến nhất khi phỏng vấn
3. Dùng sự tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty để gây ấn tượng
Nếu không học giỏi, không học đúng chuyên ngành, cũng chẳng có nhiều kỹ năng liên quan đến công việc thì các em vẫn còn một cơ hội cuối cùng, dù khả năng gây ấn tượng sẽ không cao như hai cách ở trên, đó chính là tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty và vị trí mình đang ứng tuyển, đồng thời, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mình rất thích được làm việc trong môi trường đó, rất muốn có cơ hội làm việc ở vị trí đó.
Chẳng hạn như em có tìm hiểu kỹ về công ty của mình, lĩnh vực của mình là làm về giáo dục, môi trường trẻ, năng động và em rất thích điều đó, rất phù hợp với tính cách năng động của em. Em thấy mô tả công việc mà em đang ứng tuyển là tổ chức các sự kiện, hội thảo về giáo dục cho sinh viên tham gia, em thích gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn học sinh, sinh viên lắm. Khi còn là sinh viên, em cũng từng tham gia hội thảo do công ty tổ chức, em rất ấn tượng và ngay từ khi đó em đã muốn được vào làm việc ở công ty mình rồi ạ.
>> Lần đầu xin việc, phải trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?
Tổng kết
Những cách trên chỉ là ví dụ để tham khảo, mỗi người trong các em sẽ có những phiên bản giới thiệu bản thân riêng, không ai giống ai cả. Hãy sử dụng cá tính và điểm nổi bật riêng của mình để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé.
Chuẩn bị kỹ lưỡng là điều tốt. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý gói gọn phần tự giới thiệu của mình trong khoảng 2-3 phút, ngắn gọn, súc tích thôi nhé. Nếu các em quá tham, đưa quá nhiều thông tin, khiến phần giới thiệu bản thân dài lê thê tận 5-7 phút thì sẽ gây tác dụng ngược. Nhà tuyển dụng sẽ bị bội thực thông tin và không kịp nhớ cũng như ấn tượng với các ý mà các em đã nêu ra. Đừng lo rằng mình không có cơ hội show hết những ưu điểm của bản thân, vì trong buổi phỏng vấn còn rất nhiều câu hỏi khác để mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng đấy!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe https://bit.ly/TTVD-HoiDap
—
?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.