Bạo lực học đường là một hành vi tiêu cực, đáng lên án và cần phải được nhà trường nghiêm khắc loại bỏ càng sớm càng tốt. Vốn dĩ môi trường học đường là nơi để học sinh/sinh viên tập trung cao độ cho việc học, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em tiếp thu kiến thức, vậy mà đâu đó vẫn tồn tại hành vi chia bè kết phái, bắt nạt, bạo lực học đường, cứ lâu lâu trên báo đài lại đưa tin về các vụ bạo lực học đường với nhiều mức độ lớn nhỏ khác nhau. Chẳng ai muốn mình dính líu tới những trường hợp này, nhiều lúc các em chẳng làm gì, nhưng rắc rối lại tự tìm tới, tự dưng lại trở thành nhân vật chính trong câu chuyện bạo lực học đường, vậy phải làm sao khi mình là nạn nhân?
>> Bị bắt nạt ở trường học và cách xử lý khôn khéo
Bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường là trường hợp học sinh/sinh viên xung đột, gây gổ, chửi nhau, đánh nhau, gây mất trật tự trong và ngoài trường học. Nếu nhẹ thì chỉ là những xích mích nhỏ, dừng lại ở những lời chửi tục, hăm doạ. Còn nếu nặng hơn thì đó là những hành vi đánh nhau, hội đồng bằng tay không hoặc có thể có thêm hung khí.
Bạo lực học đường thường xảy ra từ mâu thuẫn của đôi bên, từ hai phía, làm căng lên, rồi dẫn tới ẩu đả để dằn mặt đối phương. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đơn phương, vì muốn ra oai, hoặc vì ngứa mắt nên đã có hành vi bắt nạt, gây gổ với bạn khác. Dù tồn tại dưới hình thức gì, trong trường hợp nào, thì bạo lực học đường vẫn là hành vi đáng lên án, học sinh/sinh viên không nên im lặng chịu trận hoặc cổ suý cho những hành vi tương tự, vì biết đâu trong tương lai mình sẽ rơi vào trường hợp ấy, tự dưng trở thành nạn nhân của những hành vi gây gổ, bắt nạt,…
Nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường?
Bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó, và bạo lực học đường cũng thế, đồng ý rằng có một số trường hợp các em chẳng làm gì cả, chỉ ngồi không cũng phải hứng đạn, tự dưng trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, nhưng thật ra nếu phân tích sâu xa hơn thì vẫn có lý do. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Xích mích cá nhân liên quan tới thái độ, cách nói chuyện, lời qua tiếng lại;
- Xích mích liên quan tới quyền lợi, tiền bạc, có hành vi gây hại tới quyền lợi đối phương;
- Xích mích do đơn thuần không ưa, không thích nhau, ghét nhau, tích tụ ngày càng lớn rồi bùng nổ;
- Xích mích liên quan tới học tập, điểm số, nhất là khi so sánh điểm số rồi khinh thường, khi dễ đối phương;
- Xích mích do chia bè kết phái trong trường học, tham gia vào các phe phái đối nghịch nhau;
- Xích mích vì tranh giành quyền lực trong trường, ganh đua xem ai mạnh hơn, phe nào mạnh hơn;
- Xích mích do ỷ mạnh hiếp yếu, thấy bạn khác hiền, học giỏi, được thầy cô khen nên thù ghét;
- Xích mích do chuyện yêu đương, tình cảm cá nhân của học sinh/sinh viên,…
Và cũng có một số trường hợp xích mích do những hiểu lầm phát sinh, hiểu lầm không đáng có, tự dưng lại khiến mâu thuẫn dâng cao, dẫn tới hành vi bạo lực học đường. Thực tế muôn hình vạn trạng, dù bạo lực học đường xuất phát từ nguyên nhân nào, thì cũng chẳng có lý do gì để chúng ta bênh vực, và càng không nên im lặng theo hướng mặc kệ, vì thật sự nó sẽ mang tới rất nhiều tác hại và tiềm ẩn những hậu quả khôn lường, với cả kẻ gây hấn lẫn phía nạn nhân.
>> Mâu thuẫn với bạn cùng trường thì phải làm sao?
Bạo lực học đường tiềm ẩn những tác hại và hậu quả nào?
Nếu phải liệt kê ra toàn bộ những tác hại và hậu quả mà bạo lực học đường gây ra, thì có kể mãi cũng chẳng hết, vì thật sự nó tiềm ẩn rất nhiều điều kinh hoàng mà nhiều khi học sinh/sinh viên trong cuộc cũng chưa thể hình dung hết được. Còn nếu liệt kê ra một số tác hại/hậu quả tiêu biểu của bạo lực học đường, thì thường sẽ xoay quanh những điều sau:
- Thương tích cá nhân, nặng nhẹ tuỳ theo mức độ của hành vi bạo lực học đường, và trong thực tế có những trường hợp thương tật rất nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp tử vong khi bạo lực có hung khí;
- Phải chịu trách nhiệm vì vi phạm kỷ luật nhà trường, đối mặt với mức xử lý rất cao, có thể hạ bậc tốt nghiệp;
- Phải đối mặt và chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật tuỳ từng trường hợp, từng mức độ, và có thể sẽ đối mặt với các mức án phạt tù hoặc nghiêm trọng hơn dù vẫn đang trong lứa tuổi học trò;
- Phải đền bù thiệt hại, tổn thất cho đối phương, thương tật càng lớn, càng nghiêm trọng, thì mức đền bù càng cao;
- Tha hoá về hành vi, tính cách khi thói bạo lực đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, lời nói, hành động, nhiều khả năng có thể sẽ tiếp tục những hành vi tương tự, hoặc mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai, và tất nhiên sẽ đối mặt với những tác hại và hậu quả còn trầm trọng hơn nữa;
- Tương lai mù mịt, khó lòng làm lại từ đầu vì đã có một vết nhơ lớn, tiếng xấu đồn xa,…
Phải làm sao khi là nạn nhân của bạo lực học đường?
Dẫu biết rằng bạo lực là hành vi đáng lên án và cần phải phòng tránh, nhưng ai biết được chữ ngờ, tự dưng đang yên đang lành, các em hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè chèn ép, bắt nạt, có những lời nói, hành vi quá trớn, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và có thể tổn hại tới thân thể khi bị đánh đập, bạo lực. Nếu lần đầu gặp phải trường hợp này, lần đầu là nạn nhân của bạo lực học đường, thì chắc hẳn rằng các em vẫn còn chưa thể bình tĩnh ngay được, vẫn còn đang bàng hoàng, không hiểu vì sao điều tồi tệ ấy lại xảy ra với mình, mình đã làm gì sai, mình có khơi nguồn mâu thuẫn/xích mích với ai không, sao họ lại làm vậy với mình? Hoặc tệ hơn, những bạn yếu tâm lý có thể sẽ bị suy sụp tinh thần, trầm cảm, đâm ra bấn loạn, sợ hãi mọi người xung quanh, ảnh hưởng xấu tới tâm lý và kết quả học tập.
Sau khi cố gắng lấy lại bình tĩnh, không còn hoảng loạn, thì các em cũng chưa chắc sẽ tìm ra được hướng xử lý phù hợp, mà thường chỉ giải quyết theo bản năng. Một số bạn im lặng chịu trận, vì thấy hành vi bạo lực học đường mà mình đang gặp phải cũng chưa tới mức nghiêm trọng, có thể cố gắng âm thầm chịu đựng được, hoặc vì sợ hãi nên cũng không dám lên tiếng chống lại. Một số bạn cố gắng tìm cách hoá giải mâu thuẫn, dẹp tan hiểu lầm, để không bị bên kia tiếp tục hành vi hăm doạ nữa, rồi cũng im lặng cho qua, không truy cứu thêm, không báo cho nhà trường và phụ huynh biết chuyện. Nhưng thật ra, đó là những cách giải quyết chưa tốt, đang âm thầm cổ suý và làm lơ cho hành vi bạo lực học đường tiếp tục tồn tại và lặp lại trong tương lai. Thay vào đó, nếu đang là nạn nhân của bạo lực học đường, thì các em nên lên tiếng, nên báo với thầy cô, nhà trường và phụ huynh để người lớn hỗ trợ mình giải quyết vấn đề và triệt để ngăn chặn điều đó tiếp diễn trong tương lai, chẳng có gì phải sợ cả, quy định của nhà trường và pháp luật vẫn đang bảo vệ các em.
>> Sinh viên trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai thì phải làm sao?
Chung tay phòng tránh, biến trường học thành môi trường tốt đẹp
Sau khi tìm được hướng xử lý thoả đáng khi lỡ trở thành nạn nhân trong câu chuyện bạo lực học đường, thì các em học sinh/sinh viên, thầy cô, phụ huynh và toàn bộ chúng ta phải cùng nhau chung tay để phòng tránh, biến trường học trở thành môi trường tốt đẹp hơn. Về bản thân học sinh/sinh viên, các em phải tự ý thức hơn về lời nói, hành động của bản thân, tránh để xảy ra những câu chuyện gây hiểu lầm, khiến phát sinh mâu thuẫn, xích mích với bạn khác. Hoặc nếu lỡ bạn bè xung quanh có làm gì sai, có lỗi, gây thiệt hại cho mình, thì các em cũng nên bình tĩnh tìm hướng xử lý sao cho thoả đáng hơn, chứ đừng dùng bạo lực học đường để giải quyết vấn đề. Hãy tập trung vào chuyện học tập hơn là những chuyện bên lề.
Còn ở phía thầy cô, phụ huynh và những người lớn nói chung, hãy cố gắng giáo dục về đạo đức, chú ý tới những suy nghĩ, hành động của con em mình để kịp thời điều chỉnh lại nếu thấy có những điểm bất thường, hoặc thấy có xu hướng phát sinh bạo lực. Mặc dù công việc bận rộn đến đâu, thì vẫn nên dành thời gian để quan sát, đồng hành, tâm sự cùng với thế hệ con em của mình, để định hình về tư duy, lời nói, hành động của các em theo chiều hướng tích cực. Hãy chung tay phòng tránh, tránh để xảy ra các trường hợp mâu thuẫn, bạo lực học đường trong tương lai.
Bài viết này đã giúp học sinh/sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng lỡ mình trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì phải làm sao, đồng thời, kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi hành động xấu ấy, biến trường học trở thành môi trường tốt đẹp hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Những lý do khiến sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường trễ
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.