Khi đi học, nếu bị điểm thấp thì sinh viên phải tự chịu trách nhiệm với điều đó, vì các em đã đủ lớn, đủ để hiểu chuyện và tự có trách nhiệm với mọi hành động, mọi kết quả do mình tạo ra. Vốn dĩ điểm thấp đã khiến sinh viên cực kỳ đau đầu, áp lực, vì nó có khả năng ảnh hưởng xấu tới xếp loại tốt nghiệp sau này, vậy mà các em còn phải đối mặt với áp lực từ phía các bậc phụ huynh, lại càng khiến mình mệt mỏi hơn. Vậy bị phụ huynh trách mắng vì điểm thấp thì phải làm sao?
>> Sinh viên lười biếng, ham chơi thì phải làm sao để thay đổi?
Những lý do khiến sinh viên đại học bị điểm thấp
Điểm thấp là điều không sinh viên nào mong muốn, đồng ý rằng vẫn có những tác động chủ quan, chẳng hạn như vì môn học khó, kiến thức phức tạp, nội dung ôn tập quá rộng, đề thi khó, nhiều chỗ gài bẫy, giảng viên chấm khó, cho điểm khó,… Tuy nhiên, sinh viên đại học cần hiểu rằng bên cạnh những lý do khách quan ấy, thì phần lớn nguyên nhân khiến mình bị điểm thấp vẫn nằm ở chính bản thân chúng ta, chứ không thể cứ đổ lỗi tại cái này, vì cái kia, không nên có thói quen đổ lỗi như thế, đừng để nó trở thành một thói quen khó bỏ và tiếp diễn khi đi làm sau này. Dưới đây là những lý do khiến sinh viên đại học bị điểm thấp, xuất phát từ chính bản thân các em:
- Không đảm bảo chuyên cần, thường cúp học, đi trễ, về sớm;
- Không tập trung nghe giảng, lo làm việc riêng, tám chuyện, chơi game, ăn vụng, ngủ gật trong giờ học;
- Lười biếng, không chịu làm bài tập về nhà, hoặc làm đại cho có, cho xong, mượn vở bạn chép lại bài giải;
- Không chịu ôn lại bài sau mỗi buổi học, có chỗ nào chưa hiểu cũng kệ, bỏ qua, không thèm hỏi lại bạn bè;
- Không ôn tập kỹ trước khi làm bài kiểm tra, bài thi, để nước tới chân mới nhảy, học tủ, học vẹt cho qua chuyện;
- Chủ quan, thiếu tập trung, không dò lại khi làm bài kiểm tra, bài thi, để xảy ra sai sót, mất điểm;
- Không xem trọng việc học, ham chơi hơn ham học, đi học như đang bị bắt ép…
Vì sao phụ huynh trách mắng khi con mình điểm thấp?
Có bao giờ các em tự hỏi rằng vì sao phụ huynh thường trách mắng khi con mình điểm thấp không? Câu trả lời sẽ xoay quanh 2 lý do chính. Đầu tiên, phụ huynh sẽ tự đặt kỳ vọng cao cho các em, mong muốn các em sẽ học tốt, học giỏi như con nhà người ta, tự lấy một số hình mẫu hoàn hảo để đặt mục tiêu cho con mình, và hy vọng rằng con mình sẽ tập trung, cố gắng học tập để đạt được thành tích, điểm số như họ đang kỳ vọng. Còn nếu các em học hành chểnh mảng, ham chơi hơn ham học, bị điểm thấp, khiến phụ huynh thất vọng, thì họ sẽ trách mắng như một phản xạ tự nhiên. Lý do thứ hai chính là vì quan niệm từ xưa rằng các bậc cha mẹ phải nghiêm khắc, cứng rắn dạy dỗ thì con cái mới nên người, mới học giỏi, mới có kết quả học tập tốt. Chính vì thế, nếu thấy con mình bị điểm thấp, thì phụ huynh sẽ ngay lập tức trách mắng, gây áp lực, để các em sợ và cố gắng tập trung, học hành nghiêm túc hơn trong tương lai để cải thiện kết quả điểm số.
>> Phải làm sao khi bị phụ huynh so sánh với con nhà người ta?
Bị phụ huynh trách mắng vì điểm thấp thì phải làm sao?
Vốn dĩ đang buồn vì bị điểm thấp, vậy mà sinh viên còn bị phụ huynh trách mắng, thì lại càng buồn thêm, càng áp lực, mệt mỏi, chán nản nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu cứ mãi mang tâm lý u sầu, tiêu cực như thế thì cũng chẳng giải quyết được gì. Chuyện học hành chỉ là một trong những thử thách đầu tiên trước khi sinh viên bước vào đời, sau này ra trường đi làm, mình còn phải tiếp tục đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách khác, áp lực hơn, căng thẳng hơn nhiều.
Khi bị phụ huynh trách mắng vì bị điểm thấp, các em phải biết chấp nhận điều đó, vì lỗi do mình gây ra thì mình phải tự chịu trách nhiệm và tự tìm cách khắc phục, phòng tránh để trong tương lai mình không bị điểm thấp nữa, không để phụ huynh phải phiền lòng, phải đi trách mắng mình nữa. Cách đơn giản nhất để xoay chuyển tình thế chính là sinh viên hãy nhìn lại xem mình đang mắc phải những nguyên nhân nào, như đã làm rõ ở phần đầu bài viết, rồi từ đó mình sẽ dần khắc phục, thay đổi bản thân, phải tập trung và nghiêm túc hơn trong học tập. Tất nhiên, các em không thể lội ngược dòng ngay lập tức, thay đổi tình thế chỉ trong một sớm một chiều, điều quan trọng là mình phải vững tin và kiên trì, sau một thời gian nhìn lại sẽ thấy mình đã thay đổi, tiến bộ hơn nhiều theo chiều hướng tích cực. Hãy nhớ rằng đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ chán ghét bản thân, cho rằng mình yếu kém, bất tài, vô dụng, thay vào đó, hãy cố gắng mỗi ngày, tin rằng mình sẽ làm được.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng bị phụ huynh trách mắng vì điểm thấp thì phải làm sao, đồng thời, gợi ý cách giúp các em cải thiện kết quả học tập trong tương lai. Chúc các em học tốt!
>> Thầy cô có quyền lớn tiếng chửi mắng sinh viên không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.