Các Loại Học Phần Ở Đại Học Mà Sinh Viên Cần Phân Biệt Kỹ

Học phần là cách gọi khác của môn học, khi lên đại học, chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp cụm từ “học phần”, điều này có thể lạ lẫm đối với tân sinh viên, nhưng dần dần các em sẽ quen và chủ động sử dụng thuật ngữ ấy nhiều hơn. Khi đăng ký học phần vào đầu mỗi học kỳ, sinh viên thường sẽ phải tiếp xúc thêm với nhiều khái niệm khác, đó là các loại học phần với những tên gọi khác nhau, nếu chưa tìm hiểu kỹ thì sinh viên sẽ dễ bị nhầm lẫn và gây khó khăn cho các em trong quá trình đăng ký học phần. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời điểm qua các loại học phần ở đại học mà sinh viên cần phân biệt kỹ:

>> Học phần là gì? Sinh viên đăng ký học phần như thế nào?

1. Loại học phần bắt buộc phải đăng ký

Khi tìm hiểu về các loại học phần ở đại học, sinh viên chắc chắn sẽ bắt gặp ngay khái niệm về học phần bắt buộc, vì thật ra đa số môn học của mình đều sẽ là học phần bắt buộc, chúng thường chiếm tới khoảng 80% số lượng học phần trong chương trình học. Học phần bắt buộc là học phần cung cấp các nội dung kiến thức quan trọng, cần thiết của chương trình học, và bắt buộc toàn bộ sinh viên phải đăng ký học, không được thay thế bằng các học phần khác. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên đại học sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phải đối diện và vượt qua toàn bộ các học phần bắt buộc, cho dù có những môn cực khó, với kiến thức phức tạp, tỷ lệ rớt môn cao, giảng viên khó, thì mình vẫn phải đăng ký học, vì đây là yêu cầu bắt buộc, là quy định chung của Bộ giáo dục & đào tạo, áp dụng cho tất cả trường đại học. Nếu lỡ bị rớt môn, mà đó là học phần bắt buộc, thì sinh viên phải học lại môn đó, qua môn, thì mới đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp.

2. Học phần tự chọn – chỉ cần tích luỹ đủ số học phần

Khác với học phần bắt buộc chính là học phần tự chọn. Nếu sinh viên hiểu theo nghĩa trái ngược hoàn toàn, tức là cho rằng học phần tự chọn thì học hay không cũng được, tuỳ thích, nếu không thích học, mình có thể bỏ qua hết, thì đó là khái niệm về học phần tự chọn tự do.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số trường đại học sẽ sử dụng khái niệm “học phần tự chọn” để chỉ các học phần tự chọn bắt buộc, tức là sinh viên được quyền chọn học hay không cũng được, tuy nhiên, các em không thể bỏ qua tất cả học phần tự chọn, mà bắt buộc phải học và tích luỹ đủ số lượng học phần theo quy định của nhà trường, của chương trình học, vì chúng cung cấp các kiến thức cần thiết mà sinh viên nên biết, nên nắm bắt, chứ không thể bỏ qua, không học môn nào.

Chẳng hạn như trong toàn bộ chương trình học có tổng cộng 8 học phần tự chọn, nhà trường yêu cầu sinh viên tích luỹ tối thiểu 4 học phần, thì các em cần lựa chọn ra 4 học phần để mình học, việc lựa chọn có thể sẽ dưới sự hướng dẫn của nhà trường, hoặc cũng có thể tuỳ theo quyết định của sinh viên. Nếu sinh viên bị rớt môn tự chọn, các em có thể học lại đúng môn đó, hoặc đổi sang học môn tự chọn khác cũng được, miễn sao cuối cùng mình tích luỹ đủ số học phần tự chọn mà nhà trường yêu cầu là được.

>> Đăng ký học phần có khó không, sinh viên cần làm các bước nào?

3. Loại học phần tiên quyết, cần học theo đúng thứ tự

Khi lần đầu đăng ký học phần, sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái hoang mang khi bắt gặp khái niệm “học phần tiên quyết”, nếu chưa hiểu rõ được ý nghĩa của nó, thì các em sẽ bị rối, vì thấy trên hệ thống không cho mình đăng ký, cứ hiện lên thông báo rằng chưa hoàn thành học phần tiên quyết nên chưa thể đăng ký môn này… Vậy là sao ta?

Thật ra, kiến thức ở đại học sẽ có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nhất là ở các môn chuyên ngành, thường sẽ xảy ra trường hợp môn A sẽ cung cấp kiến thức nền tảng cho môn B, hoặc môn C sẽ bao hàm những kiến thức cơ bản mà sinh viên cần nắm, cần hiểu rõ thì mới có thể học tốt môn D. Chính vì thế mà khái niệm học phần tiên quyết được ra đời, đó chính là những học phần mà sinh viên cần phải học, phải hoàn thành trước khi đăng ký một học phần khác liên quan tới nó. Thông thường, trong chương trình học sẽ liệt kê sẵn danh sách các học phần tiên quyết để sinh viên nắm bắt và đăng ký lịch học sao cho chính xác, đúng thứ tự. Chẳng hạn như học phần A là học phần tiên quyết của học phần B, thì sinh viên cần phải học xong học phần A thì mới được đăng ký học phần B, không được đăng ký ngược lại, và cũng không được đăng ký học cùng lúc trong cùng 1 học kỳ.

4. Loại học phần tương đương

Mặc dù không quá phổ biến, nhưng sinh viên cũng có thể sẽ được nghe tới khái niệm về học phần tương đương, nên các em cũng cần phải nắm bắt để phân biệt khi gặp phải. Học phần tương đương là một nhóm học phần của một chuyên ngành A đang được đào tạo tại trường, được phép học để thay thế cho một nhóm học phần của chuyên ngành B, đây là nhóm học phần có sự tương đồng nội dung tối thiểu là 80%, và học phần tương đương phải có số lượng tín chỉ bằng hoặc nhiều hơn so với học phần ban đầu. Có thể hiểu nôm na rằng nếu có 2 nhóm học phần tương đương, thì sinh viên có thể lựa chọn học 1 trong 2, đều có giá trị tương đương nhau.

5. Loại học phần thay thế ở đại học

Học phần thay thế cũng là khái niệm mà sinh viên có thể sẽ gặp phải, đây là học phần được sử dụng để thay thế cho một học phần có trong chương trình đào tạo nhưng hiện nay không còn được nhà trường tổ chức giảng dạy nữa, hoặc khái niệm này cũng có thể dùng trong trường hợp sinh viên rớt môn tự chọn, rồi đăng ký một học phần tự chọn khác để học, để thay thế, chứ không học lại môn tự chọn mà mình đã bị rớt.

Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được rõ định nghĩa và cách phân biệt kỹ các loại học phần ở đại học để thuận lợi hơn khi đăng ký học phần. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Thời hạn rút bớt học phần đã đăng ký trong vòng bao lâu?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?