5 Lầm Tưởng Của Sinh Viên Về Việc Học Cải Thiện

Học cải thiện là điều khá phổ biến ở đại học, là cơ hội để sinh viên nâng cao điểm số, kéo điểm trung bình tích luỹ lên và củng cố kiến thức môn học. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu học cải thiện thì sinh viên cần đảm bảo rằng mình đã hiểu rõ, hiểu đúng về nó, tránh những lầm tưởng khiến mình chưa hình dung chính xác, dễ đưa ra những quyết định chủ quan, sai lầm. Dưới đây là 5 lầm tưởng của sinh viên về việc học cải thiện:

>> Học cải thiện có phải cuộc đua điểm số của con nhà giàu?

Học cải thiện nhiều sẽ bị hạ bằng đại học

Nhiều sinh viên cho rằng không nên học cải thiện nhiều, vì nếu học cải thiện nhiều quá sẽ bị hạ bằng đại học. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào quy định của từng trường đại học, đa số các trường sẽ cho phép sinh viên học cải thiện nhiều mà không ảnh hưởng gì, không bị hạ bằng đại học. Ngoài ra, chuyện hạ bằng đại học cũng chỉ áp dụng với các bạn sinh viên đạt loại giỏi, xuât sắc, còn nếu các em chỉ nhắm tới xếp loại khá trở xuống, thì sẽ chẳng phải lo lắng về chuyện bị hạ bằng. Cụ thể hơn, theo quy định, nếu sinh viên học lại quá 5% số tín chỉ của chương trình học, thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, áp dụng với xếp loại giỏi, xuất sắc. Đa số trường đại học sẽ tính riêng 5% này cho phần tín chỉ sinh viên phải học lại vì rớt môn, không bao gồm việc học cải thiện, tuy nhiên, cũng có một số trường có thể tính luôn học cải thiện vào. Để có thông tin chính xác nhất, sinh viên cần liên hệ phòng đào tạo của trường hoặc xem thông tin chính thức trên website trường mình đang học.

Điểm B, điểm C cũng đăng ký học cải thiện được

Nhiều sinh viên lầm tưởng rằng học cải thiện là cơ hội để nâng cao điểm số, nếu thấy môn nào điểm không như kỳ vọng, mà muốn học lại để kéo điểm lên, thì các em chỉ cần đăng ký, đóng học phí đầy đủ, rồi đi học thôi. Lúc trước anh cũng nghĩ như thế, mà trong suốt 4 năm đại học, anh cũng chưa bao giờ học cải thiện, nên mãi tới khi ra trường vẫn còn nhầm lẫn về vấn đề này. Tuy nhiên, trong thực tế, đa số trường đại học chỉ cho phép học cải thiện khi sinh viên đạt điểm D, D+, tương đương trong khoảng 4.0 – 5.4 trên thang điểm 10, chứ sẽ không giải quyết chuyện học cải thiện cho các môn mà sinh viên đã đạt điểm A, B, C. Chính vì thế, sẽ có trường hợp chỉ cách nhau có 0.1, chẳng hạn như 5.4 vẫn được học cải thiện, nhưng 5.5 thì không, nhưng quy định đã vậy rồi thì sinh viên đành chấp nhận thôi, các em có thể cân nhắc đăng ký học cải thiện trong các môn điểm D, D+ của mình, đỡ phải mất thời gian loay hoay học lại những môn mà mình đã đạt kết quả A, B, C.

>> Dựa vào đâu để cân nhắc học cải thiện điểm ở đại học?

Học cải thiện mặc định lấy kết quả lần học sau cùng

Có nhiều sinh viên lầm tưởng rằng khi học cải thiện thì sẽ mặc định lấy kết quả của lần học sau cùng, tức là ngay khi đăng ký học cải thiện môn nào, thì điểm cũ của môn đó sẽ được xoá ngay lập tức, và sẽ lấy theo điểm số mới mà sinh viên đạt được sau khi học cải thiện. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong khoảng từ năm 2019 trở về trước, còn hiện nay thì đa số trường đại học sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được lấy điểm cao nhất trong các lần học cải thiện của mình. Tức là sinh viên không còn phải lo lắng rằng nếu học cải thiện điểm kém sẽ kéo điểm xuống nữa, mà cho dù điểm có tệ hơn lúc đầu, thì vẫn có thể lấy lại điểm lúc đầu, nhưng các em cũng đừng vì thế mà chủ quan, học hành chểnh mảng, mình đã tốn tiền, tốn công, tốn thời gian học cải thiện thì phải luôn tập trung, nỗ lực và cố gắng mang về kết quả tốt nhất có thể.

Mỗi học kỳ, học cải thiện bao nhiêu môn cũng được

Khi đã bước sang năm cuối, nhưng thấy điểm trung bình tích luỹ vẫn còn thấp, chưa đạt như mong đợi, thì nhiều sinh viên đã quyết định đăng ký học cải thiện tận 3-4 môn cho 1 học kỳ, nhưng rồi cuối cùng bị nhà trường từ chối, vì thật ra sinh viên chỉ được học cải thiện tối đa 10 tín chỉ đối với học kỳ chính, và tối đa 5 tín chỉ với học kỳ phụ, chứ không phải mình muốn đăng ký học cải thiện bao nhiêu môn cho mỗi học kỳ cũng được. Nếu các em đăng ký học 4 môn 3 tín chỉ, thì tổng đã lên tới 12 tín chỉ, vượt quá số lượng quy định, và sẽ không được chấp nhận.

Đây cũng là quy định nhằm đảm bảo chất lượng học tập và kết quả điểm số của sinh viên, vì bên cạnh các môn học cải thiện này, thì sinh viên cũng cần phải học các môn khác trong chương trình nữa, mà nếu đăng ký cải thiện quá nhiều tín chỉ, thì khả năng cao rằng các em sẽ bị quá tải kiến thức, tẩu hoả nhập ma, ngay cả các bạn có năng lực học tập tốt, học lực giỏi cũng phải ngán ngẩm với lượng kiến thức khó nhằn ở năm cuối, huống hồ gì chúng ta chỉ là những người có điểm trung bình tích luỹ chưa tốt, đang muốn học cải thiện để gỡ gạc điểm số.

>> Học cải thiện bao nhiêu tiền, học phí có mắc hơn không?

Mỗi môn chỉ được đăng ký học cải thiện 1 lần

Không ai muốn đối diện với một môn học khó quá nhiều lần, nhất là khi mình đã từng bị điểm kém, có kết quả học tập không tốt, và bản chất kiến thức của môn ấy cũng cực kỳ phức tạp, nghĩ tới thôi là thấy ám ảnh, đau đầu, áp lực rồi. Chính vì thế, nhiều sinh viên cũng mặc định rằng mỗi môn chỉ được đăng ký học cải thiện 1 lần, chỉ có 1 cơ hội để gỡ gạc điểm số thôi, nếu học không tốt, tiếp tục bị điểm kém thì phải chấp nhận, không được học thêm tiếp nữa.

Tuy nhiên, đây cũng là một điều mà sinh viên lầm tưởng, vì thực chất, trường đại học sẽ không giới hạn số lần học cải thiện của mỗi môn, sinh viên đăng ký học cải thiện lần 2, lần 3 cũng được, miễn sao đáp ứng đúng quy định rằng điểm trung bình môn học đang ở loại D, D+, trong khoảng 4.0 – 5.4 trên thang điểm 10. Mặc dù chuyện lầm tưởng rằng mỗi môn chỉ được đăng ký học cải thiện 1 lần cũng giúp sinh viên nghiêm túc hơn, tập trung hơn cho lần học cải thiện đầu tiên, để tăng cơ hội đạt kết quả tốt, nhưng dù sao đi nữa thì đây cũng là một lầm tưởng, các em cần phải nắm bắt thông tin chính xác để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, lỡ sau này có môn nào cần cải thiện 2-3 lần thì mình cứ sử dụng quyền này.

Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được 5 lầm tưởng thường gặp về việc học cải thiện, và giải thích cách hiểu sao cho đúng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Mình học được gì khi lần đầu học cải thiện để nâng điểm trung bình?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?