Khi lên đại học, cách học và thi sẽ khác so với hồi cấp 3, vì thế, để có kết quả học tập tốt thì sinh viên phải chủ động hơn, linh hoạt hơn trong cách ghi chép bài, làm bài tập và giải đề. Liên quan tới chuyện ghi chép bài, thì nhiều bạn sinh viên thắc mắc không biết nên ghi chép thế nào cho dễ hiểu, dễ nhớ, giúp mình học hiệu quả hơn? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu cách ghi chép bài ngắn gọn, thông minh, giúp sinh viên nắm chắc kiến thức.
>> Cách chia nhỏ kiến thức & thời gian để học hiệu quả
Không nên ghi chép hết tất cả mọi thứ
Một trong những lầm tưởng khá phổ biến của tân sinh viên chính là các em nghĩ rằng để học tốt, tiếp thu kiến thức ở đại học, thì mình cần phải ghi chép hết tất cả mọi thứ, trong lớp thấy giảng viên nói gì, giảng gì, thì tự động ghi lại toàn bộ, nhìn vào cuốn vở của mình lúc nào cũng chi chít chữ, thì sẽ thấy yên tâm hơn.
Đúng là ghi chép bài đầy đủ sẽ giúp sinh viên yên tâm hơn, nhưng điều đó chưa chắc sẽ giúp các em hiểu bài, nắm chắc kiến thức và đạt điểm cao, vì tới lúc ôn tập, ôn thi, các em sẽ bị tẩu hoả nhập ma khi có quá nhiều kiến thức, vừa slide, vừa giáo trình, vừa chi chít chữ trong vở, thì ôn làm sao cho hết, sao mà có đủ thời gian để nghía hết toàn bộ nội dung ấy? Chuyện ghi chép bài là để sinh viên thuận lợi hơn, dễ dàng hơn khi ôn tập, sao cho các em có thể nhìn vào đó để nắm vững các kiến thức trọng tâm, các lưu ý quan trọng của môn học, chứ các em không nên ghi chép hết tất cả mọi thứ, vừa mệt mỏi, mất thời gian, mà sau này nhìn vào sẽ thấy tẩu hoả nhập ma chứ chẳng giúp ích được gì.
Không cần chép những điều đã có trong slide/giáo trình
Để tránh mất thời gian, sinh viên không cần phải chép lại những điều đã có sẵn trong slide, giáo trình, hoặc nếu có ghi chép thì mình cũng sẽ ghi theo cách hiểu của các em, chứ không nên chép y nguyên những nội dung đã có trong sách, vì điều đó chẳng giúp ích gì cho việc ôn tập sau này. Nhiều người cho rằng 1 lần ghi chép là 1 lần nhớ, cũng góp phần giúp sinh viên nhớ bài kỹ hơn, điều này cũng có ý đúng, nhưng thật ra chuyện ghi chép 1 lần cũng chẳng tác động quá nhiều, nếu chăm chép bài nhưng thật sự chưa hiểu bài thì các em cũng vẫn dễ bị quên bài, tầm 1-2 tuần là quên hết trơn, nên quan trọng nhất vẫn là phải hiểu kiến thức và ghi chép theo cách hiểu của mình.
>> Tự học vào buổi sáng hay buổi tối sẽ tiếp thu tốt hơn?
Nên ghi chép bài theo các từ khoá trọng tâm, ngắn gọn
Ở đại học, giảng viên sẽ giảng bài liên tục, sinh viên chủ động phân bổ thời gian xem mình sẽ ghi chép những gì, chứ sẽ không có hình thức giáo viên đọc, rồi chừa thời gian để sinh viên ghi chép từng câu từng chữ như các lớp dưới. Chính vì thế, bên cạnh chuyện ghi chép bài, thì sinh viên cũng phải dành thời gian để tập trung lắng nghe giảng, để mình hiểu bài, nắm kiến thức, chứ nếu chỉ cắm cúi viết bài thì sẽ bỏ lỡ bài giảng, mà thật ra bài giảng cũng sẽ khá dài, chắc chắn các em sẽ không ghi chép hết được. Vì thế, để ghi chép bài một cách thông minh, sinh viên nên viết lại theo các từ khoá trọng tâm, một cách súc tích, ngắn gọn, note lại các nội dung chính, các ý quan trọng mà giảng viên hay nhắc đi nhắc lại. Đó sẽ là cơ sở, là key word giúp sinh viên ôn tập nhanh chóng và hiệu quả hơn khi gần tới kỳ thi.
Nên ghi chép các ví dụ, dẫn chứng trong bài giảng
Nếu chỉ cần đọc slide, đọc giáo trình mà có thể tự hiểu bài, thì sinh viên không cần phải đi học làm chi cho mệt. Thực tế, các kiến thức ở đại học sẽ rất nặng, phức tạp, đòi hỏi sinh viên phải đi học đầy đủ, phải lắng nghe những ví dụ, dẫn chứng thực tiễn trong bài giảng, thì mới có thể hiểu bài, nắm vững kiến thức và biết cách ứng dụng chúng. Vì thế, nếu ghi chép bài một cách thông minh, thì sinh viên nên ghi lại các ví dụ, dẫn chứng mà giảng viên đã đưa ra trong quá trình giảng bài. Đây là điều cực kỳ thiết thực và cần thiết, sinh viên phải đóng tiền học phí, tốn công sức, thời gian đi học, là để được nghe, được thẩm thấu kiến thức từ các ví dụ thực tiễn này.
>> Hướng dẫn cách vẽ sơ đồ tư duy mind map đơn giản, dễ hiểu
Sử dụng sơ đồ tư duy mind map khi ghi ghép bài
Nếu muốn hệ thống hoá kiến thức, nắm được sự liên kết, tương quan giữa các nội dung, trọng tâm kiến thức của môn học với nhau, thì sinh viên có thể tham khảo cách ghi chép bài bằng sơ đồ tư duy mind map. Đây cũng là một cách ghi chép bài được sử dụng khá phổ biến ở đại học, các kiến thức sẽ được ghi chép ngắn gọn, thể hiện được mối liên hệ với nhau theo từng nhánh, có nhánh chính, nhánh phụ để phân biệt rõ ràng xem đâu là ý lớn, đâu là nội dung nhỏ. Ngoài ra, khi dùng sơ đồ tư duy mind map thì lúc ôn tập, ôn bài, sinh viên cũng sẽ thấy thoải mái hơn, đơn giản hơn.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được cách ghi chép bài ngắn gọn, thông minh, nắm chắc kiến thức. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.