Khi mới lên đại học, bên cạnh chủ đề liên quan tới chuyên ngành, tới môn học, cách giảng dạy, thì sinh viên cũng cực kỳ quan tâm tới cách chấm điểm và tính điểm ở đại học, nhất là những bạn đặt mục tiêu tốt nghiệp ra trường loại giỏi thì sẽ càng quan tâm nhiều hơn, để mình biết rõ và follow luôn ngay từ học kỳ đầu tiên. Vậy cách tính điểm ở đại học có giống hồi cấp 3 không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Đại học có kiểm tra miệng không?
Ở cấp 3 có một thành phần điểm cực kỳ quen thuộc, khiến sinh viên cực kỳ lo lắng, áp lực vào đầu các buổi học, đó chính là điểm kiểm tra miệng. Tức là giảng viên sẽ gọi ngẫu nhiên 1-2 bạn lên trước lớp để khảo bài cũ, có thể gọi theo tên, theo số thứ tự, danh sách lớp hoặc nhìn mặt chỉ điểm, nên các em sẽ không lường trước được, nhiều khi tuần trước mình vừa bị kiểm tra miệng rồi, mà hôm nay vẫn có thể bị gọi tiếp, vì nó mang tính ngẫu nhiên mà, đâu có đoán hay biết trước được.
Khi lên đại học, đa số giảng viên sẽ không có kiểm tra miệng đầu giờ, tức là sinh viên có thể tạm thở phào nhẹ nhõm, vì mình không bị gọi lên bảng khảo bài bất chợt, đỡ bị run, đỡ bị quê trước cả lớp khi lỡ không thuộc bài, và cũng không lo chuyện kiểm tra miệng bị điểm kém sẽ kéo điểm môn học xuống. Tuy nhiên, các em cũng không nên vội mừng, vì vẫn còn khá nhiều phần điểm khác cũng khó khăn và thử thách không kém phần kiểm tra miệng đâu. Vậy ở đại học sẽ có thêm các phần điểm nào để tính điểm môn học?
Ở đại học có thêm các phần điểm nào?
Tuỳ cách tính điểm của từng giảng viên, mà các môn học ở đại học sẽ có thêm các phần điểm khác nhau, nhưng thường sẽ là điểm chuyên cần, điểm thuyết trình, điểm bài tiểu luận, đây là 3 phần điểm mới mà hầu như sinh viên chưa từng tiếp xúc khi các em học cấp 2, cấp 3. Điểm chuyên cần là phần dễ lấy điểm nhất, thường chiếm khoảng 10% khi tính điểm ở đại học, sinh viên chỉ cần đi học đầy đủ, có mặt trong lớp từ đầu tới cuối giờ để cho dù giảng viên điểm danh vào bất kỳ lúc nào thì mình cũng đều có mặt trong lớp, chứ nếu vắng thì sinh viên sẽ bị trừ điểm chuyên cần.
Điểm bài thuyết trình là trường hợp sinh viên được chia nhóm để cùng nhau làm bài thuyết trình về chủ đề liên quan tới môn học, cả nhóm sẽ cùng phân chia công việc, tổng hợp nội dung, thảo luận, làm slide, tập dượt thuyết trình sao cho ăn ý, rồi tới đúng ngày thuyết trình trước lớp phải cố gắng làm thật tốt để lấy điểm, và đây là một thử thách được sinh viên đại học đánh giá là rất khó, nhất là với những bạn tân sinh viên lần đầu làm thuyết trình nhóm. Điểm bài tiểu luận cũng có độ khó tương đương với bài thuyết trình, điểm khác biệt ở chỗ là sinh viên sẽ chỉ cần tổng hợp nội dung để hoàn chỉnh bài tiểu luận rồi nộp cho giảng viên, chứ không cần phải làm slide, không cần thuyết trình trước lớp, tuy nhiên, xét về tính chuyên môn và chiều sâu của kiến thức, thì bài tiểu luận sẽ đòi hỏi cao hơn, nếu muốn được điểm cao thì sinh viên phải dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn.
Cách tính điểm ở đại học có giống hồi cấp 3 không?
Sau khi tìm hiểu các phần điểm mới mà ở đại học sẽ có, sẽ khác với hồi cấp 3, thì bây giờ chúng ta sẽ cùng giải đáp băn khoăn được nêu ra ở đầu bài viết, rằng cách tính điểm ở đại học có giống với hồi cấp 3 không? Câu trả lời là cũng tương tự trong cách tính điểm môn học, nhưng còn điểm trung bình tích luỹ thì sẽ khác. Đối với điểm từng môn học, hồi cấp 3 sẽ được tính từ các thành phần điểm nhỏ, chẳng hạn như điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, điểm thi cuối kỳ, thì khi lên đại học cũng như thế, chỉ khác ở các thành phần bên trong, thường sẽ bao gồm điểm chuyên cần, điểm thuyết trình, điểm tiểu luận, điểm kiểm tra giữa kỳ, điểm thi cuối kỳ. Điểm thi cuối kỳ ở đại học sẽ chiếm trọng số khoảng 50% – 60%, các phần điểm còn lại sẽ được tính thành điểm quá trình, chiếm tầm 40% – 50%.
Còn về điểm trung bình tích luỹ ở đại học, đó là mức điểm phản ánh kết quả học tập của sinh viên tới thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như hiện tại sinh viên đã hoàn thành 10 môn, thì đó sẽ là điểm tích luỹ của 10 môn, nhưng sang năm sau nếu sinh viên hoàn thành xong 20 môn, thì điểm đó sẽ tính lại cho 20 môn. Và hồi cấp 3 chỉ đơn thuần học xong năm nào là chốt điểm năm đó luôn, chứ không có điểm trung bình tích luỹ để tính chung cho cả 3 năm cấp 3. Về cách tính điểm trung bình tích luỹ thì cũng khá hack não, khiến nhiều bạn tân sinh viên cảm thấy rối rắm, chứ cũng không dễ hiểu như các tính điểm tổng kết học kỳ, tổng kết năm học hồi cấp 3. Cụ thể hơn về cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học, sinh viên có thể tham khảo tại đây.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng cách tính điểm ở đại học có giống hồi cấp 3 không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.