Tại sao một số sinh viên luôn được thầy cô giảng viên nhớ mặt, nhớ tên và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết? Trong môi trường đại học, việc xây dựng mối quan hệ tốt với giảng viên là điều cần thiết, không phải để lấy lòng, mua chuộc để được chấm điểm cao, mà đơn giản rằng điều đó sẽ giúp sinh viên học & nắm vững kiến thức tốt hơn, kèm theo nhiều lợi ích lâu dài trong sự nghiệp. Nhưng làm cách nào để kết nối, xây dựng mối quan hệ với thầy cô giảng viên lại là điều không phải sinh viên nào cũng làm được, dưới đây là một số gợi ý dành cho các em!
>> Sinh viên thân với giảng viên để làm gì, có lợi gì không?
Lịch sự – lễ phép khi giao tiếp với giảng viên
Tiên học lễ – hậu học văn, đó không chỉ là phép lịch sự, tôn trọng thầy cô theo tinh thần tôn sư trọng đạo, mà đây cũng là tiêu chí tiên quyết để giúp sinh viên xây dựng mối quan hệ với giảng viên. Tức là mỗi khi gặp thầy cô ở trong lớp, trong khuôn viên trường hay ở bất kỳ đâu, thì các em hãy luôn chào hỏi lịch sự, nói chuyện lễ phép, dạ vâng, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, với tông giọng phù hợp. Đây không phải là một hành động thảo mai để lấy lòng, mà nó là một phép lịch sự khi giao tiếp với người lớn tuổi hơn, đặc biệt khi đây cũng là người thầy, người cô đã tận tâm giảng dạy cho sinh viên nhiều kiến thức hữu ích, quan trọng.
Xây dựng mối quan hệ bằng tinh thần ham học hỏi
Công việc chính của giảng viên là giảng dạy, giúp đỡ sinh viên trên hành trình học tập, để các em vừa đạt điểm cao vừa nắm vững kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. Vì thế, giảng viên đương nhiên sẽ có thiện cảm, muốn xây dựng mối quan hệ với những bạn sinh viên chăm chỉ, chủ động trong học tập. Hãy cho thầy cô thấy rằng mình là một bạn sinh viên ham học hỏi, yêu thích việc học, có hứng thú khi được tiếp xúc với các môn học chuyên ngành, được tiếp thu các kiến thức mới, hữu ích cho bản thân và công việc tương lai. Càng chăm chỉ, cố gắng học tập, ưu tiên chuyện học hành lên ưu tiên hàng đầu, thì sinh viên sẽ càng dễ dàng hơn trong việc kết nối và xây dựng mối quan hệ với thầy cô giảng viên.
>> Sinh viên phát biểu trong lớp có được cộng điểm không?
Thường xuyên phát biểu để tạo ấn tượng với giảng viên
Làm sao để thầy cô biết rằng mình là một bạn sinh viên chăm chỉ, yêu thích việc học, nhất là khi chỉ mới trải qua 1-2 buổi học đầu tiên trên lớp, chưa có bất kỳ bài kiểm tra, bài luận, hay điều gì để làm cơ sở đánh giá cho giảng viên? Rất đơn giản, sinh viên chỉ cần chịu khó đọc bài trước mỗi buổi học, để nắm sơ lược về kiến thức, rồi tự tin giơ tay phát biểu trong các buổi học. Chắc chắn những bạn sinh viên thường xuyên phát biểu, thảo luận, đóng góp xây dựng bài sẽ nhanh chóng tạo được ấn tượng và thiện cảm, giúp các em được thầy cô nhớ mặt, nhớ tên, dễ dàng hơn trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với giảng viên.
Nói chuyện với giảng viên về chuyên ngành, môn học
Bên cạnh việc phát biểu trên lớp, sinh viên cũng có thể kết bạn zalo (nếu giảng viên đồng ý), để trao đổi thêm về kiến thức chuyên ngành, nội dung bài học với một tần suất vừa phải. Đây là một điều tích cực, chứ không phải mình đang làm phiền giảng viên, miễn sao các em chỉ trao đổi đúng các nội dung cần thiết, trong khuôn khổ môn học, bài học, với tần suất khoảng 2-3 lần/tuần là được. Còn nếu bạn nào có nhiều thắc mắc hơn, thì có thể hỏi trực tiếp giảng viên sau mỗi buổi học, nhưng lưu ý các trao đổi phải khéo léo, rằng mình đã tập trung và nghiêm túc nghe giảng, đã hiểu được khoảng 80% kiến thức của buổi học, nhưng còn 1-2 chỗ chưa rõ nên nhờ giảng viên hướng dẫn lại. Hoặc với các môn tính toán, nếu sinh viên có cách giải khác, có ý tưởng làm bài theo hướng khác, nhưng không biết có ổn không, thì cứ mạnh dạn trao đổi, hỏi lại giảng viên thôi, đừng ngại nhé.
Khi thường xuyên tương tác trong lớp, hỏi bài và giữ kết nối với giảng viên qua Zalo hoặc các kênh giao tiếp khác, thì khả năng rất cao rằng sinh viên sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô, trở thành những cô cậu học trò lễ phép, chăm chỉ, ham học hỏi, tạo thiện cảm rất tốt trong mắt giảng viên. Sau này, khi đã tốt nghiệp ra trường, hoặc khi đã kết thúc môn học, sinh viên vẫn nên hỏi thăm, chúc mừng thầy cô trong các dịp như sinh nhật, năm mới, hoặc ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chỉ đơn giản là 1 câu chúc thay cho lời cảm ơn, tri ân thầnh cô thôi cũng đủ, không nhất thiết phải quà cáp này kia. Ngoài ra, một số bạn sinh viên đã ra trường nếu vẫn thường xuyên tương tác, giữ được mối quan hệ với giảng viên thì cũng có thể được thầy cô giới thiệu việc làm, kết nối với doanh nghiệp để có được công việc tốt.
Bài viết này đã gợi ý cho sinh viên cách xây dựng mối quan hệ với thầy cô giảng viên. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Mẫu email gửi giảng viên khi bị sai điểm môn học, điểm rèn luyện
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.