Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 18, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về chuyện phát biểu, học và ôn thi, các dạng đề thi và chuyện nghỉ quá 20% số tiết.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 16) – Rớt môn tự chọn, học lại bao nhiêu tiền?
1. Sinh viên nghỉ quá 20% số tiết học có sao không?
Nghe đồn rằng nếu nghỉ quá 20% tổng số tiết học, thì sinh viên phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực hư chuyện này thế nào, 20% số tiết học là khoảng bao nhiêu buổi? Để sinh viên vào nề nếp, kỷ luật, đa số trường đại học sẽ quy định rằng khi nghỉ quá 20% số tiết của bất kỳ môn học nào, thì sinh viên có thể bị cấm thi cuối kỳ, phải nhận điểm 0 và có nguy cơ bị rớt môn, phải học lại từ đầu. Có một số trường đại học nương tay hơn, để giảng viên bộ môn cân nhắc xem sinh viên có được thi cuối kỳ không, dù thực tế các em đã nghỉ quá 20% tổng số tiết học của môn đó. Nhưng các em cũng đừng vội mừng, vì chưa chắc giảng viên sẽ quyết định thế nào?
Để chắc ăn nhất, sinh viên nên đảm bảo chuyên cần, đi học đầy đủ, nghiêm túc, và nắm được rằng nghỉ quá 20% số tiết học là khoảng bao nhiêu buổi, để kiểm soát, tránh bị vượt qua giới hạn ấy. Chuyện 20% tiết học khoảng bao nhiêu buổi sẽ tính trên số buổi thực tế của từng môn. Chẳng hạn môn A có 12 buổi, thì 20% tiết học là 2.4 buổi, tức là nghỉ 2 buổi thì không sao, nhưng lỡ bị điểm danh vắng tới buổi thứ 3 thì tập xác định. Bên cạnh rủi ro bị cấm thi, nguy cơ rớt môn khi nghỉ học nhiều, thì còn kéo theo nhiều hậu quả khôn lường khác, khiến sinh viên trở nên lười biếng, nhác học, không hiểu bài, ra trường không nắm vững kiến thức, khó tìm việc làm.
2. Làm sao để tự tin giơ tay phát biểu ở đại học?
Nhiều sinh viên ngại ngùng, không dám giơ tay phát biểu, khi bạn khác phát biểu giống ý mình thì lại “Tiếc quá, biết vậy giơ tay phát biểu là được điểm cộng rồi” Làm sao để sinh viên tự tin phát biểu? Giơ tay phát biểu không phải chuyện hên xui may rủi, hên thì đúng, xui thì trả lời sai, mà nó sẽ phụ thuộc vào việc sinh viên có đầu tư chuẩn bị bài, đọc bài trước ở nhà hay không, nếu có sự chuẩn bị tốt thì khả năng cao rằng sẽ phát biểu đúng.
Sinh viên cũng cần lắng nghe kỹ câu hỏi, đảm bảo mình hiểu rõ, hiểu đúng câu hỏi của giảng viên, rồi mới giơ tay phát biểu, tránh trường hợp vội vàng, hấp tấp, nghe chưa kỹ, trả lời sai, lạc đề thì sẽ rất uổng. Trong trường hợp lăn tăn, nếu thấy rằng mình có 70% xác suất trả lời đúng, thì sinh viên cứ mạnh dạn giơ tay phát biểu, nếu đúng thì quá tốt, còn nếu sai cũng chẳng sao, phát biểu xây dựng bài thì chẳng ai chê cười mình cả.
>> 3 cách giúp sinh viên tự tin giơ tay phát biểu
3. Sinh viên phải làm sao để học và ôn thi hiệu quả?
- Tập trung nghe giảng, chép bài đầy đủ: Sinh viên không thể tự đọc giáo trình, tự hiểu bài mà không cần nghe giảng. Đi học giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu và nắm kiến thức chuyên ngành thông qua cách truyền đạt của giảng viên, muốn học tốt thì phải nghe giảng và chép bài đầy đủ.
- Phát biểu và hỏi những điều chưa rõ: Phát biểu xây dựng bài giúp sinh viên có cơ hội được cộng điểm, vừa củng cố kiến thức, giúp hiểu đúng nội dung bài học, tránh trường hợp hiểu lầm, hiểu lan man. Khi có điều gì chưa rõ, các em cũng cần mạnh dạn hỏi lại ngay trong buổi học.
- Làm bài tập về nhà và ôn bài mỗi ngày: Song song với chuyện học trên lớp, thì sinh viên cần chủ động, tự giác làm bài tập về nhà và ôn bài mỗi ngày. Điều này giúp các em vững kiến thức, cả lý thuyết lẫn thực hành, biết áp dụng vào bài tập, sau này ôn thi sẽ thuận lợi hơn.
- Ôn thi đúng trọng tâm, không học vẹt: Trước ngày thi, giảng viên sẽ dặn dò, khoanh vùng trọng tâm ôn tập, sinh viên cần lưu ý tập trung đúng các chủ điểm quan trọng ấy. Và khi ôn thi, cần ôn tập dàng hoàng, kỹ lưỡng, học và hiểu, không học vẹt, học tủ, ôn tập kiểu đối phó.
4. Các dạng đề thi ở đại học và cách đạt điểm cao
- Tự luận đề đóng: Những phần nào mà giáo viên không kêu bỏ thì sinh viên đều phải xem qua, có nhiều thời gian thì mình xem kỹ, không thì xem sơ sơ để nắm ý mà triển khai thêm, vì nếu không biết gì hết thì vô phòng thi chỉ ngồi khóc thôi.
- Tự luận đề mở: Đọc hết những gì trong nội dung ôn thi và phải đọc kỹ cho hiểu, không cần học thuộc. Nên highlight cho tiêu đề các phần hoặc dùng sticker nhỏ dán lòi ra ngoài sách rồi note lại để lật tài liệu cho lẹ, tránh mất thời gian loay hoay.
- Trắc nghiệm đề mở: Tương tự môn tự luận đề mở, nhưng sinh viên cần highlight và note chi tiết hơn, chú ý các nội dung nhỏ nhỏ như số liệu, %, mấy cái mà hay dễ nhầm lẫn với nhau, vì đề trắc nghiệm thường hay hỏi những thông tin này.
- Trắc nghiệm đề đóng: Dù khi không biết làm thì sinh viên có thể đánh lụi, nhưng các em vẫn phải học thuộc và học kỹ các ý trong slide bài giảng, hoặc học thêm cả trong giáo trình càng tốt, chú ý các ý mà trên lớp giảng viên hay nhắc đi nhắc lại.
- Các môn tính toán: Sinh viên cần thuộc và phân biệt kỹ tất cả công thức, tránh nhầm lẫn với nhau, sai 1 li di 1 dặm luôn. Nhớ đọc kỹ đề, tránh bị sót hoặc nhầm thông tin, lưu ý đổi đơn vị khi cần thiết, mang máy tính và tính toán cẩn thận.
Cẩm nang sinh viên tập 18 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện phát biểu, học và ôn thi, các dạng đề thi và chuyện nghỉ quá 20% số tiết. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 17) – Cách dùng Excel, PowerPoint
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.