Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 16) – Rớt Môn Tự Chọn, Học Lại Bao Nhiêu Tiền?

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 16, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về rớt môn tự chọn, học lại bao nhiêu tiền, xăng xe 1 tháng của sinh viên và các kỹ năng tin học văn phòng cần thiết.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 14) – Học tài thi phận, tốt nghiệp loại trung bình

1. Sinh viên rớt môn tự chọn có sao không?

Khi lần đầu đối diện với môn tự chọn thì sinh viên cũng sẽ khá bỡ ngỡ, chưa biết môn tự chọn là gì, chưa rõ về hình thức môn học ấy. Đồng thời, nhiều bạn cũng sẽ băn khoăn rằng sinh viên rớt môn tự chọn có sao không? Môn tự chọn là những môn học không bắt buộc. Chẳng hạn có 8 môn tự chọn, chương trình học yêu cầu tích luỹ 4 môn, thì sinh viên chỉ cần học 4 môn trong số đó. Nếu học dư ra, thì sinh viên sẽ được chọn điểm 4 môn cao nhất để tính GPA.

Nếu sinh viên học vừa đủ số lượng môn tự chọn mà chương trình học yêu cầu, thì khi rớt môn tự chọn, nó sẽ tương tự như rớt môn bình thường, phải học lại môn đó hoặc môn tự chọn khác cho đủ số lượng. Nếu sinh viên học dư ra, chẳng hạn như chỉ cần học 4 môn tự chọn, nhưng các em học tới 5 môn, thì bị rớt 1 môn tự chọn cũng không sao, mình có quyền lấy kết quả điểm số của 4 môn còn lại, không nhất thiết phải học lại môn bị rớt. 

2. Sinh viên đăng ký học lại đóng bao nhiêu tiền?

Chẳng ai muốn bị rớt môn, vì điều đó vừa ảnh hưởng tới tâm lý, ngại ngùng với bạn bè, gia đình, vừa khiến sinh viên phải mất công, mất thời gian, tốn tiền học lại nữa. Vậy sinh viên đăng ký học lại bao nhiêu tiền/môn/tín chỉ, cách tính thế nào? Số tiền học lại nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào số lượng tín chỉ của từng môn học, môn nào nhiều tín chỉ hơn thì tiền đăng ký học lại cũng sẽ nhiều hơn. Mỗi tín chỉ ở đại học cũng sẽ dao động khác nhau tuỳ theo từng trường, thường sẽ nằm trong khoảng 500.000đ/tín chỉ. 

Tuy nhiên, tiền học lại chưa chắc sẽ bằng tiền với tín chỉ học thông thường, có trường thì tiền tín chỉ học lại bằng với học thông thường, nhưng cũng có nhiều trường sẽ thu lên 120% hoặc 150%. Giả sử tiền 1 tín chỉ thường là 500.000đ, nhưng khi học lại trường sẽ thu lên 120%, và môn học có 3 tín chỉ thì tiền học lại = 500.000đ x 120% x 3 = 1.800.000đ. Còn nếu trường thu lên 150% và môn đó có 2 tín chỉ, thì tiền học lại = 500.000 x 150% x2 = 1.500.000đ. Tuỳ quy định từng trường, số môn học lại, số tín chỉ từng môn, mà sinh viên có thể tự tính số tiền học lại mà mình cần đóng là bao nhiêu. 

>> Sinh viên rớt môn học lại 10 tín chỉ có sao không?

3. Tiền xăng xe 1 tháng của sinh viên là bao nhiêu?

Chi tiêu mỗi tháng luôn là bài toán khiến sinh viên đau đầu. Bên cạnh tiền thuê phòng, ăn uống, học phí,… thì tiền xăng xe cũng là khoản chi tiêu mà sinh viên cực kỳ quan tâm, nhất là khi giá xăng ngày càng tăng cao. Vậy tiền xăng xe 1 tháng của sinh viên là bao nhiêu? Nếu sinh viên ở trọ gần trường, đi bộ tới trường, hoặc đi xe đạp, xe buýt, thì các em chẳng cần phải quan tâm tới tiền xăng xe. Tuy nhiên, đa số sinh viên đều chọn xe máy làm phương tiện di chuyển, nên các em sẽ cực kỳ lăn tăn tới số tiền đổ xăng hàng tháng. Tiền xăng xe 1 tháng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quãng đường di chuyển hàng tháng của sinh viên và giá xăng ở hiện tại. Đường tới trường càng xa, thì tiền xăng càng nhiều.

Hiện tại, 05/02/2024, giá xăng 95 đang khoảng 24.160đ/lít. Giả sử khoảng cách từ nhà đến trường là 5km, mỗi ngày đi – về là 10km, vậy mỗi tháng sinh viên sẽ di chuyển khoảng 300km để đến trường. Cộng thêm những lần đi ăn uống, đi chơi khoảng 100km. Vậy mỗi tháng di chuyển khoảng 400km. Thông thường, 1 lít xăng đi được khoảng 50km, vậy đi 400km hết khoảng 8 lít, nhân với đơn giá xăng hiện tại, sẽ ra được số tiền xăng xe di chuyển 1 tháng của sinh viên sẽ khoảng 193.000đ. Thông tin trong bài chỉ là con số ước lượng, thực tế sinh viên có thể chi tiêu nhiều hoặc ít hơn cho tiền xăng xe. Để tính tương đối chính xác tiền xăng xe 1 tháng của mình, thì sinh viên chỉ cần thay thế khoảng cách từ nhà đến trường của mình vào bài toán ở trên thôi. Nếu muốn tiết kiệm chi phí xăng xe, sinh viên nên ưu tiên thuê phòng trọ gần trường.

4. Lưu ý để thành thạo Word khi ra trường đi làm

Gõ chữ để soạn thảo văn bản trên Word thì ai cũng biết rồi, nhưng sinh viên nên học cách gõ nhanh, gõ bằng 10 ngón nữa, đó sẽ là ưu điểm lớn khi ứng tuyển các việc văn phòng phải thường xuyên đánh máy, soạn thảo văn bản. Sinh viên cũng cần biết cách format văn bản chuyên nghiệp bằng các tính năng: Headings, bullet, numbering, line spacing, in đậm, in nghiêng, gạch dưới, căn lề, đổi màu, đổi kích thước chữ, chèn hình ảnh, bảng biểu và thành thạo các phím tắt thông dụng trong Word.

Có 1 số lưu ý để định dạng văn bản Word đẹp và chuyên nghiệp như sau: Thống nhất font chữ, in đậm các tiêu đề, không sai chính tả, không lỗi định dạng, lỗi đánh máy, không để đoạn văn quá dài và nhớ dùng gạch đầu dòng hoặc bullet khi muốn liệt kê các ý. Sinh viên hãy lưu ý và tập dượt thường xuyên để nâng cao kỹ năng sử dụng Word và có thể dùng nó một cách thành thạo khi ra trường đi làm sau này nhé!

Cẩm nang sinh viên tập 16 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới rớt môn tự chọn, học lại bao nhiêu tiền, xăng xe 1 tháng của sinh viên và các kỹ năng tin học văn phòng cần thiết. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 15) – Không giữ lời hứa, bị hiểu lầm

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?