Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 19, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về cách lập mục tiêu năm mới và gợi ý thời gian biểu ngày Tết để sinh viên thuận lợi và may mắn trong năm mới.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 17) – Cách dùng Excel, PowerPoint
1. Nên làm gì vào mùng 1 Tết để may mắn cả năm?
Nhân dịp đầu năm, sinh viên thường đặt ra những mục tiêu năm mới cho bản thân, mong muốn mình sẽ có một năm mới thật nhiều may mắn, thuận lợi trong học tập. Vậy sinh viên nên làm gia vào mùng 1 Tết để may mắn cả năm? Sinh viên hãy tranh thủ ngày mùng 1 để dành những lời chúc Tết tốt đẹp nhất cho ông bà, cha mẹ, họ hàng và nhận các phong bao lì xì may mắn từ chính những người thân trong gia đình, lấy vía để gặp nhiều may mắn trong năm mới. Sinh viên nên mặc trang phục màu đỏ vào mùng 1 Tết, vừa giúp mang lại sự may mắn trong năm mới, vừa là những trang phục bắt mắt để chụp hình Tết, cho ra đời những bộ ảnh sống ảo luôn.
Sinh viên cũng nên lập mục tiêu năm mới vào mùng 1 Tết, vạch ra các mục tiêu, dự định mà mình muốn thực hiện, những thành công mình muốn gặt hái trong năm 2024 này, bao gồm chuyện học tập và phát triển bản thân. Nghe đồn rằng đầu năm chăm chỉ học thì suốt cả năm sẽ đạt kết quả học tập tốt. Sinh viên nên lấy sách vở ra học, ôn bài vào mùng 1 Tết để may mắn và thuận lợi trong học tập, tầm 1-2 tiếng thôi cũng được, thời gian còn lại tha hồ chơi Tết.
2. Gợi ý thời gian biểu 5 ngày Tết cho sinh viên
Mùng 1 là thời gian để sinh viên trau dồi kỹ năng giao tiếp, gặp mặt, trò chuyện gia đình, họ hàng, có thể là những người mà cả năm trời mới gặp lại, chọn những chủ đề quen thuộc như món ăn ngày Tết, hỏi thăm sức khoẻ, công việc, học tập,… để tự tin bắt chuyện với mọi người. Mùng 2 là dịp để sinh viên kết nối lại các mối quan hệ xung quanh. Hẹn gặp bạn bè đi chơi, nhắn tin, gọi điện, dành cho nhau những lời chúc nhân dịp năm mới. Thậm chí có những người lâu ngày chưa gặp, chưa nói chuyện, thì mình cũng có thể hỏi thăm nhân dịp năm mới.
Mùng 3 sinh viên nên dành thời gian để học, làm hết các bài tập Tết được giao. Đó cũng là một cách để giúp sinh viên không bị lãng quên kiến thức sau một kỳ nghỉ Tết dài tầm 10 ngày, và cũng giúp các em lấy vía để chăm chỉ và học tốt trong năm mới. Mùng 4 sinh viên có thể dành thời gian rảnh để học ngoại ngữ, học một số từ vựng Tiếng Anh liên quan đến ngày Tết, năm mới, hoặc đọc các bài báo, tin tức về năm mới bằng Tiếng Anh, để mình có tinh thần học ngoại ngữ và duy trì nó trong suốt cả năm. Mùng 5 sinh viên sẽ trau dồi kỹ năng quản lý thời gian, thông qua việc lập thời gian biểu học tập cho năm mới, cho học kỳ mới, để sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, các em có thể bắt tay vào guồng học tập chăm chỉ ngay lập tức, tránh bị trì hoãn vì “vẫn còn không khí Tết”.
>> Khám phá thời gian biểu một ngày của sinh viên đại học
3. Cách lập mục tiêu năm mới giúp sinh viên phát triển bản thân
Vậy là một năm nữa lại trôi qua, chúng ta lại có thêm nhiều trải nghiệm và dần hoàn thiện bản thân hơn. Trong năm mới này, các em đã đặt mục tiêu gì để mình theo đuổi chưa? Đây là cách lập mục tiêu năm mới giúp sinh viên phát triển bản thân. Hãy lựa chọn nơi yên tĩnh, mở một bản nhạc êm dịu, đảm bảo mình có thể bình tâm, tập trung và không bị xao nhãng. Chứ nếu lỡ ngồi ở một nơi ồn ào, đông đúc, thì các em sẽ bị phân tâm, không thoải mái để lập mục tiêu năm mới.
Đầu tiên, hãy chọn ra 2-3 mục tiêu chủ đạo cho năm mới, đóng vai trò tổng thể, thường sẽ bao gồm nhiều mục tiêu nhỏ bên trong, khi lần lượt đạt được những mục tiêu nhỏ, thì đồng nghĩa với việc mình sẽ đạt được mục tiêu chủ đạo. Chẳng hạn mục tiêu chủ đạo về học tập, thì bên trong đó có thể sẽ có những mục tiêu liên quan đến điểm thi, điểm trung bình môn học, trung bình học kỳ, xếp loại học lực, mục tiêu đạt học bổng và nắm vững kiến thức chuyên ngành.
Hãy cụ thể hoá từng mục tiêu nhỏ, bao gồm các con số để đo lường, kèm theo các mốc thời gian deadline cần follow, không nên để mục tiêu một cách chung chung, không rõ ràng, chẳng có cơ sở để đo lường, thì sẽ khó lòng đạt được. Sau khi đã thiết lập đầy đủ mục tiêu, sinh viên cần nhìn lại xem có hợp lý chưa, có đúng với những gì mà mình mong muốn sẽ đạt được không, hãy điều chỉnh để có những mục tiêu phù hợp và giúp mình phát triển bản thân nhiều nhất.
4. Sinh viên nên làm gì vào mùng 4 Tết để suôn sẻ cả năm?
Sau 3 ngày Tết chơi thả ga, tới mùng 4, thay vì để bản thân bơ vơ lạc lõng, hoặc nằm ngủ cả ngày, để thời gian trôi qua vô nghĩa, thì các em nên làm điều gì đó hữu ích hơn. Vậy sinh viên nên làm gì vào mùng 4 Tết để suôn sẻ cả năm? Đa số sinh viên đều đặt mục tiêu rằng sẽ học tốt, đạt điểm cao, để làm được điều đó thì sinh viên nên dành 1-2 tiếng, lấy sách vở ra học vào mùng 4 Tết, xử lý xong đống bài tập về nhà, bắt nhịp cho một năm mới học hành suôn sẻ.
Sinh viên nên lập kế hoạch học tập và thời gian biểu học tập, chia theo từng tuần, bao gồm thời gian học trên lớp, ôn bài, làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài mới, học nhóm,… hãy dành một ít thời gian trong mùng 4 Tết để làm điều này nhé. Nếu đặt mục tiêu mình sẽ giỏi ngoại ngữ trong năm mới, muốn điều đó hoàn thành một cách suôn sẻ, thì sinh viên cũng cần dành thời gian mùng 4 để lập kế hoạch trau dồi ngoại ngữ, tự học hoặc đi học ở trung tâm, kèm theo lộ trình cụ thể.
Cẩm nang sinh viên tập 19 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện cách lập mục tiêu năm mới và gợi ý thời gian biểu ngày Tết để sinh viên thuận lợi và may mắn trong năm mới. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 18) – Giơ tay phát biểu, nghỉ quá 20% số tiết
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.