Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 24) – Học Kỳ Hè, Xếp Loại Bằng Đại Học

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 24, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về học kỳ hè, đi học trễ, xếp loại bằng đại học và lên đại học 1 tuần học mấy ngày?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 23) – Rớt môn nhiều, học thế nào để cải thiện?

1. Những điều về học kỳ hè mà sinh viên đại học nên biết

1. Học kỳ hè là gì? Học kỳ hè là học kỳ được tổ chức giữa 2 học kỳ chính, thường kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8 hàng năm, tạo cơ hội cho sinh viên học vượt, học lại và học cải thiện để nâng cao điểm số ở đại học.

2. Học kỳ hè ở đại học có bắt buộc đi học không? Câu trả lời là không bắt buộc. Sinh viên có thể đăng ký học phần để đi học hoặc dành thời gian cho các hoạt động khác như đi làm thêm, học ngoại ngữ, về quê thăm gia đình, tham gia Mùa Hè Xanh,…

3. Học kỳ hè có dễ hơn học kỳ chính không? Học kỳ hè ở đại học chủ yếu để sinh viên học lại và học cải thiện, giảng viên có thể sẽ nương tay hơn tí so với học kỳ chính, để sinh viên có cơ hội gỡ gạc điểm số, cải thiện điểm trung bình tích luỹ.

4. Học phí học kỳ hè có cao hơn không? Đa số các trường đại học sẽ thu học phí kỳ hè cao hơn khoảng 20% – 50%, vì các lớp thường khó đủ sĩ số, phải tăng học phí để đảm bảo chi phí vận hành lớp học. Tuy nhiên, vẫn có một số trường giữ nguyên, không tăng học phí.

2. Lên đại học 1 tuần học mấy ngày, bao nhiêu buổi?

Nghe nói lên đại học sẽ nặng lắm, kiến thức môn học phức tạp hơn, áp lực học hành, thi cử, điểm số cũng nhiều hơn. khiến nhiều bạn lăn tăn rằng sinh viên lên đại học 1 tuần học mấy ngày, bao nhiêu buổi, có học thêm nhiều không? Đại học 1 tuần học bao nhiêu ngày sẽ tuỳ thuộc vào chương trình học, từng ngành, từng trường, thường khoảng 4-6 ngày, nhưng không phải ngày nào cũng học cả 2 buổi, để ước lượng chính xác hơn, hãy tìm hiểu xem sinh viên 1 tuần thường học bao nhiêu buổi?

Đại học 1 tuần học bao nhiêu buổi thường tỷ lệ thuận với số môn học mà sinh viên đăng ký, nếu học 5 môn thì sẽ là 5 buổi, 7 môn là 7 buổi, có thể xê xích 1 tí nhưng không đáng kể. Thường thì đại học 1 tuần sẽ học khoảng 5-7 buổi. Nếu sinh viên muốn ước lượng 1 tuần sẽ dành bao nhiêu thời gian học trên lớp, thì có thể lấy số buổi nhân với 4. Chẳng hạn học 5 buổi/tuần sẽ tương đương 20 tiếng, học 7 buổi/tuần sẽ tương đương 28 tiếng.

Tuy nhiên, đó không phải toàn bộ thời gian sinh viên dành cho việc học, các em còn phải tự học thêm ở nhà, học nhóm cùng bạn bè, họp team làm thuyết trình, tiểu luận,… gần tới ngày thi học kỳ còn phải tăng thời gian ôn tập lên thêm. Giảng viên đại học sẽ không dạy thêm, sinh viên cũng không phải đi học thêm, nhưng để học tốt thì các em phải tự chủ động trong học tập, tự giác ôn bài, làm bài tập đầy đủ, tự giải đề, đọc thêm tài liệu, thì mới có thể nắm vững kiến thức.

>> 5 tác hại to lớn khi sinh viên đi học muộn

3. Thói quen đi học trễ tiềm ẩn những tác hại gì?

Thói quen đi học trễ giúp sinh viên đỡ phải mất công dậy sớm, gấp gáp chạy đến trường mỗi buổi sáng để kịp giờ học. Nhưng nghĩ xa hơn, thì đi học trễ gây ra không ít hệ luỵ mà chẳng ai mong muốn, khiến sau này phải hối tiếc khi nhìn lại. Đi học trễ vì kẹt xe, hư xe, hết xăng giữa đường, bị trễ xe buýt, lỡ chuyến xe buýt, đi học trễ vì quên mất lịch học, nhầm lịch, vì bận việc gia đình đột xuất,… những lý do ấy có thể nói ra rất dễ dàng, nhưng các tác hại tiềm ẩn lại rất khó tránh.

Đi học trễ không chỉ khiến sinh viên bị la mắng, trách phạt, mà nó còn mang lại nhiều hậu quả như mất kiến thức, không hiểu bài, mất căn bản, mất điểm chuyên cần, điểm kém, rớt môn, học lại, không đạt xếp loại học lực như mong muốn. Chuyện không vững kiến thức, xếp loại tốt nghiệp tệ, GPA thấp vì đi học trễ cũng kéo theo hệ luỵ khi đi làm, khó lòng tìm được công việc tốt, khó thích nghi với công việc, thường bị sai sót trong công việc vì chưa vững chuyên môn. Khi chuyện đi trễ trở thành thói quen xấu khó bỏ, thì sau này, các em cũng sẽ thường đi làm trễ, thậm chí trễ giờ họp, trễ lịch hẹn với khách hàng, đối tác, khiến mình trở nên thiếu chuyên nghiệp, mất hình tượng trong mắt mọi người.

4. Xếp loại bằng đại học có quan trọng khi ra trường không?

Có người cho rằng xếp loại bằng đại học rất quan trọng, sinh viên ra trường bằng giỏi sẽ cực kỳ thuận lợi khi xin việc. Cũng có ý kiến rằng bên cạnh bằng đại học thì vẫn còn nhiều yếu tố khác mà nhà tuyển dụng sẽ dựa vào để đánh giá ứng viên. Đa số ứng viên đều có bằng đại học, chỉ khác nhau ở xếp loại bằng, có người loại khá, người loại giỏi, người loại trung bình. Vậy xếp loại bằng đại học phản ánh điều gì và nó ảnh hưởng thế nào đến cơ hội nghề nghiệp của mỗi người?

Xếp loại bằng đại học phản ánh năng lực học hỏi trong suốt 4 năm của sinh viên. Tốt nghiệp loại giỏi sẽ được đánh giá là khả năng học hỏi tốt, chăm chỉ và vững kiến thức chuyên ngành, tạo tiền đề để nhanh chóng làm quen, thích nghi và hoàn thành tốt công việc sau này. Tốt nghiệp loại giỏi là thành công trên giảng đường đại học, thì với tinh thần và năng lực ấy, các em sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công khi đi làm. Vì thế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ được nhà tuyển dụng ưu ái hơn trong vòng CV.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá lại năng lực ứng viên trong vòng phỏng vấn với nhiều tiêu chí khác như mục tiêu nghề nghiệp, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, điểm mạnh liên quan tới công việc, kinh nghiệm làm việc,… Nếu lỡ không tốt nghiệp loại giỏi, chỉ đạt loại khá hoặc trung bình thì các em có thể dành thời gian trau dồi thêm các tiêu chí khác để hoàn thiện bản thân, tăng cơ hội việc làm và tự tin cạnh tranh trong cuộc đua tuyển dụng.

Cẩm nang sinh viên tập 24 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện học kỳ hè, đi học trễ, xếp loại bằng đại học và lên đại học 1 tuần học mấy ngày? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 22) – Tham gia CLB, việc cần làm trước khi ra trường

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?