Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 22, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về tham gia CLB, việc cần hoàn thành trước khi ra trường và tốt nghiệp trễ có bất lợi khi xin việc không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 21) – Lời chúc Tết hay, ý nghĩa và các câu nói kém duyên
1. Các việc sinh viên cần hoàn thành trước khi ra trường
Lúc còn ngồi trên giảng đường, sinh viên mong mau tốt nghiệp, sớm “thoát” khỏi cảnh học hành, thi cử. Nhưng khi đi làm, không ít bạn lại cảm thấy hối hận vì chưa chuẩn bị kỹ hành trang cho bản thân. Vậy sinh viên cần hoàn thành những điều gì trước khi ra trường?
- Học thật tốt các môn chuyên ngành: Sinh viên đừng để tốt nghiệp ra trường rồi mà chưa vững kiến thức chuyên ngành, sẽ khiến các em chật vật, vất vả hơn các bạn khác, phải loay hoay mãi vẫn chưa quen với công việc, không hoàn thành tốt được những việc được giao.
- Mở rộng và duy trì các mối quan hệ: Ở trường đại học, sinh viên hãy dành thời gian làm quen, kết thân với bạn cùng lớp, cùng chuyên ngành, hoặc các bạn cùng CLB và duy trì quan hệ tốt đẹp với những bạn ấy. Nếu có thể thì các em nên duy trì kết nối với các giảng viên.
- Có một nhóm bạn thân ở đại học: Nhóm bạn ấy sẽ động viên, giúp đỡ nhau, truyền tải năng lượng tích cực và chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp. Sau này, khi gặp các vấn đề khó trong công việc, họ cũng sẽ cho nhau những lời khuyên hữu ích và chân thành nhất.
- Đi làm thêm để trải nghiệm, học hỏi: Học tập là nhiệm vụ quan trọng, nhưng sinh viên không nên chỉ cắm đầu vào chuyện học hành, mà hãy phân bổ thời gian để đi làm thêm, vừa giúp các em có thêm thu nhập, vừa có nhiều trải nghiệm, học hỏi được nhiều điều hữu ích.
- Trau dồi ngoại ngữ trước khi đi làm: Không ít bạn sau khi đi làm mới nhận ra tầm quan trọng của ngoại ngữ và hối hận vì không chịu trau dồi nó khi còn đi học. Lúc đó, muốn dành thời gian để học thêm ngoại ngữ cũng khó, vừa học vừa làm là thử thách không hề dễ dàng.
2. Sinh viên sẽ được những gì khi tham gia CLB?
Nhiều bạn sinh viên hỏi anh là có nên tham gia các CLB trong trường không, liệu điều đó có làm ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập không? Đầu tiên, các em cần hiểu được rằng sinh viên sẽ được những gì khi tham gia CLB? Khi là một thành viên tích cực của các CLB/Đội/Nhóm trong trường, sinh viên sẽ trau dồi được nhiều kỹ năng mềm hữu ích như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian, lãnh đạo nhóm, xử lý tình huống,…
Khi tham gia CLB, sinh viên sẽ làm quen với những bạn bè, anh chị cùng đam mê, cùng định hướng công việc, cùng ngành nghề khi đi làm sau này. Vừa giúp mình có một thời sinh viên rực rỡ hơn, vừa có nhiều mối quan hệ chất lượng. Tham gia CLB còn là dịp để sinh viên khám phá năng lực bản thân, nhận ra mình có thể làm được nhiều điều hơn mình nghĩ, thông qua những lần cùng CLB tổ chức chương trình, chạy sự kiện, truyền thông các cuộc thi, hội thảo,… Có thể các em từng nghe rằng vào CLB lãng phí thời gian, làm này làm kia vô bổ, khiến kết quả học tập sa sút, đó là góc nhìn tiêu cực, tham gia CLB sẽ không khiến sinh viên hối hận, các em vẫn có thể học tốt khi phân bổ thời gian hợp lý.
>> Sinh viên tích cực tham gia CLB có giúp làm đẹp CV khi ra trường?
3. Sinh viên đại học nên tham gia CLB nào?
Tham gia CLB là trải nghiệm thú vị của sinh viên đại học. Đứng trước rất nhiều CLB/Đội/Nhóm trong trường, sinh viên lăn tăn rằng nên tham gia CLB nào, dựa vào tiêu chí nào để lựa chọn, và có nên tham gia cùng lúc nhiều CLB không?Có rất nhiều CLB khác nhau ở trường đại học, thường sẽ chia thành 3 nhóm chính:
- CLB về nghệ thuật, sở thích
- CLB học thuật, chuyên ngành
- CLB tình nguyện, hoạt động XH
Sinh viên nên ưu tiên CLB liên quan đến ngành mình đang học hoặc vào bộ phận liên quan đến ngành. Ví dụ học Marketing tham gia CLB Marketing, hoặc ban truyền thông/PR của các CLB bên nhóm nghệ thuật, sở thích, tình nguyện cũng được. Điều đó sẽ giúp sinh viên học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế liên quan tới chuyên ngành hơn các bạn đồng trang lứa. Đó sẽ là hành trang hữu ích và tạo lợi thế cạnh tranh khi ra trường tìm việc làm. Tốt nhất là sinh viên nên tham gia, gắn bó với 1 CLB duy nhất ở 1 thời điểm, chứ không nên tham gia nhiều CLB cùng lúc. Hoặc tối đa chỉ nên tham gia 2 CLB cùng lúc để có thể phân bổ thời gian cho cả 2, và tránh ảnh hưởng xấu tới việc học.
4. Sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ có những bất lợi gì?
Ai cũng muốn tốt nghiệp đúng hạn, nhưng thực tế, kiến thức ở đại học rất nhiều, phức tạp, khiến một số sinh viên bị rớt môn, nợ môn, phải ra trường trễ. Tốt nghiệp ra trường trễ có sao không, có những bất lợi gì? Tốt nghiệp ra trường trễ khiến sinh viên bị bỏ lại phía sau so với bạn bè đồng trang lứa. Tự dưng mọi người ra trường đi làm hết rồi, mà mình lại phải ngậm ngùi học để trả nợ môn, học lại chung với các bạn sinh viên khoá dưới. Trong lúc mình trả nợ môn, thì bạn bè đã tiếp xúc với công việc, học hỏi được nhiều điều, đạt được những thành tựu đầu tiên khi đi làm. Sau này, khi mình tốt nghiệp trễ 1 năm, thì các bạn đã tích luỹ được 1 năm kinh nghiệm làm việc.
Chưa kể tới chuyện sinh viên ra trường trễ khiến gia đình phải gánh học phí cho mình thêm một thời gian, trong khi bạn bè đi làm 1 năm cũng kiếm được được sương sương khoảng 100 triệu, tự lo cho bản thân và cũng dư ít tiền gửi cho ba mẹ. Ngoài ra, khi xin việc, các em phải vất vả hơn trong chuyện chứng minh năng lực để tránh bị nhà tuyển dụng hoài nghi, đánh giá không tốt khi thấy mình ra trường trễ, cho rằng các em lười biếng, thiếu nỗ lực, khả năng học hỏi chưa tốt.
Cẩm nang sinh viên tập 22 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện tham gia CLB, việc cần hoàn thành trước khi ra trường và tốt nghiệp trễ có bất lợi khi xin việc không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 20) – Bạn bè mừng tuổi nhau, ý nghĩa màu bao lì xì
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.