Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 29, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về sinh viên 5 tốt, các ban trong CLB, cách vượt qua vòng phỏng vấn CLB và học kỳ hè có bắt buộc đi học không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 27) – Học lại, tốt nghiệp ra trường trễ
1. Vì sao nên đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt?
Một số người cho rằng sinh viên 5 tốt chỉ là danh hiệu hình thức, hữu danh vô thực, không mang lại lợi ích gì, nhưng thực tế thì đây vẫn là danh hiệu được nhiều sinh viên theo đuổi và chỉ những bạn giỏi toàn diện mới có thể chinh phục. Sinh viên 5 tốt là 1 danh hiệu đáng tự hào, giúp gia tăng lợi thế khi ra trường xin việc. Nếu sinh viên thoả mãn các tiêu chí về đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện và hội nhập, thì có thể đăng ký xét SV 5 tốt.
Sinh viên 5 tốt là một danh hiệu cao quý dành cho những sinh viên ưu tú, nhưng đây không phải là 1 danh hiệu đơn thuần, không phải chỉ là 1 cái bằng chứng nhận, mà nó sẽ mang lại nhiều giá trị thực tiễn. Sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì kiến thức, kỹ năng và những thành tích, danh hiệu như SV 5 tốt sẽ giúp các em tăng lợi thế cạnh tranh và tự tin ứng tuyển. Các tiêu chí của sinh viên 5 tốt chính là những điều mà nhà tuyển dụng quan tâm ở sinh viên mới ra trường, là bằng chứng cực kỳ thuyết phục để công ty tin rằng các em là một ứng viên tiềm năng.
2. Câu lạc bộ ở đại học thường có các ban nào?
- Ban truyền thông: Sinh viên sẽ được thử sức trong cả mảng truyền thông offline (nói trước đám đông, giao tiếp với người lạ) và truyền thông online (quản lý fanpage, viết content, kế hoạch marketing online).
- Ban nhân sự: Phụ trách tuyển thành viên định kỳ, training đào tạo kiến thức, kỹ năng cho thành viên, gắn kết thành viên bằng các hoạt động teambuilding, dã ngoại thường niên của CLB.
- Ban chuyên môn: Nắm rõ kiến thức chuyên môn để training, đào tạo cho các thành viên khác trong CLB và chịu trách nhiệm nội dung cho các cuộc thi, sự kiện, các buổi hội thảo, talkshow của CLB.
- Ban sự kiện: Phụ trách lập kế hoạch, dự trù kinh phí, set up, chạy chương trình, tổ chức các sự kiện, cuộc thi, hội thảo thường niên của câu lạc bộ.
- Ban đối ngoại: Đại diện CLB để giao tiếp, giữ mối quan hệ với các CLB khác, với báo chí, vcác đối tác, doanh nghiệp, nhà tài trợ cho các chương trình của câu lạc bộ.
- Ban kỹ thuật: Phụ trách các công việc liên quan đến kỹ thuật như quay phim, chụp ảnh, âm thanh, làm video, thiết kế poster cho các hoạt động và chương trình của câu lạc bộ.
>> Làm thế nào để đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt?
3. Làm thế nào để vượt qua vòng phỏng vấn CLB?
Ứng tuyển CLB không phải một thử thách quá khó, các CLB cũng không đòi hỏi quá cao siêu, họ thừa biết rằng đa số sinh viên apply vào CLB đều là những bạn năm 1, muốn trải nghiệm và học hỏi. CLB không cần các em phải giỏi toàn diện, họ chỉ muốn tìm được những bạn sinh viên năng động, nhiệt huyết, có tiềm năng phát triển trong tương lai, mong muốn gắn bó lâu dài với CLB. Các em có điểm mạnh nào thì show điểm mạnh đó, thể hiện đúng với con người thật của mình, nếu có những thiếu sót thì mình sẽ dần hoàn thiện trong quá trình tham gia các hoạt động, chương trình của CLB.
Sinh viên nên tìm hiểu đôi chút về các hoạt động thường niên của CLB để thể hiện mình có quan tâm tới CLB, không apply một cách đại trà hay chỉ tham gia cho vui vì có bạn bè rủ rê. Sinh viên cũng nên tham khảo các câu hỏi phỏng vấn CLB thường gặp, rồi tự chuẩn bị trước câu trả lời để giúp buổi phỏng vấn CLB diễn ra thuận lợi, trả lời lưu loát hơn, tăng cơ hội được chọn.
4. Học kỳ hè có bắt buộc sinh viên đi học không?
Hồi cấp 3 học sinh mặc định được nghỉ hè, nhưng khi lên đại học, tự dưng lại xuất hiện một học kỳ vào đúng dịp hè, khiến tân sinh viên hoang mang, không biết có bắt buộc phải đi học trong học kỳ hè không? Học kỳ hè được tổ chức vào dịp hè, sinh viên muốn học vượt, học lại, học cải thiện có thể đăng ký môn học trong học kỳ hè, với thời lượng học, tiết học, bài kiểm tra, bài thi đầy đủ như học kỳ chính thức.
Với sinh viên đang bị nợ môn nhiều, nên tranh thủ học lại trong học kỳ hè để kịp tiến độ học tập. Với sinh viên muốn tốt nghiệp sớm, các em nên học vượt vào kỳ hè để rút ngắn chương trình học. Học kỳ hè không bắt buộc đi học, sinh viên nào có nhu cầu thì mới đăng ký học. Nếu không học hè, sinh viên có thể tham gia Mùa Hè Xanh, học thêm ngoại ngữ, đi làm thêm, về quê thăm gia đình,…
Cẩm nang sinh viên tập 29 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện sinh viên 5 tốt, các ban trong CLB, cách vượt qua vòng phỏng vấn CLB và học kỳ hè có bắt buộc đi học không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 28) – Tín chỉ, viết email gửi giảng viên
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.