Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 31, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về thi đề mở, cách làm slide thuyết trình, thói quen khiến học mãi không giỏi và điều kiện để tốt nghiệp loại xuất sắc.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 29) – SV 5 tốt, các ban trong CLB
1. Làm thế nào để thi đề mở được điểm cao?
Có một số môn học mà sinh viên sẽ được thi đề mở, thoải mái sử dụng tài liệu, tưởng dễ ăn, nhưng nhiều sinh viên lại rơi vào tình trạng đọc đề xong không biết nên mở tài liệu nào, mở ở đâu, trang nào? Đầu tiên, sinh viên phải chọn lọc, chỉ mang những tài liệu cần thiết, đừng thấy bạn bè có tài liệu nào thì nhanh tay mượn đi photo, đừng mang quá nhiều tài liệu sẽ khiến mình càng bị rối hơn. Với các môn đề mở, sinh viên không cần học thuộc, nhưng cần đọc tất cả tài liệu, note ngắn gọn và highlight các ý chính, để mình dễ nhận ra và mở đúng tài liệu, biết nên lật chỗ nào cho nhanh.
Để thi đề mở điểm cao, sinh viên cần lưu ý không chép y nguyên nội dung trong tài liệu, mà nên dựa vào đó để triển khai theo cách hiểu của mình, lồng ghép các ví dụ để chứng minh rằng mình hiểu bài. Để hiểu bài và triển khai tốt nội dung khi thi đề mở, thì tất nhiên sinh viên cần phải chăm chỉ, tập trung và nghiêm túc trong suốt quá trình học, chứ không thể để tới gần lúc thi mới lật đật ôn bài.
2. Cách làm slide thuyết trình đẹp và chuyên nghiệp
Làm slide thuyết trình chuyên nghiệp bằng PowerPoint không phải điều quá khó, nhưng lại khiến nhiều người bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào? Hãy follow theo 10 lưu ý sau:
- Lên mục lục từng phần rõ ràng
- Không dùng quá nhiều màu sắc
- Không chèn quá nhiều chữ
- Không sai lỗi chính tả trong slide
- Thống nhất 1 font chữ duy nhất
- Nhấn mạnh nội dung quan trọng
- Sử dụng các hiệu ứng PowerPoint
- Minh hoạ hình ảnh, bảng, biểu đồ
- Đừng quên slide cảm ơn cuối bài
- Nắm rõ các phím tắt phổ biến
>> Tính điểm trung bình tích luỹ có khó không, sinh viên hay nhầm lẫn điều gì?
3. Những điều khiến sinh viên học mãi không giỏi
Nhiều sinh viên than vãn rằng vì sao mình học mãi không giỏi, mình cũng cố gắng mà kết quả không như mong muốn? Hôm nay, các em hãy nhìn lại xem mình có mắc phải 5 điều này không nhé:
1. Không có mục tiêu cụ thể: Sinh viên cần đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu, để biết mình cần làm gì thì mới có thể học tốt, chứ không được chung chung kiểu như “mình phải nhận được học bổng”.
2. Suy nghĩ tiêu cực: Đừng suy nghĩ tiêu cực rằng chắc mình không làm được đâu, bài tập khó và nhiều quá, chắc giáo viên chấm điểm khó lắm, cố mấy cũng vậy thôi, mình sẽ không học giỏi được,…
3. Không có tinh thần học tập: Nếu trong đầu luôn tự nhủ mình phải cố gắng học nhưng khi đụng vào sách vở lại buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài thì đừng than vãn rằng vì sao mình học mãi không giỏi.
4. Luôn giấu dốt: Nếu cứ mang tâm lý sợ sai, sợ mọi người cho rằng mình dốt nên mới không hiểu bài, rồi cố gắng che giấu điều đó, thì tới cuối cùng các em cũng chẳng hiểu bài, không nắm kiến thức.
5. Lười biếng, lãng phí thời gian: Sinh viên có thể nghỉ ngơi, chơi game, lướt điện thoại, không bắt buộc lúc nào cũng phải ngồi học, nhưng phải biết tiết chế, tránh lãng phí quá nhiều thời gian để giải trí.
4. Điều kiện để sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc
Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc là điều không hề dễ dàng, có thể nói là cực khó đối với sinh viên. Để được đạt mục tiêu ấy, sinh viên cần tập trung, nỗ lực rất nhiều và phải nắm rõ các điều kiện để tốt nghiệp loại xuất sắc. Trước tiên, sinh viên cần thoả mãn điều kiện để tốt nghiệp như tích luỹ đủ số tín chỉ, GPA từ 2.0 trở lên, còn thời hạn học tập, không đang bị truy cứu hình sự và các tiêu chuẩn khác theo quy định của từng trường.
Để có thể tốt nghiệp loại xuất sắc, sinh viên cần đạt điểm trung bình tích luỹ GPA tối thiểu 9.0 trên thang điểm 10, hoặc 3.6 trên thang điểm 4 và không vi phạm kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên. Ngoài ra, sinh viên không được học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học, vì như thế sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp từ loại xuất sắc xuống giỏi. Ví dụ chương trình có 120 tín chỉ, thì không học lại quá 6 tín chỉ.
Cẩm nang sinh viên tập 31 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện thi đề mở, cách làm slide thuyết trình, thói quen khiến học mãi không giỏi và điều kiện để tốt nghiệp loại xuất sắc. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 30) – Gap year, chuyển ngành học
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.