Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 37, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về lần đầu rải CV, nên & không nên khi viết CV, lỗi thường mắc phải và bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 35) – Phím tắt trong Word, bị đuổi học
1. Những điều cần lưu ý khi lần đầu rải CV tìm việc
Nhiều sinh viên mới ra trường bị sốc khi rải CV 15-20 chỗ mà chỉ có 1 chỗ gọi phỏng vấn. Điều này khiến các em hoang mang, hoài nghi về năng lực bản thân. Đây là 7 điều cần lưu ý khi lần đầu rải CV tìm việc:
- Xác định công việc mình muốn: Sinh viên mới ra trường phải có định hướng rõ ràng, xác định ngành nghề, công việc mình muốn theo đuổi và gắn bó, không nên rải CV ngẫu nhiên, hên xui may rủi.
- Ưu tiên các công ty gần nhà: Sinh viên mới ra trường thường xông xáo, năng nổ, không ngại đường xa, nhưng khi đi làm 1 thời gian các em sẽ thấy mệt, đuối, vì thế, nên ưu tiên rải CV các công ty gần nhà.
- Đọc kỹ mô tả công việc trước khi rải CV: Nhìn lại xem mình có đáp ứng được các yêu cầu của công việc không, tránh trường hợp apply trúng công ty không phù hợp, tỷ lệ bị từ chối sẽ cao.
- Làm nổi bật CV trước khi rải: Nếu CV chưa chỉn chu, thì càng gửi đi nhiều nơi sẽ càng bị từ chối nhiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian trau chuốt, làm nổi bật CV của mình trước khi rải CV.
- Tối ưu CV phù hợp với từng công ty: Nếu chỉ dùng 1 CV duy nhất để rải thì khả năng được chọn sẽ thấp. Nếu linh hoạt điều chỉnh, tối ưu nội dung phù hợp với từng công ty, tỷ lệ được chọn sẽ cao hơn.
- Gửi email xin việc chuyên nghiệp: Sinh viên mới ra trường thường mắc lỗi gửi email xin việc sơ sài, thiếu chỉn chu, không đầu không đuôi. Hãy lưu ý sự chuyên nghiệp khi gửi email xin việc.
- Thường xuyên check email, điện thoại: Trong giai đoạn rải CV, khả năng nhà tuyển dụng gọi điện, reply mail cho mình sẽ rất cao, các em hãy liên tục check để tránh bỏ sót thư mời phỏng vấn.
2. Những điều nên và không nên khi viết CV xin việc
1. Email cá nhân
- Nên: nguyenvana.ueh@gmail.com
- Không nên: traidepvip@gmail.com
2. Năm sinh
- Nên: 01/06/2000
- Không nên: 01/06/2024
3. Mục tiêu nghề nghiệp
- Nên: Muốn học hỏi, phát triển bản thân, đóng góp nhiều giá trị cho công ty.
- Không nên: Muốn có 1 công việc lương cao, sau 1-2 năm sẽ nghỉ làm để khởi nghiệp.
4. Học vấn
- Nên: Tốt nghiệp loại giỏi, ngành Marketing, trường UEH, GPA 3.4
- Không nên: Tốt nghiệp trường UEH
5. Kinh nghiệm (nếu có)
- Nên: Liệt kê kinh nghiệm liên quan tới vị trí ứng tuyển, kèm theo các thành tích cụ thể, những điều đã học hỏi được từ công việc.
- Không nên: Đưa vào các kinh nghiệm không liên quan, chỉ liệt kê danh sách các việc đã làm 1 cách chung chung, không ấn tượng.
6. Sở thích
- Nên: Chơi thể thao, bơi lội, đọc sách, báo.
- Không nên: Chơi game, đọc truyện, ăn, ngủ.
7. Kỹ năng mềm
- Nên: 3-4 kỹ năng mềm cụ thể, liên quan tới công việc
- Không nên: 6-7 kỹ năng mềm nhưng ít liên quan tới công việc
8. Thành tích
- Nên: Giấy khen tốt nghiệp loại giỏi do Hiệu Trưởng ĐH Kinh tế cấp năm 2023
- Không nên: Tốt nghiệp đại học loại giỏi
>> Hướng dẫn cách viết CV xin việc cho sinh viên chưa có kinh nghiệm
3. Sinh viên thường mắc những lỗi nào khi lần đầu viết CV?
- Dài dòng: Cứ tưởng CV càng dài càng tốt, càng nhiều thông tin càng chỉn chu, ấn tượng, nhưng thật ra CV xin việc chỉ nên gói gọn trong 1 mặt A4, không nên quá dài dòng, lan man.
- Không chọn lọc nội dung: Đưa vào CV những thông tin, nội dung không liên quan tới vị trí ứng tuyển, càng đọc càng thấy không phù hợp, khả năng cao sẽ không được mời đi phỏng vấn.
- Sai lỗi chính tả: Viết CV xong không dò lại, không kiểm tra cẩn thận, để mắc phải nhiều lỗi chính tả, khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm, cho rằng các em cẩu thả, thiếu chỉn chu.
- CV chi chít chữ: Có nhiều mẫu CV đẹp trên mạng, thiết kế chuẩn chỉnh, nhưng các em không biết nên không sử dụng, mà chỉ mở Word lên rồi viết chi chít chữ, vừa rối, vừa khó đọc.
- Thiếu chuyên nghiệp: Quên sửa tên công ty, vị trí ứng tuyển, apply công ty A mà trong CV ghi công ty B, ghi nhầm năm sinh là 2024, email ứng tuyển không có tiêu đề, trống nội dung,…
4. Bí quyết viết CV ấn tượng chinh phục nhà tuyển dụng
Sinh viên mới ra trường để được nhận vào làm việc ở công ty mình thích, có tiềm năng phát triển và đãi ngộ tốt là điều không hề dễ dàng, nhất là khi các em chưa biết cách viết CV sao cho ấn tượng. Để CV ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, sinh viên mới ra trường nên tham khảo các mẫu thiết kế có sẵn, đẹp mắt và chỉn chu, rồi khéo léo in đậm các điểm mạnh của mình để nhà tuyển dụng dễ thấy nhất. Để nhà tuyển dụng có đủ thông tin làm cơ sở sàng lọc, thì CV xin việc cần có đầy đủ các nội dung cần thiết như thông tin cá nhân, học vấn, kỹ năng mềm, thành tích, kinh nghiệm làm việc (nếu có).
Hãy đảm bảo CV không sai lỗi chính tả, vì nó sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá rằng các em cẩu thả, thiếu chỉn chu, cho rằng sau này vào công ty đi làm cũng sẽ mắc những sai sót trong công việc. CV xin việc cần phải ngắn ngọn, súc tích, không dài dòng, lan man, không nên đưa quá nhiều thông tin không liên quan tới vị trí ứng tuyển, vừa bị rối mắt, vừa cho thấy các em là ứng viên không phù hợp. Ngoài ra, hãy lưu ý một số điều giúp CV của mình chuyên nghiệp hơn, chẳng hạn như thêm vào thông tin người tham khảo, lưu file dạng PDF, linh hoạt điều chỉnh nội dung cho phù hợp từng vị trí ứng tuyển.
Cẩm nang sinh viên tập 37 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện lần đầu rải CV, nên & không nên khi viết CV, lỗi thường mắc phải và bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 36) – Cách học từ vựng, bị run khi thuyết trình
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.