Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 56) – Môn 2 Tín Chỉ, Học Buổi Tối

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 56, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về học buổi tối, mất điểm chuyên cần, môn 2 tín chỉ và nhà tuyển dụng có quan tâm tới bằng đại học không?

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 55) – Học phí năm 1, bài tập về nhà

1. Sinh viên lên đại học có phải học buổi tối không?

Khi ở cấp 3, nhiều bạn học sinh phải học luôn cả buổi tối, để nắm vững kiến thức, mang về kết quả học tập tốt và thuận lợi vượt qua kỳ thi đại học. Liệu lên đại học rồi có phải học buổi tối nữa không? Ở đại học rất hiếm có trường hợp phải đi học thêm buổi tối, và các lớp trên trường cũng sẽ thường mở vào sáng hoặc chiều, ít khi có ca tối. Nhưng chưa chắc rằng sinh viên sẽ được thảnh thơi vào buổi tối…

Sinh viên phải tự giác ngồi vào bàn học mỗi tối, chủ động đọc lại giáo trình, slide bài giảng, ôn bài, làm bài tập về nhà,… thì mới có thể nắm vững kiến thức và vượt qua các môn học khó nhằn ở đại học. Thông thường, sinh viên sẽ tự học mỗi tối khoảng 2 tiếng, nếu bạn nào chăm chỉ và có nhiều thời gian rảnh hơn, không vướng chuyện đi làm thêm quá nhiều, thì có thể tự học & ôn bài tận 3-4 tiếng mỗi tối. Tóm lại, sinh viên đại học không cần lên lớp học buổi tối, nhưng các em cần chủ động tự học ở nhà, càng đầu tư nhiều thời gian cho việc học, thì kết quả học tập và điểm số của mình sẽ càng tốt.

2. Các lý do khiến sinh viên bị mất điểm chuyên cần ở đại học

Trong các thành phần cấu tạo nên GPA, thì chuyên cần là phần dễ lấy điểm nhất, chỉ cần chăm chỉ & đi học đầy đủ là được, nhưng không ít sinh viên đã bị mất điểm chuyên cần vì 4 lý do sau:

  • Cúp học: Khi giảng viên điểm danh ngẫu nhiên, nếu sinh viên lỡ cúp học ngay trúng buổi có điểm danh thì chắc chắn sẽ bị mất điểm chuyên cần – đây là điều mà các em không thể đoán trước được.
  • Đi học trễ: Sinh viên không cúp học, nhưng lại vào trễ, qua mất lúc giảng viên điểm danh đầu giờ, thì sẽ bị đánh vắng cho cả buổi học, bị mất điểm chuyên cần trong buổi học đó, dù thực tế có đi học.
  • Trốn về sớm: Dù ngồi học chăm chỉ lúc đầu và giữa buổi, nhưng cuối giờ sinh viên lại lẻn về sớm, nếu giảng viên điểm danh ngay lúc cuối giờ, thì các em sẽ bị tính vắng và bị mất điểm chuyên cần.
  • Không lắng nghe giảng: Một số giảng viên sẽ cho bài kiểm tra ngắn, bạn nào làm đúng 70% trở lên mới có điểm chuyên cần cho buổi học đó, còn ai không nghe giảng, không làm bài được sẽ bị tính là vắng.

>> Vì sao sinh viên năm 1 thường bị rớt môn phải học lại?

3. Môn 2 tín chỉ được nghỉ bao nhiêu tiết mà không bị cấm thi?

Cấm thi là điều mà sinh viên rất quan ngại, phải nhận điểm 0, mặc định bị rớt môn, phải mệt mỏi học lại từ đầu, làm lại toàn bộ bài kiểm tra, bài thi, mất công, mất thời gian và tốn tiền học lại. Nếu nghỉ học, vắng quá 20% số buổi của môn học thì sinh viên sẽ bị cấm thi. Vậy 20% tương ứng với bao nhiêu buổi học, môn 2 tín chỉ được nghỉ bao nhiêu tiết mà không bị cấm thi?

Môn 2 tín chỉ thường có khoảng 30 tiết học trên lớp, khi nhân với 20% sẽ ra kết quả là 6 tiết, tức là sinh viên không được nghỉ quá 6 tiết, nếu bạn nào vượt quá con số này thì sẽ bị cấm thi. Bên cạnh rủi ro bị cấm thi, thì nghỉ học nhiều cũng khiến sinh viên bị mất kiến thức, không hiểu bài, kéo điểm kiểm tra và điểm thi đi xuống, đạt kết quả kém, thậm chí có thể bị rớt môn.

4. Nhà tuyển dụng có quan tâm tới bằng đại học không?

Sinh viên phải cố gắng học ngày học đêm suốt 4 năm trời, phải đối mặt với áp lực học hành, thi cử, điểm số, chỉ để lấy được tấm bằng đại học. Vậy liệu nhà tuyển dụng có quan tâm tới bằng đại học không? Bằng đại học là minh chứng cho thấy rằng ít nhiều gì thì ứng viên cũng nắm được kiến thức chuyên ngành, đã được học các môn chuyên ngành, nên sẽ dễ dàng làm quen và thích nghi với công việc khi đi làm.

Những ai chưa tốt nghiệp đại học sẽ gặp nhiều bất lợi trong bước đầu ứng tuyển, thậm chí một số công ty còn yêu cầu bắt buộc ứng viên có bằng đại học thì mới duyệt CV, mới được đi phỏng vấn. Tức là nhà tuyển dụng có quan tâm tới bằng đại học, nhất là khi bạn ứng tuyển vào các công việc đòi hỏi chuyên môn, thì các công ty còn đòi hỏi rằng bằng đại học phải đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, bằng đại học không phải là tất cả, nó chỉ là 1 trong số các điều kiện ứng viên cần có khi ứng tuyển. Để tăng cơ hội việc làm, bạn cần chú ý thêm tới các yếu tố khác như kinh nghiệm, kỹ năng mềm,…

Cẩm nang sinh viên tập 56 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện học buổi tối, mất điểm chuyên cần, môn 2 tín chỉ và nhà tuyển dụng có quan tâm tới bằng đại học không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 54) – Làm thêm part time, chứng chỉ cần tích luỹ

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?