Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 54, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về rủi ro khi làm thêm part time, môn 3 tín chỉ, hạ bằng tốt nghiệp và các chứng chỉ cần tích luỹ trước khi ra trường.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 53) – Đạo văn, hoạt động ngoại khoá
1. Rủi ro sinh viên có thể đối mặt khi đi làm thêm part time
- Rủi ro gặp khách hàng nóng tính: Khách hàng là thượng đế, nhưng thượng đế khó tính, đòi hỏi nhiều, thậm chí còn lớn tiếng quát nạt, sẽ khiến nhiều bạn sinh viên đi làm thêm part time bị sốc, bị áp lực.
- Rủi ro bị chủ chèn ép: Một số người chủ cho rằng sinh viên đi làm part time còn non nớt, chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, nên đưa ra nhiều quy định vô lý, trừ lương lung tung, bóc lột sức lao động.
- Rủi ro đền tiền, đền bù thiệt hại: Dù chỉ là việc làm thêm part time, nhưng nếu xảy ra thiệt hại, thất thoát nguyên liệu, mất hàng hoá, thất thoát tiền bạc, rơi vỡ đồ dùng, thì sinh viên vẫn phải đền bù.
- Rủi ro kết quả học tập kém: Nếu quản lý thời gian chưa tốt, lo đi làm thêm kiếm tiền quá nhiều, không có thời gian để ôn bài, làm bài tập, sẽ khiến kết quả học tập của sinh viên bị sa sút.
- Rủi ro sức khoẻ suy yếu: Một số trường hợp sinh viên bị kiệt sức ngất xỉu vì đi làm thêm quá sức, tăng ca liên tục, bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền, cố gắng làm nhiều để có nhiều tiền.
2. Môn 3 tín chỉ học mấy buổi, được nghỉ tối đa bao nhiêu tiết?
Môn 3 tín chỉ thường sẽ tương ứng với 45 tiết học lý thuyết ở trên lớp, nếu thời khoá biểu sắp xếp 4 tiết/buổi thì sẽ học khoảng 11-12 buổi, nếu 5 tiết/buổi thì sinh viên sẽ học khoảng 9 buổi. Theo quy định, nếu sinh viên nghỉ quá 20% thời lượng môn học thì sẽ bị cấm thi, không được phép dự thi môn đó, và đương nhiên kết quả môn học sẽ bị tính là không đạt, phải học lại với sinh viên khoá dưới.
Nếu tính theo số tiết học, môn 3 tín chỉ tương ứng 45 tiết, thì 20% của số đó sẽ tương ứng với 9 tiết, tức là nếu sinh viên nghỉ quá 9 tiết học thì sẽ bị cấm thi và phải học lại môn đó từ đầu. Tuy nhiên, giảng viên sẽ không điểm danh riêng từng tiết, mà mỗi buổi học chỉ điểm danh 1 lần bất kỳ, nếu vắng mặt đúng lúc giảng viên điểm danh thì sinh viên sẽ bị đánh vắng cho toàn bộ buổi học. Nếu mỗi buổi học có 4 tiết, thì các em chỉ được nghỉ tối đa 2 buổi. Nếu mỗi buổi học có 5 tiết, thì sinh viên chỉ được nghỉ 1 buổi thôi, nếu lỡ vắng 2 buổi tương ứng với 10 tiết, thì đã quá con số cho phép (9 tiết).
>> Sinh viên có nên đi làm thêm part time không, cần lưu ý gì?
3. Học lại bao nhiêu tín chỉ thì bị hạ bằng tốt nghiệp?
Để chắc chắn rằng mình không bị hạ xếp loại tốt nghiệp một cách đáng tiếc chỉ vì chưa nắm rõ quy định, thì sinh viên cần tìm hiểu rõ xem học lại bao nhiêu tín chỉ thì bị hạ bằng tốt nghiệp? Rớt môn 2 tín chỉ thì học lại 2 tín chỉ, rớt môn 3 tín chỉ thì học lại 3 tín chỉ. Nếu sinh viên bị rớt môn, học lại quá 5% số lượng tín chỉ của chương trình học thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc. Chẳng hạn chương trình học có 140 tín chỉ, nếu sinh viên học lại quá 7 tín chỉ thì sẽ bị hạ bằng. Còn nếu chương trình có 120 tín chỉ, thì học lại 5% sẽ tương ứng với 6 tín chỉ, các em cần lưu ý tính toán kỹ. Chuyện hạ bằng tốt nghiệp chỉ áp dụng cho xếp loại xuất sắc và giỏi, còn sinh viên tốt nghiệp từ loại khá trở xuống sẽ không áp dụng quy định này.
4. Các chứng chỉ sinh viên cần tích luỹ trước khi ra trường
Bên cạnh việc tích luỹ kiến thức chuyên ngành, sinh viên cũng cần dành thời gian học và tích luỹ thêm một số chứng chỉ, để mình có hành trang vững chắc hơn khi ra trường xin việc sau này:
- Các chứng chỉ ngoại ngữ như TOIEC, IELTS, Tiếng Trung, Tiếng Nhật là những chứng chỉ sinh viên cần tích luỹ trước khi ra trường nếu có tham vọng sau này sẽ làm việc trong môi trường quốc tế.
- Chứng chỉ tin học văn phòng cũng là yêu cầu thường gặp khi tìm việc làm, các công ty cần ứng viên biết sử dụng Word, Excel, PowerPoint và các công cụ khác để có thể hoàn thành tốt công việc.
- Các chứng chỉ kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, xử lý tình huống là điều sinh viên nên tích luỹ để làm đẹp CV xin việc, có rất nhiều khoá học kỹ năng mà các em có thể đăng ký học.
- Các chứng chỉ chuyên ngành sẽ giúp sinh viên mới ra trường củng cố kiến thức, tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, các em có thể học 1 số khoá đào tạo chuyên môn để lấy các chứng chỉ này.
Cẩm nang sinh viên tập 54 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện rủi ro khi làm thêm part time, môn 3 tín chỉ, hạ bằng tốt nghiệp và các chứng chỉ cần tích luỹ trước khi ra trường. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 52) – Chuyển trường, lưu ý khi học quân sự
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.