Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 76, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về thẻ sinh viên, cách tính điểm trung bình môn, sống tự lập và điểm rèn luyện thấp có sao không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 75) – GPA thực tập, tiêu chí khoá luận
1. Đi học có bắt buộc mang theo thẻ sinh viên không?
Ở trường đại học, ngay từ khi nhập học, tất cả sinh viên đều sẽ được cấp cho mình một chiếc thẻ, với tên gọi thân thuộc là thẻ sinh viên, được dùng như một chiếc CCCD để định danh trong trường. Thẻ sinh viên sẽ có họ tên, ngày tháng năm sinh, niên khoá, lớp, ngành, kèm theo mã số sinh viên và cả mã vạch để quét thông tin nhanh chóng.
Đa số trường đại học sẽ quy định rằng sinh viên bắt buộc phải mang theo thẻ sinh viên để có thể ra vào cổng trường, tránh để người lạ trà trộn vào trường với mục đích xấu. Tức là nếu đi học mà quên mang thẻ sinh viên, thì khả năng cao rằng các em sẽ không được chú bảo vệ cho vào trong khuôn viên trường, hoặc nếu muốn vào thì phải có bạn bè hoặc giảng viên bảo lãnh, viết giấy cam kết, nhưng thủ tục cũng sẽ khá phức tạp. Bên cạnh việc dùng để ra vào cổng trường, thì thẻ sinh viên cũng được dùng để mượn sách thư viện, quét mã vạch để cộng điểm rèn luyện khi sinh viên tham gia các hoạt động, cuộc thi, phong trào, hội thảo do trường hoặc các CLB tổ chức. Tóm lại, thẻ sinh viên là vật quan trọng mà sinh viên cần luôn mang theo bên mình, nếu đi học mà quên mang thẻ thì sẽ khá bất tiện và kéo theo nhiều phiền toái.
2. Cách tính điểm trung bình môn, kèm ví dụ cụ thể
Bên cạnh chuyện tính điểm trung bình tích luỹ, thì tân sinh viên năm 1 cũng lăn tăn về cách tính điểm trung bình môn học, vì các em muốn biết để tự tính cho bản thân, phải hiểu đúng, biết đúng công thức để tính cho chính xác. Thông thường, điểm trung bình môn học sẽ bao gồm điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ, với trọng số thường được chia như sau:
- TH1: Điểm quá trình 30%, điểm thi cuối kỳ 70%;
- TH2: Điểm quá trình 40%, điểm thi cuối kỳ 60%;
- TH3: Điểm quá trình 50%, điểm thi cuối kỳ 50%.
Tuỳ từng trường, từng môn học và quy định riêng của từng giảng viên, mà trọng số giữa 2 thành phần này sẽ khác nhau, nhưng thường sẽ được thông báo cụ thể trong buổi học đầu tiên, sinh viên cần lắng nghe, ghi chú lại để nắm thông tin và sau này tính toán thì còn áp công thức cho phù hợp. Ví dụ môn A có điểm quá trình 6.9, điểm thi cuối kỳ 8.0, lấy trọng số theo trường hợp 1, thì điểm trung bình môn học = 6.9 x 30% + 8.0 x 70% = 7.67. Nhưng nếu thay đổi quy ước, lấy trọng số theo trường hợp 3, thì kết quả sẽ chênh lệch khá nhiều, điểm trung bình môn học lúc đó sẽ = 6.9 x 50% + 8.0 x 50% = 7.45.
>> Tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình, làm sao để tự lập?
3. Sinh viên đại học muốn sống tự lập có khó không?
Khi lên đại học, nhiều sinh viên phải lên thành phố thuê trọ ở một mình, bắt đầu cuộc sống xa gia đình, rời xa vòng tay bảo bọc của cha mẹ, phải tự lo toan nhiều điều trong cuộc sống. Lúc đó, nhiều bạn sinh viên đã nghĩ tới chuyện sống tự lập, rằng phải tự lo học cách nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, tự lo sinh hoạt cá nhân và quản lý chi tiêu, nó giống y như đang tập để quen với cuộc sống tự lập. Vậy sinh viên đại học muốn sống tự lập có khó không? Câu trả lời là không khó, nhưng cũng không quá dễ, trong giai đoạn đầu các em phải làm quen với nhiều điều mới, có nhiều thay đổi lớn so với khi còn sống cùng ba mẹ, những điều lúc trước không cần lo nghĩ tới, thì bây giờ phải tự mình xử lý, sắp xếp cho ổn thoả.
Rồi còn chuyện học tập trên trường cũng khá áp lực, các môn ở đại học sẽ khó hơn, phức tạp hơn, khối lượng kiến thức nhiều hơn so với những môn hồi cấp 3, đòi hỏi sinh viên phải tập trung, cố gắng và dành nhiều thời gian cho chuyện học tập thì mới mang về kết quả tốt. Tức là song song với chuyện học cách sống tự lập, sinh viên phải biết cân bằng thời gian cho chuyện học tập, nếu không sớm thích nghi thì khả năng cao rằng thời gian đầu kết quả học tập của các em sẽ bị sa sút, stress, càng nghĩ tới lại càng thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, sau khoảng 1 học kỳ thì đa số sinh viên đại học sẽ đều thích nghi được, quen với cuộc sống tự lập, cảm thấy nó cũng bình thường chứ không quá phức tạp như lúc trước mình nghĩ, và đây cũng là nền tảng giúp sinh viên dần trưởng thành hơn.
4. Điểm rèn luyện thấp có sao không, cần bao nhiêu mới đủ?
Điểm rèn luyện là một khái niệm mới ở đại học, là điều mà hầu như tất cả tân sinh viên sẽ quan tâm ngay khi vừa bước chân vào trường đại học. Tự dưng nghe anh chị khoá trên nhắn nhủ là phải lưu ý điểm rèn luyện, đừng để nó bị tuột xuống thấp, thì các em sẽ càng lăn tăn hơn, thắc mắc rằng điểm rèn luyện thấp có sao không, cần đạt bao nhiêu mới đủ? Điểm rèn luyện ở đại học là thang điểm đánh giá mức độ tích cực và các thành tích mà sinh viên đạt được trong học tập, phong trào, đồng thời, cũng đánh giá mức độ nghiêm túc tuân thủ nội quy trường học, quy định pháp luật.
Điểm rèn luyện được dùng để đánh giá xếp loại học bổng khuyến khích học tập trong mỗi học kỳ, nó cũng là tiêu chí để xét danh hiệu sinh viên 5 tốt, một số trường cũng đưa điểm rèn luyện vào tiêu chí xếp loại tốt nghiệp. Nếu điểm rèn luyện thấp, sinh viên sẽ khó lòng cạnh tranh học bổng khuyến khích học tập, bị trượt danh hiệu sinh viên 5 tốt khi apply, và có rủi ro tác động xấu tới xếp loại tốt nghiệp khi ra trường. Nếu không muốn những viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình, thì sinh viên cần đạt điểm rèn luyện bao nhiêu mới đủ? Sẽ không có quy chuẩn chung, nhưng nếu muốn an toàn thì sinh viên nên đạt điểm rèn luyện tối thiểu là 70, còn bạn nào muốn săn học bổng thì nên đạt từ 80 trở lên, càng cao càng tốt.
Cẩm nang sinh viên tập 76 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện thẻ sinh viên, cách tính điểm trung bình môn, sống tự lập và điểm rèn luyện thấp có sao không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 74) – Mùa Hè Xanh, ký túc xá đại học
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.