Sau khi kết thúc 12 năm đèn sách và xuất sắc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cuối khoá/thi đại học, các bạn tân sinh viên năm 1 sẽ phải đối mặt với thử thách tiếp theo, đó chính là các môn học khó nhằn, kiến thức phức tạp ở đại học, kèm theo đó là chuyện phải lên thành phố thuê trọ, sống xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời đưa ra một số lời khuyên về chuyên tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình, làm sao để tự lập?
>> 10 khái niệm tân sinh viên lần đầu nghe tới khi vào đại học
Thế nào là cuộc sống tự lập?
Trước khi tìm hiểu vấn đề tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình làm sao để tự lập, thì chúng ta cần làm rõ định nghĩa thế nào là cuộc sống tự lập? Bản thân mỗi người với các góc nhìn, trải nghiệm khác nhau, sẽ tự đưa ra được những khái niệm riêng của mình về chuyện sống tự lập. Có người cho rằng khi tự lo được cho bản thân, độc lập tài chính, không còn phụ thuộc vào cha mẹ, thì được gọi là cuộc sống tự lập. Cũng có người cho rằng như thế vẫn chưa đủ, bạn cần phải trưởng thành trong tư duy, nhận thức, suy nghĩ, hành động, thì mới có thể được công nhận là sống tự lập.
Ngoài ra, cũng có người nhận định rằng, ít ra bạn phải có được công việc ổn định, có lộ trình thăng tiến, sự nghiệp vững vàng, gặt hái được một số thành công nhất định khi đi làm, đã lập gia đình và đủ khả năng chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, thì mới được công nhận hoàn toàn rằng đó là cuộc sống tự lập. Chính vì những quan điểm khác nhau và những luồng ý kiến trái chiều này, nên chuyện tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình, rời xa vòng tay bảo bọc của cha mẹ phải bắt đầu cuộc tự lập, tự chăm lo cho bản thân đã trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận sôi nổi.
Tân sinh viên năm 1 và chuyện sống xa gia đình
Đa số các trường đại học thường nằm ở các thành phố lớn, chẳng hạn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… chính vì thế, để theo đuổi đúng chuyên ngành, đúng nguyện vọng mà mình đã chọn, thì sinh viên thường sẽ phải sống xa gia đình, chuyển lên thành phố ở trọ một mình khi học đại học. Tất nhiên, vẫn có những bạn sinh viên may mắn sinh ra ở các thành phố lớn, khi lên đại học vẫn ở nhà mình, vẫn trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, tuy nhiên, đa số tân sinh viên thường là những bạn từ các tỉnh thành khác chuyển tới để học đại học, điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ phải thuê trọ, phải tự chăm lo cho cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của mình ngay từ khi còn là những cô cậu tân sinh viên năm 1.
Khi đó, các em sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ, vừa phải làm quen với môi trường đại học với rất nhiều khái niệm mới mà lần đầu tiên mình được nghe tới, lại còn phải bắt đầu cuộc sống tự lập, xa gia đình, một thân một mình ở nơi thành phố xa lạ. Đây là một thử thách lớn mà tân sinh viên năm 1 phải đối mặt và vượt qua, ban đầu, có thể các em sẽ cảm thấy lạc lõng, nhớ nhà, vui buồn cũng chẳng có ai xung quanh để tâm sự, hoặc khi gặp phải những khó khăn thì cũng phải một mình đối mặt và tự vượt qua. Vậy tân sinh viên khi sống tự lập phải đối mặt với những khó khăn gì?
>> Sinh viên lên đại học sống tự lập có khó không?
Những khó khăn tân sinh viên phải đối mặt khi sống tự lập
Có rất nhiều khó khăn mà tân sinh viên năm 1 phải đối mặt khi lên đại học sống tự lập xa gia đình, chẳng hạn như:
- Làm quen với cuộc sống khi thuê trọ, nếu ở một mình thì sẽ buồn chán, khi ốm đau cũng phải tự lực không có ai xung quanh chăm sóc, nếu ở ghép với các bạn khác thì cũng phải quen với cuộc sống tập thể, ở cùng những người bạn xa lạ, nhiều khi cũng phải gọn gàng hơn, ý thức hơn, tránh gây xích mích với bạn cùng phòng;
- Tân sinh viên ở trọ phải tự mình chăm lo cho các bữa ăn, giấc ngủ và những sở thích/hoạt động thường ngày của bản thân, các em phải tự nấu ăn, rửa chén, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nhiều khi trong phòng trọ bị hư gì thì cũng phải tự mày mò tìm cách khắc phục/sửa chữa, phải tự lập, có rất nhiều điều các em phải tự làm một mình, tự học cách làm, chứ không còn phụ thuộc vào ba mẹ như trước nữa;
- Tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình cũng phải đối mặt với bài toán chi tiêu mỗi tháng, số tiền ba mẹ gửi hàng tháng có giới hạn, mà lại có nhiều khoản phải chi tiêu, như tiền thuê trọ, ăn uống, điện nước, xăng xe, và rất nhiều khoản chi phí khác mà các em chưa lường trước được, một số bạn sinh viên quyết định đi làm part time để có thêm thu nhập trang trải chi tiêu mỗi tháng, thì cũng phải đối mặt với những khó khăn khác nữa;
- Nếu đi làm thêm part time để sống tự lập, tân sinh viên phải đối mặt với những khách hàng khó tính, xử lý rất nhiều vấn đề, tình huống phát sinh đột xuất, khiến các em dễ bị stress, cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, rồi còn phải cân đối thời gian giữa học tập và đi làm thêm, tránh ảnh hưởng xấu tới điểm số, kết quả học tập.
Bên cạnh những khó khăn kể trên, tân sinh viên năm 1 cũng có thể phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ khác, lúc đó thì tuỳ cơ ứng biến, ban đầu có thể các em sẽ thấy khá mệt mỏi, bất tiện, nhưng sau một thời gian thì mình cũng sẽ quen dần, sẽ từ từ trưởng thành hơn. Vậy tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình làm sao để tự lập?
Tân sinh viên năm 1 sống xa gia đình, làm sao để tự lập?
Đầu tiên, để sinh viên năm 1 sống xa gia đình có thể sống tự lập, thì các em phải trưởng thành hơn về tư duy, phải tập suy nghĩ chín chắn hơn lúc trước, cố gắng hạn chế dần những suy nghĩ bồng bột, trẻ con. Khi mình dần trưởng thành hơn về tư duy, thì tự dưng lời nói và hành động của mình cũng sẽ có xu hướng trưởng thành hơn, đồng thời, khả năng ra quyết định, ứng biến với các tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Tiếp theo, các em cần phải năng động hơn, chủ động làm quen với bạn bè mới ở đại học, đừng ngại làm quen kết bạn, vì thật ra những người bạn ấy cũng đang bơ vơ, lạ lẫm với môi trường đại học, và cũng đang rất sẵn lòng kết bạn. Khi có càng nhiều bạn bè, thì các em cũng sẽ yên tâm hơn phần nào, nếu có vấn đề khó khăn gì cần trợ giúp, thì xung quanh mình cũng sẽ có sẵn nhiều người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ, động viên.
Khi phải đối diện với nhiều điều mới khi sống xa gia đình, chẳng hạn như việc phải tự nấu ăn, rửa chén, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, sẽ cực kỳ vất vả, mệt mỏi, và lúc mới bắt đầu thì các em cũng còn bỡ ngỡ, lạ lẫm, chưa kể chuyện mình làm không quen cũng sẽ gặp nhiều rắc rối, chẳng hạn như nấu ăn bị hỏng, làm bể chén bát khi rửa,… nhưng dần dần các em làm nhiều thì cũng sẽ quen, sẽ có thể sống tự lập. Còn về bài toán chi tiêu, tân sinh viên sẽ dễ bị choáng khi tự dưng phải đối mặt với rất nhiều khoản chi phí, nhưng thật ra, sinh viên cũng không cần phải tiêu xài quá nhiều, các em chỉ cần biết tiết kiệm, điều gì thật sự cần thì mới chi, thì cũng sẽ không tới mức bị đau đầu vì chi tiêu. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể đi làm thêm part time hoặc ráng học tốt để lấy học bổng, thì cũng sẽ nhẹ đầu hơn với bài toán chi tiêu mỗi tháng.
Ngoài ra, trong trường hợp đi làm thêm part time, các em cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề từ phía công việc/khách hàng khó tính, ban đầu mình cũng sẽ bỡ ngỡ, cảm thấy mệt mỏi, nhưng chính những trải nghiệm ấy sẽ giúp các em mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, và trau dồi được thêm nhiều hành trang hữu ích khi ra trường đi làm sau này, tất nhiên, chúng cũng góp phần giúp tân sinh viên năm 1 quen với cuộc sống tự lập khi lên đại học.
Bài viết này đã giúp tân sinh viên năm 1 giải đáp được băn khoăn rằng khi lên đại học sống xa gia đình, phải làm sao để tự lập? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên tự đi làm thêm kiếm tiền là trưởng thành chưa?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.