Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 77, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về lỗi giảng viên ghét, môn học khó, bài tiểu luận nhóm và sức mạnh của sự chăm chỉ.
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 75) – GPA thực tập, tiêu chí khoá luận
1. Lỗi giảng viên cực ghét, sinh viên không nên mắc phải
1. Không biết nhận lỗi: Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy là sai thì phải nhận, phải xin lỗi, nếu có lỗi mà cứ trơ ra, không nhận, không sửa sai, mà cứ chối, đổ lỗi, cãi lại, thì giảng viên sẽ rất bực mình.
2. Không nghe giảng: Giảng viên đã cất công soạn bài, giảng bài kỹ để sinh viên nắm kiến thức, bạn nào lo ra, không nghe giảng, làm việc riêng trong lớp thì sẽ bị giảng viên để ý và cực kỳ ghét.
3. Đạo văn, ăn cắp chất xám: Giảng viên sẽ cực ghét những bạn đạo văn, lên mạng copy ý tưởng, sao chép nội dung bài mẫu để đưa vào bài tiểu luận, thuyết trình, rồi tự nhận rằng đó là của mình.
4. Gian lận thi cử: Không lo học đàng hoàng, không chịu ôn thi, mà cứ nghĩ tới các chiêu trò gian lận, chép phao, hỏi bài, dò bài nhau trong phòng thi, nếu bị bắt thì giảng viên sẽ phạt thẳng tay.
5. Nói tục, chửi thề, đánh nhau: Môi trường học đường không cho phép các hành vi trên, nếu sinh viên nào mắc phải các lỗi này thì giảng viên sẽ khó lòng chấp nhận & sẽ phải bị kỷ luật.
2. Sinh viên phải làm sao khi gặp môn học khó?
So với hồi cấp 3, các môn ở đại học sẽ khó và phức tạp hơn, lượng kiến thức cũng nhiều hơn, càng học lên cao sẽ càng khó, thậm chí có các môn học cực khó khiến nhiều sinh viên bị ám ảnh. Khi gặp môn học khó, thay vì nghĩ rằng có ráng cũng không học được, kiến thức nó phức tạp lắm, giảng viên chấm khó lắm, thì sinh viên hãy có tư duy tích cực hơn, rằng mình sẽ vượt qua được. Bằng chứng là các anh chị khoá trên đều vượt qua được, ai cũng ra trường rồi, chứ đâu phải cứ gặp môn học khó là sinh viên bó tay, rồi bị mắt kẹt lại, không qua môn, không ra trường được đâu?
Tiếp đến, sinh viên hãy tập trung, chăm chỉ và nỗ lực hết mình, môn học càng khó thì càng phải học nghiêm túc hơn, đi học đầy đủ, lắng nghe giảng, tự giác ôn bài, làm bài, hệ thống kiến thức, học nhóm cùng bạn bè,… Chỗ nào chưa rõ thì chủ động đọc thêm tài liệu, hỏi lại giảng viên hoặc các bạn giỏi trong lớp để nắm vững kiến thức, đừng để có lỗ hổng vì nó sẽ khiến các em khó lòng hiểu bài trong các buổi học kế tiếp. Khi ôn thi, dù đó là môn học khó thì sinh viên cũng cần ôn tập đàng hoàng, kỹ lưỡng, tập trung ôn các trọng tâm đã được giảng viên dặn dò & nói không với học vẹt, học tủ, gian lận thi cử.
>> Gặp môn học khó, học mãi không vô thì sinh viên phải làm sao?
3. Làm bài tiểu luận nhóm ở đại học có khó không?
Tiểu luận nhóm là bài luận liên quan tới chủ đề môn học mà sinh viên cần làm để lấy điểm, thường được chia thành nhóm 4-8 bạn, cùng teamwork, tổng hợp nội dung, thảo luận & hoàn chỉnh bài làm. Đối với tân sinh viên hoặc các bạn không tự tin về khả năng viết lách, thì các em sẽ thấy bài tiểu luận nhóm ở đại học là một thử thách khó, phải toát mồ hôi mãi mới hoàn thành được. Thậm chí khi mới bắt đầu, sinh viên còn không biết phải làm bài tiểu luận thế nào, cần có những phần nào, lưu ý gì, làm sao để đạt yêu cầu, chưa kể tới chuyện phải teamwork cùng các bạn sao cho ăn ý.
Nhưng khi đã hoàn thành 2-3 bài tiểu luận nhóm, thì càng lúc sinh viên sẽ thấy độ khó giảm xuống, vì đã quen rồi, cách làm bài & teamwork y như cũ, chỉ có nội dung kiến thức môn học là khác thôi. Tóm lại, tiểu luận nhóm là thử thách khó khi sinh viên “lần đầu làm chuyện ấy”, tuy nhiên, càng làm các em sẽ càng quen và thấy rằng nó cũng bình thường, không quá khó như ban đầu mình nghĩ.
4. Vươn tới thành công nhờ sức mạnh của sự chăm chỉ
Cần cù bù thông minh – Bạn hiểu ý nghĩ của câu nói này không? Đó là 1 lời khuyên cực kỳ chuẩn xác cho những ai chưa tự tin vào năng lực bản thân, chưa thông minh thì sẽ bù đắp bằng sự chăm chỉ. Có thể hiện tại bạn đang là trang giấy trắng, cảm thấy năng lực & kiến thức của mình đang thua kém bạn bè rất nhiều, học chưa tốt, hoặc đi làm rồi thì cũng tàn tàn, không đạt thành tích gì nổi trội.
Vậy thì hãy tận dụng sức mạnh của sự chăm chỉ, lên kế hoạch trau dồi bản thân và dành nhiều thời gian cho điều đó, mỗi ngày rèn luyện 1 tí, nạp thêm kiến thức, luyện thêm các kỹ năng mềm. Tích tiểu thành đại, ngày qua ngày bạn sẽ dần tiến bộ hơn, miễn là bạn luôn chăm chỉ học hỏi hàng ngày, đừng bỏ cuộc hay ngắt quãng, thì sau 1 thời gian nhìn lại, năng lực của bạn đã được nâng cao hơn nhiều. Chẳng ai biết trước tương lai sau này, chỉ có 1 điều chắc chắn rằng khi bạn tận dụng sức mạnh của sự chăm chỉ, thì bạn sẽ tiến bộ hơn nhiều, lật ngược tình thế và có khả năng vươn tới thành công.
Cẩm nang sinh viên tập 77 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện lỗi giảng viên ghét, môn học khó, bài tiểu luận nhóm và sức mạnh của sự chăm chỉ. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 76) – Điểm trung bình môn, sống tự lập
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.