Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 80, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về thực tập, áp lực sắp ra trường, mức lương cao và thiếu trung thực trong CV có sao không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 79) – Xin điểm, mẫu email thực tập
1. Thực tập là gì, vì sao phải đi thực tập trước khi ra trường?
Thực tập là giai đoạn sinh viên đi làm việc thực tế tại công ty trong khoảng 3 tháng, ở vị trí đúng với chuyên ngành mà các em đang học để thu thập thông tin làm khoá luận tốt nghiệp hoặc báo cáo thực tập. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với công việc thực tế, trau dồi 1 số nghiệp vụ chuyên môn và ứng dụng các kiến thức đã học vào công việc, giúp sinh viên hình dung trước những khó khăn, áp lực, KPI mà mình sẽ phải đảm nhiệm khi ra trường đi làm chính thức sau này.
Nếu không có kỳ thực tập, sinh viên sẽ không có được những trải nghiệm ấy, tới khi ra trường đi làm sẽ dễ bị lúng túng, không quen việc, rồi mắc phải những sai sót khiến mình bị sếp đánh giá thấp năng lực. Ngoài ra, một số sinh viên khi chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, mà cũng không đi thực tập, thì sẽ càng mông lung hơn về công việc tương lai, không biết mình có hợp với ngành không, có khả năng hoàn thành tốt công việc không, liệu mình có thể gắn bó lâu dài với công việc trong ngành này không? Tóm lại, thực tập là điều cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp các em củng cố định hướng nghề nghiệp và sớm làm quen với các nghiệp vụ chuyên môn để thích nghi với công việc khi ra trường đi làm.
2. Những áp lực sinh viên sắp ra trường thường phải đối mặt
Sinh viên năm cuối phải đối mặt với rất nhiều áp lực khác nhau, các em nên biết để chuẩn bị trước tinh thần và tìm cách vượt qua, giúp mình có thể tốt nghiệp ra trường một cách thuận lợi:
- Thực tập: Chưa ra trường mà phải đi làm, phải tiếp xúc trước với công việc rồi, điều này khến nhiều sinh viên hoang mang, áp lực, nhưng các em cứ bình tĩnh, tập trung và nghiêm túc thực tập thì sẽ vượt qua.
- Khoá luận tốt nghiệp: Đây là thử thách khó gấp nhiều lần so với làm bài tiểu luận, bài khoá luận cũng chiếm nhiều tín chỉ, tác động nhiều tới GPA, các em hãy dồn mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhé.
- Xếp loại tốt nghiệp: Tới năm cuối rồi mà GPA vẫn khá thấp, chưa đủ để đạt xếp loại tốt nghiệp mình muốn, thì sinh viên sẽ càng hoang mang, áp lực hơn. Hãy tập trung để chạy nước rút trong năm học cuối nhé.
- Công việc tương lai: Ra trường sẽ làm việc gì, liệu mình có hợp, có làm tốt không? Sinh viên năm cuối sẽ có nhiều băn khoăn & áp lực về công việc tương lai, hãy tham gia các buổi hướng nghiệp để giúp mình gỡ rối.
>> Áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao?
3. Sinh viên phải làm sao để có mức lương cao khi ra trường?
Sau 4 năm vất vả ở trường đại học, tốn biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư cho việc học, nên nhiều sinh viên muốn nhanh chóng “gỡ vốn”, muốn có mức lương cao khi ra trường. Để làm được điều đó, thì đầu tiên, các em phải đảm bảo mình học hành đàng hoàng, nghiêm túc, chăm chỉ, vững các kiến thức chuyên ngành và có kết quả học tập tốt giúp CV xin việc của mình đẹp hơn. Đây cũng là điều mà nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm ở sinh viên mới ra trường. Khi xin việc, các em chưa có kinh nghiệm làm việc nên tiêu chí kiến thức & kết quả học tập sẽ được chú trọng nhiều hơn.
Sinh viên cũng cần rèn luyện những kỹ năng mềm liên quan tới công việc, đó là yếu tố chứng minh cho công ty thấy các em đủ khả năng để hoàn thành tốt công việc, xứng đáng có mức lương cao. Nếu muốn mở rộng cơ hội việc làm ở các công ty nước ngoài, với lương cao, đãi ngộ hấp dẫn, sinh viên tất nhiên cần phải trau dồi ngoại ngữ, dành thời gian rèn luyện cho thật giỏi để tạo lợi thế.
4. Thiếu trung thực trong CV ứng tuyển có sao không?
Ai cũng muốn tìm được công việc tốt, mức lương cao, để làm được điều đó thì bạn cần có 1 chiếc CV nổi trội, nhiều điểm mạnh, nhưng nếu lỡ nhìn lại bản thân thấy cũng không có nhiều ưu điểm thì sao? Lúc đó, nhiều người đã nghĩ tới chuyện fake CV, bịa đặt những ưu điểm mà mình không có, phóng đại năng lực bản thân để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Liệu thiếu trung thực trong CV có sao không?
Thiếu trung thực là điều vi phạm quy chuẩn đạo đức, nếu bạn đã từng gian dối, thiếu trung thực thì mặc nhiên sẽ tạo ấn tượng xấu, làm sao mà đối phương tin tưởng bạn trong tương lai nữa? Khi xin việc, trung thực lại còn quan trọng hơn nữa, không ai muốn tuyển vào công ty một người gian dối, thiếu trung thực, lỡ khi làm việc họ tiếp tục có những lời nói và hành vi gian dối, gian lận thì sao? Cho dù bạn chỉ khai gian những điều nhỏ trong CV ứng tuyển, không gây hại cho ai, nhưng đó vẫn là thiếu trung thực, khi nhà tuyển dụng phát hiện ra thì sẽ loại, đánh rớt hồ sơ ngay lập tức. Nếu bạn có trót lọt vượt qua, thì khi vào công ty làm việc, năng lực thật của bạn cũng sẽ bộc lộ, công ty thấy bạn không làm được như những gì đã nói, thì khả năng cao sẽ bị trượt khi thử việc.
Cẩm nang sinh viên tập 80 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện thực tập, áp lực sắp ra trường, mức lương cao và thiếu trung thực trong CV có sao không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 78) – Tiêu chí 5 tốt, lịch học Tiếng Anh
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.