Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 78, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về tiêu chí 5 tốt, lịch học Tiếng Anh, làm thêm mỗi ngày mấy tiếng và suy nghĩ tiêu cực tiềm ẩn những tác hại nào?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 77) – Môn học khó, sức mạnh của chăm chỉ
1. Các tiêu chí để xét danh hiệu sinh viên 5 tốt
1. Đạo đức tốt: Sinh viên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, không vi phạm các quy định của nhà trường, xếp loại Đoàn viên đạt loại khá trở lên và điểm rèn luyện đạt chuẩn, thường cần từ 80 trở lên.
2. Học tập tốt: Sinh viên cần đạt điểm trung bình càng cao càng tốt, tối thiểu từ 7.0 trở lên, và cần tham gia ít nhất 1 CLB học thuật, đạt giải 1 cuộc thi học thuật hoặc các tiêu chí học tập khác.
3. Thể lực tốt: Sinh viên có tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện thể chất như đội tuyển thể thao, CLB thể thao, hội thao hoặc có tập luyện các bộ môn khác (kèm giấy tờ chứng minh, ví dụ thẻ gym).
4. Tình nguyện tốt: Sinh viên có tham gia các hoạt động tình nguyện cấp trường, khoa, hoặc nội bộ của lớp đều được, ví dụ như Mùa Hè Xanh, tiếp sức mùa thi, hiến máu, thăm & tặng quà tình nguyện,…
5. Hội nhập tốt: Sinh viên cần đạt các điều kiện liên quan tới ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm nhằm hội nhập và tăng cơ hội việc làm khi ra trường, phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận kèm theo.
2. Gợi ý lịch học Tiếng Anh trong 1 tuần cho sinh viên
Để học Tiếng Anh hiệu quả, sinh viên cần duy trì học đều đặn mỗi ngày khoảng 60 phút, không nên ngắt quãng ngày học ngày bỏ & không được dồn tới cuối tuần mới học. Các em có thể tham khảo lịch học sau đây:
Học từ vựng là điều cơ bản đầu tiên khi học Tiếng Anh, để ghi nhớ được lâu thì sinh viên cần duy trì mỗi ngày, vừa học từ mới vừa ôn từ cũ, chứ không nên để ngắt quãng lâu sẽ dễ bị quên mất. Bạn nên dành thời gian tầm 15 phút mỗi ngày cho việc học từ vựng. Vào thứ 2 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để học ngữ pháp, ban đầu cần nắm những cấu trúc ngữ pháp cơ bản và thông dụng, sau đó dần học lên các cấu trúc phức tạp, huyên sâu hơn.
Vào thứ 3 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để luyện nghe Tiếng Anh, tìm các bài Listening mẫu, cố gắng nghe để hiểu người ta đang nói nội dung gì, hoặc có thể nghe nhạc, podcast, xem phim song ngữ. Vào thứ 4 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để luyện phát âm Tiếng Anh, là điều quan trọng giúp người nước ngoài hiểu các em nói gì, chứ phát âm sai lại hiểu sai ý nhau, có thể luyện bằng app Elsa. Vào thứ 5 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để luyện giao tiếp Tiếng Anh, tìm kiếm các đoạn giao tiếp thông dụng trong cuộc sống hoặc công việc bạn đang làm, rồi luyện dần từ cơ bản tới nâng cao.
Vào thứ 6 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để học Tiếng Anh qua các app, hãy tải về điện thoại các app thông dụng, rồi học thử xem đâu là app phù hợp với mục tiêu của mình để theo lâu dài. Vào thứ 7 hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để luyện giải đề, đây là điều quan trọng với những bạn đang có mục tiêu lấy bằng TOEIC, IELTS, phải thường xuyên luyện đề thì đi thi mới đạt điểm cao. Vào chủ nhật hàng tuần, sinh viên nên dành thời gian để check lại những lỗi sai, trong quá trình học Tiếng Anh, bạn hãy chủ động note lại những lỗi sai của mình, cuối tuần lấy ra ôn lại để tránh mắc phải lỗi đó.
>> Cách học Tiếng Anh hiệu quả cho sinh viên năm 2
3. Sinh viên nên làm thêm mỗi ngày mấy tiếng?
Để tránh ảnh hưởng xấu tới kết quả học, sinh viên nên giới hạn thời gian làm thêm, không nên cắm đầu đi làm quá nhiều rồi lơ là, chểnh mảng việc học. Sinh viên nên làm thêm mỗi ngày mấy tiếng? Sinh viên chỉ nên đi làm thêm 3-4 buổi/tuần & cách ngày, không nên tham kiếm tiền tới nỗi ngày nào cũng làm thêm, và ưu tiên các công việc có thể xoay ca, linh hoạt đổi ca với bạn khác.
Sinh viên không nên đăng ký làm full tận 8 tiếng/ngày, mà chỉ nên giới hạn tầm 4-6 tiếng, cuối tuần nếu được nghỉ học thì có thể du di làm full 8 tiếng, nhưng cần đảm bảo dành đủ thời gian để học. Nếu tính chung cả tuần, thì sinh viên chỉ nên làm thêm tầm 20-25 tiếng/tuần, nếu đợt nào khách đông cần tăng ca thì lưu ý không vượt quá 30 tiếng, dù sao thì việc học vẫn quan trọng hơn.
4. Suy nghĩ tiêu cực tiềm ẩn những tác hại nào?
Những ai suy nghĩ tiêu cực thường sẽ chăm chăm vào những điểm xấu & những điều chưa tốt của vấn đề, rồi tự trầm trọng hoá chúng lên, khiến họ luôn trong trạng thái bị nặng đầu, mệt mỏi, tress. Khi cứ nhìn vào mặt xấu, thì nhiều khi cũng đánh giá sai vấn đề, nhìn nhận sai về sự việc, dẫn tới những quyết định & hành động sai lầm, gây thiệt hại cho bản thân và những bên liên quan. Suy nghĩ tiêu cực cũng khiến bạn tự ti về bản thân, cho rằng năng lực mình yếu, không làm được đâu, sợ xảy ra sai sót nên không dám làm, vậy tới khi nào mới tiến bộ, mới phát triển bản thân hơn? Người suy nghĩ tiêu cực cũng thường tự cô lập bản thân với mọi người, không có nhiều bạn bè, họ hay nghi ngờ người khác, và mọi người cũng không muốn tiếp xúc nhiều với ai hay bi quan, tiêu cực.
Cẩm nang sinh viên tập 78 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện tiêu chí 5 tốt, lịch học Tiếng Anh, làm thêm mỗi ngày mấy tiếng và suy nghĩ tiêu cực tiềm ẩn những tác hại nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 76) – Điểm trung bình môn, sống tự lập
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.