Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 90, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về cách tiết kiệm điện, học tập sa sút, đạo văn và lớp trưởng làm các nhiệm vụ nào?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 89) – Nhóm trưởng giỏi, giữ lại sau thực tập
1. Những cách tiết kiệm điện vào mùa hè nắng nóng
Nhiều bạn sinh viên than phiền rằng hoá đơn tiền điện tháng rồi tăng vọt, do thời tiết nóng quá xài máy lạnh nhiều hơn nên tốn tiền hơn. Làm sao để sinh viên tiết kiệm điện trong mùa hè này?
1. Học trong thư viện: Đa số trường đại học đều có khu vực tự học trong thư viện với máy lạnh mát rượi cả ngày, vừa giúp các em tiết kiệm điện thay vì học ở nhà, vừa rộng rãi, yên tĩnh, dễ tập trung.
2. Hạn chế về phòng trọ vào buổi trưa: Buổi trưa nếu ở phòng trọ thì sinh viên sẽ phải mở máy lạnh tốn điện, thay vào đó, các em có thể đi học nhóm, đi làm thêm hoặc tham gia CLB, rồi tối mới về nhà.
3. Dùng quạt hơi nước: So với máy lạnh thì quạt hơi nước vẫn rất mát, giúp giảm nhiệt độ phòng 1 cách đáng kể, mà nó cũng tiết kiệm điện hơn nhiều, sắm về cũng không mắc lắm, phù hợp túi tiền sinh viên.
2. Thời tiết nắng nóng khiến sinh viên học tập sa sút?
Mùa hè tới, tự dưng không khí nóng dữ dội khiến nhiều sinh viên cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả học. Liệu thời tiết nắng nóng có khiến sinh viên học tập sa sút không? Nghiên cứu do Đại học Harvard tiến hành đã tìm thấy mối liên quan giữa nhiệt độ cao và kết quả học tập thấp. Với mỗi 0,55°C tăng thêm trên mức 21°C sẽ làm thành tích học tập giảm đi 1%. Vậy thì nếu nhiệt độ hiện tại là 36°C thì thành kết quả học tập của các em sẽ giảm đi (36-21)/0,55 = 27.3%, tức là nếu bình thường các em học được mức 8 điểm, thì trời nóng có thể khiến chỉ còn 6 điểm.
Đây không phải điều vô lý, vì khi trời nóng quá thì sinh viên sẽ bị phân tâm, khó lòng tập trung học, thậm chí nhiều bạn còn bị lười không muốn đi học, cúp luôn các tiết học buổi trưa. Dù không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thời tiết, nhưng trời nắng nóng quá cũng tác động không tốt tới kết quả học, liệu có cách nào hạn chế tác động của nắng nóng tới kết quả học không? Sinh viên hãy uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây để cơ thể cảm thấy mát hơn, dịu hơn, mặc trang phục phù hợp, thoáng mát, tóc tai gọn gàng, ra đường nhớ che chắn, đeo khẩu trang,… Ngoài ra, sự nghiêm túc, quyết tâm học của sinh viên cũng có thể đánh bại thời tiết nắng nóng, tức là dù trời có nóng, dù thấy nản nhưng hãy cố gắng học chăm chỉ để mang về kết quả tốt nhất.
>> 5 sai lầm khiến tân sinh viên học hành sa sút khi lên đại học
3. Hậu quả khôn lường khi sinh viên đạo văn
Đạo văn là hành vi ăn cắp chất xám, lấy bài làm, tài liệu của người khác xào nấu, chỉnh sửa lại, rồi tự nhận đó là của mình. Đây là hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối trong môi trường học đường. Đạo văn thường xuất phát từ việc sinh viên chưa hiểu bài, không nắm kiến thức, không biết nên làm tiểu luận thế nào, nên quyết định copy, đạo nhái bài người khác và mong rằng giảng viên sẽ không biết. Nhưng thực chất có rất nhiều phần mềm check đạo văn & cộng thêm kinh nghiệm chấm bài khi đứng lớp lâu năm, thì giảng viên sẽ dễ dàng kiểm tra và phát hiện các trường hợp đạo văn.
Khi đạo văn bị phát hiện, sinh viên sẽ ngay lập tức bị trừ điểm, nếu nhẹ thì trừ cảnh cáo 30% – 50% điểm bài tiểu luận, còn nặng hơn hoặc đạo văn mức độ nghiêm trọng thì sẽ bị điểm 0. Bên cạnh đó, đạo văn cũng là trường hợp vi phạm nội quy nhà trường, nên sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định, điều này có thể sẽ ảnh hưởng không tốt tới xếp loại khi tốt nghiệp của sinh viên. Lạm dụng đạo văn cũng khiến sinh viên học theo kiểu đối phó, chứ không hiểu bài, dễ bị điểm kém khi thi cuối kỳ, thậm chí có thể rớt môn và khi ra trường xin việc cũng bất lợi vì không vững kiến thức. Đạo văn, ăn cắp chất xám cũng là hành vi trái đạo đức, nếu để nó trở thành thói quen xấu khó bỏ thì sau này đi làm các em sẽ dễ tái phạm, mà lúc đó thì sẽ kéo theo nhiều hậu quả khôn lường hơn.
4. Lớp trưởng ở đại học làm các nhiệm vụ nào?
1. Gắn kết tập thể lớp: Giúp cả lớp đoàn kết, hoà thuận và hạn chế tối đa các tình huống mâu thuẫn, xích mích, chia rẽ nội bộ, khi lỡ có bất đồng trong lớp thì lớp trưởng cũng sẽ đứng ra xử lý.
2. Cầu nối giữa nhà trường và sinh viên: Lớp trưởng sẽ truyền đạt các thông báo từ phía nhà trường cho cả lớp, ngược lại, nếu số đông các bạn trong lớp có ý kiến thì lớp trưởng sẽ kiến nghị lên nhà trường.
3. Điều hành các hoạt động: Nếu nhà trường phát động các phong trào thi đua, rèn luyện cho sinh viên, thì lớp trưởng sẽ cùng với ban cán sự lớp làm người điều hành cho các hoạt động tập thể ấy.
4. Hỗ trợ cả lớp trong học tập và phong trào: Lớp trưởng không phải là người biết tuốt, nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ khi các bạn trong lớp cần hỗ trợ, nhằm giúp cả lớp cùng nhau đi lên, cùng tiến bộ.
5. Hỗ trợ giảng viên điểm danh, quản lý sĩ số: Đây là đầu việc khá đơn giản, thường sẽ do lớp trưởng đảm nhiệm để tính điểm chuyên cần cho cả lớp, bạn nào vắng, cúp học sẽ mất điểm chuyên cần.
Cẩm nang sinh viên tập 90 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện cách tiết kiệm điện, học tập sa sút, đạo văn và lớp trưởng làm các nhiệm vụ nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 88) – Môn học nhàm chán, làm tiểu luận chỉn chu
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.