Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 88) – Môn Học Nhàm Chán, Làm Tiểu Luận Chỉn Chu

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 88, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về cách tính điểm tích luỹ, giúp môn học trở nên thú vị, làm tiểu luận nhóm chỉn chu và lợi thế khi có kỹ năng thuyết trình tốt.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 87) – Điểm trung bình học kỳ, tương lai mông lung

1. Ví dụ & cách tính điểm tích luỹ theo thang điểm 10

Điểm trung bình tích luỹ là mức điểm phản ánh kết quả học tập của sinh viên tới thời điểm hiện tại, nó sẽ liên tục được cập nhật sau mỗi học kỳ. Vậy sinh viên có thể tự tính điểm tích luỹ của mình không? Nhiều bạn cảm thấy cách tính GPA khá phức tạp, nhưng thật ra khi biết được cách tính thì các em cũng sẽ thấy nó không quá khó, nếu muốn tự tính thì sinh viên vẫn có thể chủ động tính GPA cho mình.

Điểm trung bình tích luỹ = (Điểm môn A x số tín chỉ môn A + điểm môn B x số tín chỉ môn B + điểm môn C x số tín chỉ môn C + điểm môn D x số tín chỉ môn D +…) / (Tổng số tín chỉ của tất cả môn đã tích luỹ)

Tức là hiện tại đã học xong bao nhiêu môn, thì sẽ lấy bấy nhiêu kết quả để tính vào điểm trung bình tích luỹ, sau này có thêm điểm môn nào thì sẽ bổ sung thêm vào công thức để cập nhật lại. Ví dụ hiện tại sinh viên đã tích luỹ được 5 môn với kết quả là: 9 (2 tín) | 8 (2 tín) | 6 (3 tín) | 5 (3 tín) | 7 (2 tín), thì GPA sẽ = (9×2 + 8×2 + 6×3 + 5×3 + 7×2) / (2+2+3+3+2) = 6.75

Nếu hoàn thành thêm 1 môn 9 (3 tín), thì GPA sẽ tính lại = (9×2 + 8×2 + 6×3 + 5×3 + 7×2 + 9×3) / (2+2+3+3+2+3) = 7.2, tăng điểm lên khá nhiều, tức là sinh viên đang điểm kém vẫn có thể lội ngược dòng.

2. Cách giúp môn học nhàm chán trở nên thú vị

Cũng muốn học chăm chỉ, nghiêm túc lắm, nhưng tại sao sinh viên cứ mở sách vở ra là thấy nhàm chán, lên lớp nghe giảng cũng buồn ngủ, không có hứng thú, phải làm sao đây? Đầu tiên, các em hãy tập cho mình thói quen ham học hỏi, vui thích khi được trau dồi, tiếp thu các kiến thức mới, thì sẽ hạn chế tình trạng chán nản với các môn học. Tiếp theo, sinh viên nên gạt bỏ suy nghĩ rằng môn học này nhàm chán, môn học kia thú vị hơn, vì thực chất tất cả môn học đều hữu ích với mình, đều giúp mở mang kiến thức và có những điểm hay riêng.

Hãy tìm ra những điểm thú vị của môn học, những khía cạnh mà các em cực kỳ quan tâm hoặc những thông tin hữu ích cho bản thân, từ đó, các em sẽ có cảm hứng hơn với môn học ấy. Bên cạnh đó, để biến kiến thức lý thuyết khô khan trở nên thú vị và sinh động hơn, thì sinh viên có thể áp dụng học đi đôi với hành, học xong thì thực hành, vận dụng kiến thức ngay. Ngoài ra, để giúp môn học nhàm chán trở nên thú vị, thì sinh viên cũng nên đa dạng phương pháp học tập, linh động nhiều cách học khác nhau, chứ không nên học mãi theo 1 lối mòn sẽ dễ bị chán.

>> Hướng dẫn sinh viên cách làm tiểu luận nhóm ở đại học

3. Những lưu ý để làm tiểu luận nhóm chỉn chu & điểm cao

Chọn chủ đề bài tiểu luận là điều cực kỳ quan trọng, sinh viên cần lưu ý tránh để bị lạc đề, tránh việc chọn đề tài quá phức tạp khó làm, nhưng cũng không nên quá đơn giản vì sẽ chưa đủ để ghi điểm & tạo ấn tượng. Phân chia công việc & thảo luận nhóm một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi thành viên đều có đóng góp tương đương nhau, tránh việc để 1-2 bạn gánh team, còn lại không làm gì, im re khi họp nhóm. Để làm bài tiểu luận điểm cao thì thông tin phải xác thực, sinh viên cần tìm hiểu kỹ kiến thức, tránh đưa vào bài làm các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, vì sẽ có rủi ro bị giảng viên trừ điểm.

Ứng dụng được càng nhiều kiến thức môn học vào bài làm, thì điểm tiểu luận càng cao, vì giảng viên rất muốn sinh viên hiểu bài, áp dụng các kiến thức vào bài làm, chứ không thích chỉ nói lý thuyết suông. Chỉn chu về hình thức, sinh viên cần đảm bảo làm bài tiểu luận đáp ứng đúng các tiêu chuẩn về hình thức mà giảng viên đã nêu ra từ đầu, ví dụ như về trang bìa, mục lục, font chữ, size chữ, giãn cách dòng, canh lề,… Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nộp bài cũng là lưu ý cực kỳ quan trọng, tránh để bài tiểu luận mắc những lỗi về kiến thức, lỗi đánh máy, sai chính tả, như thế vừa thiếu chỉn chu, vừa bị giảng viên trừ điểm.

4. Những lợi thế khi có kỹ năng thuyết trình tốt và tự tin

Đối với sinh viên, thuyết trình tốt sẽ giúp các em tăng cơ hội được điểm cao khi làm thuyết trình nhóm, càng tự tin và lưu loát, càng tạo ấn tượng tốt với giảng viên và các bạn trong lớp. Khi đi làm, thuyết trình tốt cũng tạo lợi thế khi làm việc với các khách hàng, đối tác lớn, nhất là trong các buổi present về sản phẩm, dịch vụ và tự tin giải đáp các câu hỏi từ phía khách hàng, đối tác. Thuyết trình tốt cũng giúp bạn được tham gia các dự án lớn, vì các phòng ban thường ưu tiên lựa chọn những nhân viên thuyết trình tự tin để tham gia present và đóng góp ý kiến cho dự án. Trở thành nhân viên nổi trội, nhiều cơ hội được tăng lương, thăng tiến khi bạn giao tiếp tốt, thuyết trình tự tin & thường xuyên đóng góp ý kiến, quan điểm, đề xuất trong các cuộc họp của công ty.

Cẩm nang sinh viên tập 88 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện cách tính điểm tích luỹ, giúp môn học trở nên thú vị, làm tiểu luận nhóm chỉn chu và lợi thế khi có kỹ năng thuyết trình tốt. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 86) – Vững kiến thức, ra trường lương 10 triệu

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Trượt Học Bổng Có Phải Là 1 Thất Bại Không?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?