Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 92, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về học trước quên sau, điểm kém, giảng viên khó tính, chấm điểm gắt và sinh viên 5 tốt có giúp làm đẹp CV không?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 91) – Điểm tích luỹ cao, bị bạn bè chơi xấu
1. Học trước quên sau cần làm gì để khắc phục?
Tự nhiên tốn công, tốn thời gian học bài cho xong, cho thuộc, nhưng sau vài tuần lại quên béng, học trước quên sau, tới lúc sinh viên đi thi phải ôn lại từ đầu, nguyên nhân nào dẫn tới trường hợp này? Học trước quên sau không phải do xui, do trí nhớ kém, mà nguyên nhân sâu xa là do sinh viên học chưa kỹ, chưa nắm được bản chất kiến thức, mà lại thiên về học vẹt, học thuộc lòng mặt chữ. Để khắc phục tình trạng học trước quên sau, sinh viên cần đảm bảo mình hiểu bài sau mỗi buổi học, nếu còn mơ hồ, chưa vững kiến thức thì cần hỏi lại giảng viên ngay, thì khi học mới ghi nhớ lâu.
Hãy học theo các từ khoá, theo ý chính, theo cách mình hiểu, chứ đừng lạm dụng chuyện học thuộc lòng. Hãy liên kết các kiến thức đã học với nhau, nó cũng giúp sinh viên ghi nhớ bài học lâu hơn. Sinh viên cũng nên học đi đôi với hành, áp dụng kiến thức vào thực tiễn để nhớ lâu, tránh bị nhầm lẫn, học trước quên sau, chẳng hạn như từ vựng Tiếng Anh, thay vì học thuộc mặt chữ thì nên học trong ngữ cảnh cụ thể.
2. Điểm kém có phải do sinh viên bất tài, vô dụng không?
Ai cũng muốn mình học tốt, được điểm cao, nhưng để đạt được mục tiêu đó ở đại học lại là điều không hề dễ dàng. Thực tế đã có khá nhiều sinh viên bị điểm kém, thậm chí còn rớt môn, nợ môn. Điểm kém 1 lần cũng chẳng sao, nhưng khi liên tiếp bị điểm kém, học hành sa sút, thì nhiều bạn sinh viên đã cho rằng mình là kẻ bất tài, vô dụng, ngu dốt, có mỗi việc học mà cũng không xong. Ai sinh ra cũng có ưu nhược điểm riêng, mỗi người đều có năng lực và giá trị của riêng mình, bị điểm kém không phải do các em bất tài, vô dụng hay kém thông minh, vậy nguyên nhân do đâu?
Điểm kém thường sẽ do sinh viên chưa đảm bảo chuyên cần, vào lớp không tập trung nghe giảng, ở nhà không chủ động ôn bài, làm bài tập, dẫn tới việc không hiểu bài, không làm được bài. Điểm kém cũng có thể do sinh viên chưa quen với cách giảng dạy, học và thi ở đại học, điều này thường xảy ra với các bạn năm 1, khi mới lên đại học bị điểm kém thì đừng vội nghĩ mình bất tài. Để nâng cao kết quả học tập, kéo điểm số lên, sinh viên cần nghiêm túc, chăm chỉ và nỗ lực hơn, hãy đặt chuyện học tập lên hàng đầu, môn học càng khó, giảng viên càng khó, thì mình càng phải cố gắng. Sinh viên cũng có thể lập nhóm học tập để cùng ôn bài, làm bài tập, giảng bài cho nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, khi có bạn bè học cùng thì sẽ dễ hiểu bài hơn, kéo kết quả học tập & điểm số đi lên.
>> Sinh viên điểm kém có phải đi học phụ đạo không?
3. Giảng viên khó tính, chấm điểm gắt thì sinh viên phải làm sao?
Giảng viên khó tính thường có sẵn các nội quy riêng, được thông báo từ buổi học đầu tiên, sinh viên cần ghi chú đầy đủ, cố gắng tuân thủ theo đúng để hạn chế bị giảng viên trách phạt, trừ điểm. Cho dù có khó tính tới đâu thì giảng viên cũng sẽ có thiện cảm với những sinh viên học tập nghiêm túc, thường xuyên phát biểu trong buổi học, hãy đọc trước bài và tìm cơ hội để phát biểu nhé.
Giảng viên càng khó, sinh viên càng phải tập trung nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ để nắm vững kiến thức, khi làm bài thi, bài kiểm tra, dù gặp đề khó hay giảng viên chấm gắt thì mình vẫn đạt điểm tốt. Giảng viên khó cũng thường kiểm tra xem các em có làm bài tập đầy đủ như dặn dò không, sinh viên cần lưu ý luôn chăm chỉ làm bài tập về nhà, vừa đúng yêu cầu của giảng viên, vừa tốt cho mình.
4. Sinh viên 5 tốt có giúp làm đẹp CV khi ra trường không?
Nhiều người cho rằng sinh viên 5 tốt chỉ là một phong trào bình thường ở trường học, chứ khi ra trường xin việc thì công ty cũng chẳng biết danh hiệu đó là gì, nếu có ghi vào CV cũng chả có tác dụng gì. Thực chất khi thường xuyên tuyển dụng các vị trí Junior, Fresher cho sinh viên mới ra trường, thì nhà tuyển dụng đã nhiều lần thấy danh hiệu sinh viên 5 tốt trong CV, họ đã tìm hiểu và đã biết về nó rồi.
Sinh viên 5 tốt được xem là 1 thành tích đáng tự hào ở trường học mà không phải bạn nào cũng đạt được, nếu ghi vào CV thì sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, giúp làm đẹp CV khi ra trường tìm việc. Sinh viên 5 tốt chứng minh rằng các em đã nỗ lực học tốt & năng nổ tham gia các hoạt động phong trào, tích cực rèn luyện thể thao, tham gia hoạt động hội nhập quốc tế, trau dồi kỹ năng mềm,… Nó sẽ có ý nghĩ khi các em thật sự đạt được những tiêu chí 5 tốt bằng chính khả năng của mình & không chạy theo bệnh thành tích, bất chấp làm này làm kia để đạt đủ tiêu chí 1 cách hình thức.
Cẩm nang sinh viên tập 92 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện học trước quên sau, điểm kém, giảng viên khó tính, chấm điểm gắt và sinh viên 5 tốt có giúp làm đẹp CV không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 90) – Tiết kiệm điện mùa hè, học sa sút
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.